Hầu hết câu hỏi gửi đến các chuyên gia trong buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề 'Thi đánh giá năng lực ra sao?' trên tuoitre.vn sáng 22-4 là nội dung và mục tiêu đánh giá của đề thi.
Đại diện các trường tư vấn cho thí sinh và phụ huynh quan tâm kỳ thi đánh giá năng lực sáng 22-4 – Ảnh: TRẦN HUỲNH
Năm 2018 sẽ có ba đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh gồm: ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Trường ĐH Luật TP.HCM.
Tăng cơ hội trúng tuyển
Kỳ thi đánh giá năng lực lần đầu tiên được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức với chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của phương thức này tối đa 20% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành.
TS Nguyễn Quốc Chính – giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết: "Nhằm giúp thí sinh và xã hội có thời gian để quen và chuẩn bị tốt cho phương thức đánh giá năng lực, ĐH Quốc gia TP.HCM đưa phương thức thi đánh giá năng lực vào quá trình tuyển sinh 2018 như một phương thức bổ sung bên cạnh các phương thức tuyển sinh truyền thống".
Thí sinh tham dự kỳ thi kiểm tra năng lực Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ thi một môn bắt buộc (toán) và một môn tự chọn (vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh). Nhà trường sử dụng kết quả kỳ thi năng lực để xét tuyển tất cả các ngành đào tạo của trường.
Thí sinh chỉ cần vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và đủ điểm chuẩn trong kỳ thi kiểm tra năng lực của nhà trường tổ chức sẽ trúng tuyển vào trường, không cần tham gia thêm các phương thức xét tuyển khác.
"Nhà trường có cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn chỉ tiêu tuyển sinh cho kỳ thi năng lực là 65% tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018. Đây là chỉ tiêu phù hợp. Hiện nay, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi năng lực đã lên đến 3.500 hồ sơ, gấp 3,5 lần chỉ tiêu dành cho phương thức này" – TS Trần Tiến Khoa, phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, cho biết.
Trong khi đó, năm nay Trường ĐH Luật TP.HCM thực hiện xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực. Theo đó, phương thức tuyển sinh được nhà trường thực hiện qua hai bước (bước 1: xét tuyển, bước 2: kiểm tra năng lực) với ba tiêu chí (xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực).
ThS Lê Văn Hiển – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM – cho biết: "Trường chỉ xét trúng tuyển đối với thí sinh có tham dự làm bài kiểm tra năng lực và để có mặt trong buổi kiểm tra năng lực, thí sinh phải đăng ký xét tuyển sơ bộ theo đúng thời gian quy định của nhà trường".
Đề thi năng lực ra sao?
Trong buổi tư vấn trực tuyến, khá nhiều thí sinh thắc mắc về đề thi đánh giá năng lực và mong muốn các chuyên gia định hướng ôn tập. Về việc này, TS Trần Tiến Khoa cho hay bài thi năng lực của Trường ĐH Quốc tế năm 2018 có nội dung trong chương trình THPT năm lớp 10, 11 và 12.
Riêng môn toán và vật lý, đề thi tập trung vào kiến thức chương trình THPT năm lớp 12. Đề thi được soạn theo hai phiên bản (phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt). Thí sinh có thể đăng ký thi đề thi phiên bản tiếng Việt (trừ môn tiếng Anh); phiên bản tiếng Anh (dành cho thí sinh là người nước ngoài hoặc thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT quốc tế).
"Đề thi kiểm tra năng lực thí sinh về toán học và suy luận logic tốt, năng lực khoa học tự nhiên, khả năng tiếng Anh. Với cấu trúc này, nội dung bài thi thiên về kiến thức trong chương trình THPT và suy luận logic.
Cũng giống như mọi kỳ thi khác, để đạt điểm cao trong kỳ thi năng lực, các em cần tham khảo đề thi mẫu, làm quen với dạng thức đề thi và chuẩn bị ôn tập thật tốt cho kỳ thi" – ông Khoa khuyên.
Nhiều thí sinh và phụ huynh thắc mắc với kỳ thi đánh giá năng lực, các trường có tổ chức luyện thi hay không. ThS Lê Văn Hiển khẳng định: "Nhà trường không tổ chức luyện thi đánh giá năng lực vì bài kiểm tra đánh giá năng lực nhà trường kiểm tra bốn nhóm kiến thức: kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp; kiến thức về pháp luật; tư duy logic và khả năng lập luận.
Để làm bài kiểm tra năng lực, thí sinh không cần phải học thêm bất cứ môn học nào. Những kiến thức được sử dụng khi làm bài được thí sinh tích lũy trong quá trình trưởng thành của mình".
Theo kết quả bài kiểm tra đánh giá năng lực năm 2017 của Trường ĐH Luật TP.HCM, trong số 3.456 thí sinh đủ điều kiện để làm bài kiểm tra thì có khoảng 70% thí sinh trả lời đúng 65-70 câu (tương đương mức điểm 19,5 – 21 điểm), 5% thí sinh trả lời đúng 90-95 câu (tương đương mức điểm 27 – 28,5 điểm).
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được xây dựng bởi đội ngũ chuyên gia đến từ các trường ĐH và THPT. Quy trình xây dựng đề thi tuân thủ nghiêm ngặt các quy chế, quy định của Bộ GD-ĐT và của ĐH Quốc gia TP.HCM, đảm bảo tuyệt đối tính chính xác, độ giá trị, tính bảo mật.
Bạn đọc Huỳnh Thị Mai thắc mắc: "Tôi thấy hiện nay các trường ĐH đều tuyển sinh theo khối cho các ngành học khác nhau. Trong khi kỳ thi đánh giá năng lực dùng để tuyển sinh chung cho tất cả các ngành. Vậy có đòi hỏi cao quá đối với thí sinh không?".
TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng để học tốt ở bậc ĐH, người học cần có những năng lực cơ bản như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề…
"Việc đánh giá các năng lực này không nên được coi là đòi hỏi quá cao đối với thí sinh. Một kỳ thi có định hướng đúng sẽ giúp học sinh có tiếp cận đúng suốt quá trình học tập của bản thân, từ đó có đủ năng lực cần thiết không chỉ để học ĐH, mà cho cả cuộc đời" – ông Chính khẳng định.
Ba kỳ thi đánh giá năng lực diễn ra ngày nào? Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sẽ diễn ra đồng thời tại ba địa điểm TP.HCM, Cần Thơ và Quy Nhơn (Bình Định) vào ngày 7-7. Kỳ thi kiểm tra năng lực do Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức diễn ra trong hai ngày 26 và 27-5 tại trường. Còn Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ tổ chức kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm trên giấy trong thời gian 75 phút tại TP.HCM vào sáng 19-7. |
Bình luận (0)