Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cần quản lý sách photocopy

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm tiết kiệm chi phí cho việc mua sách bản gốc (do nhà xuất bản ấn hành) hiện nay, nhiều cá nhân tìm đến các cửa hàng photocopy (gọi tắt là photo) để sao chép sách từ một bản chính. Thể loại sách được photo đa dạng, nhưng nhiều và phổ biến vẫn là những sách mang tính tuyên truyền, tài liệu học tập. Với giá một trang photo khoảng 250-300 đồng/ trang, tính ra rẻ hơn nhiều lần so giá sách gốc nên tình trạng photo được chuộng hơn là vào nhà sách. Từ đây có nhiều vấn đề cần phải bàn đến…

Để được in một quyển sách, tác giả phải trải qua quá trình xin giấy phép của nhiều cơ quan chức năng, sự kiểm duyệt của nhà xuất bản và một số công việc liên quan khác. Cộng thêm từ nhiều chi phí khác như thuê họa sĩ thiết kế, trình bày, chọn giá giấy phù hợp… Rất là gian nan mới đến tay độc giả. Đó là chưa nói sách in lậu tràn lan, có thể chớp lấy thời cơ bất cứ lúc nào để dìm bản gốc. Thử hỏi, tác giả đã gửi tâm huyết vào “đứa con tinh thần” của mình nhưng lại bị “ăn cắp” thì không giận và buồn sao được? Sách photo cũng na ná như sách in lậu, chỉ khác ở hai hình thức: một bên đã được hợp thức hóa, tạm chấp nhận; một bên được xem là vi phạm bản quyền. Nguyên do sách photo không được liệt vào vi phạm bản quyền vì nó không mang tính chất kinh doanh mà chỉ để tham khảo, học tập là chính. Nhưng với sự ra đời của máy photocopy, tác giả của các quyển sách, kể cả những quyển thuộc dạng best-selling (sách bán chạy) ngày càng ế ẩm.

Thay vì tất cả mỗi sinh viên đều dùng sách bản gốc thì cả nhóm, cả lớp lại chỉ mua một quyển rồi mang đi photo (thậm chí là mượn sách gốc của anh chị từng học chứ không mua). Nhiều giảng viên là tác giả của những quyển sách chuyên ngành phải méo mặt vì sinh viên không chịu mua sách bản gốc để học mà chỉ học sách photo. Như giảng viên Hoàng Xuân Phương, đồng tác giả quyển sách “Phong cách PR chuyên nghiệp” với Nguyễn Thị Ngọc Châu, đã buộc các sinh viên Khoa Báo chí Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM phải mua sách bản gốc chứ không được photo. Vì theo cô, sự học không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà là cả đời. Vả lại đặc thù của môn PR (thuộc Khoa Báo chí) rất khó nhớ nên cần phải có quyển sách bên mình. Sau khi ra trường, các bạn sinh viên có thể lưu trữ để tham khảo, đến lúc cũng cần làm tài liệu cho ngành báo chí. Ngoài ra, rất nhiều tác giả khác phải đau đầu vì tiền sách bán ra không bằng phân nửa số tiền đã chi cho việc xuất bản bởi vì sách lậu và sách photo tràn lan. Nhà thơ Trà Kim Long đã trăn trở về điều này: “Chú in quyển “Lời thề sát Thát” rất công phu, tốn bao nhiêu là công sức lẫn tiền bạc. Nhưng hôm vừa rồi tình cờ vào cửa hàng photo, thấy sách mình bị photo số lượng nhiều và đóng bì y như sách bản gốc, thật đau lòng”. Nhà thơ còn bày tỏ bức xúc về việc người ta mượn cớ đi photo sách về học tập, tham khảo nhưng cũng mang tính chất kinh doanh. Có người cho photo tới cả ngàn bản và thu tiền sách photo ấy. Ví dụ như sách dạy tiếng Anh để học thi lấy tín chỉ A, B, C ở các trung tâm, học viên phải bỏ ra 10-15 ngàn đồng để mua sách photo ấy chứ không phát miễn phí. Nếu mua bản gốc phải tốn gần 100 ngàn đồng.

Đó là chưa nói, sách photo có thể sai lệch nội dung, “biến tướng” do người photo sách điều chỉnh. Cửa hàng photo sẽ làm được tất tần tật. Với các kỹ thuật hiện đại, để điều chỉnh một hay vài trang sách, thậm chí là thiết kế lại bìa và in ra thật không khó khăn gì. Ngoài ra với tình trạng photo tràn lan không kiểm soát như hiện nay thì rất là nguy hiểm. Nhất là đối với các loại sách mang tính chất chính trị, được photo để phát tuyên truyền. Kẻ xấu có thể lợi dụng điều này để xuyên tạc mà người xem không hề hay biết vì ngỡ sách photo cũng như sách bản gốc đã được kiểm duyệt hẳn hoi, nên cứ vô tư đọc rồi tin vào đó. Cũng không thể trách người trực tiếp photo vì không phải lúc nào họ cũng nhìn vào tác phẩm từ A – Z (mà chỉ nhìn số trang là chính).

Nếu cơ quan chức năng không sớm kiểm soát chặt chẽ dịch vụ này thì chẳng những ảnh hưởng đến tác giả có sách bản gốc mà còn nguy hại đến tư tưởng, an ninh chính trị nước nhà.

Đng Trung Thành

 

Bình luận (0)