Trước đề xuất tăng giá vé xe buýt phổ thông thêm 1.000 đồng/lượt, nhằm tăng nguồn vốn đầu tư xe mới và giảm chi ngân sách bù lỗ cho xe buýt thành phố, nhiều người dân rất ủng hộ đề xuất hữu lý này.
HS-SV đi xe buýt đến trường |
Đề xuất hợp lý hợp tình
Theo đề xuất của Trung tâm Quản lý hành khách công cộng (thuộc Sở GTVT TP.HCM), giá vé xe buýt phổ thông sẽ tăng 1.000 đồng/lượt đối với mọi đối tượng hành khách có trợ giá và không trợ giá. Cụ thể, với cự ly dưới 18km, trung tâm đề xuất tăng giá vé từ 5.000 đồng lên 6.000 đồng (tăng khoảng 20%), cự ly trên 18km giá từ 6.000 đồng sẽ tăng lên 7.000 đồng. Riêng đối tượng trợ giá là học sinh, sinh viên (HS-SV) giá vé lượt đồng hạng vẫn giữ nguyên mức cũ là 2.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, HS-SV phải xuất trình thẻ HS-SV hoặc giấy xác nhận là HS-SV (có dán hình, đóng dấu giáp lai) để chứng minh. Theo ông Trần Chí Trung (Giám đốc Trung tâm Quản lý hành khách công cộng TP.HCM), việc tăng giá vé xe buýt nhằm tạo thêm nguồn thu để đầu tư mới phương tiện, cải tạo và hiện đại hóa hạ tầng bến bãi cũng như hệ thống nhà chờ xe buýt. Đồng thời góp phần giảm gánh nặng nguồn trợ cấp ngân sách trợ giá. Đây là việc làm hợp lý do mức giá hiện tại đã được áp dụng trong thời gian dài.
Trước đề xuất của Trung tâm Quản lý hành khách công cộng, nhiều người dân đã bày tỏ sự đồng tình. Theo chị Nguyễn Minh Phượng (ngụ đường Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8), đề xuất tăng giá vé xe buýt là rất hợp lý: “1.000 đồng ở thời điểm này còn chưa mua nổi một ly trà đá, nhưng nhiều người góp vào cũng có thể góp phần bù lỗ trợ giá và đổi mới phương tiện. Do đó chúng tôi rất ủng hộ. Việc này lẽ ra phải làm từ lâu, bởi bao nhiêu năm qua xe buýt thành phố vẫn kiên trì phục vụ mà không tăng giá”. Theo chị Phượng, nỗ lực của thành phố trong việc đầu tư mới phương tiện cũng như cải tiến cung cách phục vụ sẽ ngày càng thu hút người dân tham gia loại hình vận tải công cộng bằng xe buýt. Đó là lý do bà Nguyễn Minh Châu 63 tuổi (mẹ chị Phượng) luôn chọn xe buýt mỗi khi đi chùa hoặc thăm họ hàng. “Vì nhà neo người, mẹ lại không biết chạy xe máy, nên mỗi khi đi đâu cũng đi bằng xe buýt làm cho tôi rất an tâm. Đi xe buýt vừa mát mẻ vừa an toàn, nhất là đối với người lớn tuổi”, chị Phượng khẳng định.
Tiến sĩ Huỳnh Bá Lộc (giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết, mỗi lần đi dạy học từ nhà (đường Thạnh Mỹ Lộc, quận 2) đến cơ sở 2 Trường ĐH KHXH&NV (khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) gần 20km, nên anh luôn đi xe buýt cho an toàn. Trong khi vốn dĩ giá vé xe buýt đã “rất mềm” so với các loại hình phương tiện lưu thông khác như Grabike, Grabtaxi, taxi truyền thống hoặc xe ôm truyền thống, thì đề xuất tăng giá vé xe buýt 1.000 đồng/lượt là phù hợp trong tình hình hiện tại. Qua đó nhằm góp phần bù lỗ trợ giá, đầu tư mới phương tiện để tiến tới thúc đẩy phát triển xe buýt thành phương tiện giao thông công cộng quan trọng, gần như là chính trong thành phố.
Ông Trần Chí Trung (Giám đốc Trung tâm Quản lý hành khách công cộng TP.HCM) khẳng định khi áp dụng phương án tăng giá vé xe buýt, trung tâm cũng sẽ đồng thời chú trọng tăng cường chất lượng phục vụ, cải tiến phương tiện cũng như chấn chỉnh thái độ ứng xử của nhân viên xe buýt trong cách cư xử đối với hành khách. Trong phương hướng sắp tới, đơn vị cũng sẽ đưa vào vận hành hệ thống vé điện tử thông minh. Để thực hiện phương án này, Trung tâm Quản lý hành khách công cộng đang lựa chọn đơn vị thầu và nhà đầu tư phù hợp. |
Cũng đồng tình với đề xuất trên, bà Phan Thị Lệ (ngụ đường Nguyễn Thị Tú, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) cho biết, bà ủng hộ việc tăng giá vé không phải vì bản thân luôn phụ thuộc vào phương tiện xe buýt (do không biết đi xe máy), nhưng bà “ủng hộ là vì cho dù sau khi tăng giá vé thì đối tượng hưởng lợi vẫn là người dân”. Thử làm phép tính đơn giản, mỗi lần bà Lệ đi từ nơi ở đến số 6bis Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1) phải qua 2 chặng xe buýt với giá 10.000 đồng, nhưng nếu đi xe Grabike thì tốn gần 70.000 đồng, còn đi xe ôm phải mất từ 100.000 đồng trở lên cho một lượt đi. Do đó, ủng hộ tăng giá xe buýt cũng đồng nghĩa với việc người dân góp phần bù lỗ trợ giá xe buýt, giảm tải cho ngân sách của thành phố. Đây cũng là động thái góp phần tạo tính công bằng xã hội mà người dân vẫn được hưởng lợi.
Tăng giá vé đồng thời với tăng chất lượng
Đó là ý kiến và mong muốn của hầu hết người dân, nhất là những người thường chọn xe buýt là phương tiện đi lại chính yếu. Ông Trương Hoàng Giang (ngụ quận 10) cho biết, ông thường mua vé tập lưu thông tuyến số 3 và số 59 đi làm, nên có đề xuất “nếu có tăng giá vé thì cơ quan chức năng nên áp dụng từ đầu năm 2019. Để những người mua vé tập theo năm như tôi không bị ảnh hưởng”. Chị Trương Thị Diệp (con gái ông Giang) là khách hàng thường xuyên của tuyến số 20 (Bến Thành – Nhà Bè) cũng đồng ý với phương án tăng giá vé, nhưng chị cũng kiến nghị “việc tăng giá nên tiến hành song song với tăng chất lượng phục vụ cũng như phương tiện, vì xe tuyến này đã cũ và chất lượng phục vụ chưa tốt lắm, tài xế chạy có khi chưa được đảm bảo an toàn”.
Cùng ý kiến với chị Diệp, thạc sĩ Hồ Khánh Vân (giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng “bên cạnh phương án tăng giá vé, lực lượng chức năng cần nâng cao dịch vụ phục vụ xe buýt để người đi thấy xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra. Vì thực tế còn nhiều xe buýt cũ, xấu, hôi, nóng nực, thái độ phục vụ chưa tốt. Do đó, nếu nâng cao chất lượng thì muốn tăng giá cũng sẽ được ủng hộ”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)