Xã hội càng phát triển, chị em càng… khó đẻ. Tuổi có thai ở phụ nữ ngày càng tăng. Theo các nghiên cứu ở các nước, tuổi có thai của phụ nữ ngày càng tăng dần, cả có thai lần đầu và có thai lần sau.
Chờ khám thai tại Bệnh viện Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) – Ảnh: DUYÊN PHAN
Ở các nước phát triển, tuổi mong muốn có con của phụ nữ cũng ngày càng tăng. Các báo cáo ở một số nước phát triển và báo cáo của Việt Nam cho thấy tuổi có con lần đầu của phụ nữ tăng trung bình thêm 2 tuổi sau mỗi 10 năm. Ở các thành phố lớn tại Việt Nam, tuổi có con lần đầu của phụ nữ còn tăng nhanh hơn.
Việt Nam số sinh giảm nhanh
Các báo cáo ở các nước đều cho thấy xã hội càng phát triển thì số sinh càng giảm. Vấn đề này được xem xét về cả yếu tố y tế và xã hội. Việt Nam nằm trong những nước mà số sinh đang giảm nhanh.
Để có khả năng thụ thai tốt, người phụ nữ phải có hoạt động buồng trứng ổn định, chất lượng noãn tốt, không có các bất thường hay bệnh lý ở đường sinh sản, hai vòi trứng hoạt động tốt. Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng tinh trùng chồng phải tốt và hai vợ chồng cần giao hợp thường xuyên gần thời điểm phóng noãn. Tuy nhiên, các yếu tố như môi trường sống ô nhiễm, điều kiện sống và làm việc căng thẳng, tuổi có con ngày càng trễ, cùng với các bệnh lý phụ khoa thường gặp làm cho khả năng có thai của phụ nữ ngày càng giảm.
Ở phụ nữ, khi vừa mới sinh ra, hai buồng trứng có khoảng 1-2 triệu nang noãn, nhưng khi đó buồng trứng ở giai đoạn bất hoạt. Phải đến tuổi dậy thì bắt đầu mới có hiện tượng rụng trứng xảy ra. Tuy nhiên, trong quá trình các bé gái lớn lên và cơ thể phát triển, số lượng nang noãn giảm dần về số lượng lẫn chất lượng theo thời gian.
Tỉ lệ noãn bất thường tăng dần theo tuổi gây giảm khả năng có thai, tăng khả năng sẩy thai và tăng các bệnh lý ở trẻ sinh ra sau này. Việc suy giảm chất lượng buồng trứng ở phụ nữ là quá trình tự nhiên, không thể hồi phục. Một số bệnh lý và yếu tố môi trường có thể làm quá trình suy giảm buồng trứng xảy ra nhanh hơn bình thường.
Ở phụ nữ, sau 30 tuổi khả năng thụ thai bắt đầu suy giảm nhẹ. Từ 35 trở đi, buồng trứng bắt đầu suy giảm nhanh về cả số lượng và chất lượng. Đến sau 40 tuổi, khả năng sinh sản của phụ nữ còn thấp và khi có thai các vấn đề trong thai kỳ, sẩy thai tăng. Các vấn đề về sức khỏe của trẻ sinh ra cũng tăng. Từ 43 tuổi trở đi, khả năng có thai tự nhiên của phụ nữ còn rất thấp, ít có phụ nữ nào có thai tự nhiên sau 45 tuổi.
Dựa vào đặc điểm của buồng trứng, người ta khuyên phụ nữ nên có thai và sinh con trong độ tuổi từ 20 đến trước 30 tuổi. Nếu đã qua 30 tuổi, nên có thai và sinh trước 35 tuổi. Sau 35 tuổi, nếu có thai, nên đi khám thai kỹ, đều đặn, để tầm soát các bất thường ở thai nhi nếu có.
Lo tuổi thai của phụ nữ
Tại các thành phố lớn ở Việt Nam, tuổi có con lần đầu của phụ nữ đang tăng nhanh hơn.
Khi tuổi mong muốn có con của phụ nữ xấp xỉ 30 hoặc lớn hơn thì khả năng có thai của phụ nữ sẽ giảm đáng kể. Nguyên nhân hiếm muộn do tuổi người vợ lớn ngày càng chiếm một tỉ lệ quan trọng trong các cặp vợ chồng hiếm muộn. Ở Việt Nam tuổi trung bình của người vợ trong các cặp vợ chồng đến điều trị hiếm muộn là khoảng 32-35 tuổi. Ở các nước phát triển, tuổi trung bình này có thể lên đến trên 35 tuổi.
Lý do phụ nữ có con trễ có thể do xu hướng phụ nữ ngày càng dành thời gian nhiều hơn cho việc học tập, phát triển nghề nghiệp và tham gia các hoạt động xã hội. Họ thường trì hoãn việc có con để tập trung cho các mục tiêu khác trong cuộc sống. Nhiều phụ nữ chưa hiểu rằng việc trì hoãn có con sẽ dẫn tới tăng nguy cơ hiếm muộn khi muốn có con. Ngay cả khi bắt đầu điều trị hiếm muộn, tuổi của vợ càng tăng thì tỉ lệ thành công khi điều trị càng thấp.
Con cái là một vấn đề hệ trọng của gia đình. Do đó, khi dự tính các kế hoạch cho gia đình và sự nghiệp, người phụ nữ nên quan tâm đến vấn đề này để chọn thời điểm thích hợp để có con hay dành cho các mục tiêu khác.
6 cách tăng cơ hội có thai tự nhiên Các yếu tố như môi trường sống ô nhiễm, điều kiện sống và làm việc căng thẳng, tuổi có con ngày càng trễ, cùng với các bệnh lý phụ khoa thường gặp làm cho khả năng có thai của phụ nữ ngày càng giảm. Sự suy giảm khả năng sinh sản này có xu hướng tăng theo thời gian và sự phát triển của xã hội hiện đại. Để tăng cơ hội có con, phụ nữ nên chú ý: 1. Có lối sống lành mạnh 2. Lưu ý chế độ ăn uống 3. Tập thể dục phù hợp 4. Nên có con ở độ tuổi dưới 30 5. Trong giai đoạn mong muốn có con nên hạn chế làm việc quá căng thẳng 6. Nếu mong con sau 6 -12 tháng mà chưa có con, nên đến các bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị phù hợp. |
6 nguyên nhân phụ nữ khó có con Ngoài các bệnh lý như: viêm nhiễm gây tắc vòi trứng, rối loạn phóng noãn, buồng trứng không rụng trứng đều đặn, hội chứng buồng trứng đa nang, viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung, các bệnh ở tử cung… thì một số nguyên nhân từ môi trường và xã hội khiến việc mang thai khó khăn. 1. Các hóa chất, ô nhiễm môi trường gây rối loạn hệ nội tiết dẫn đến các rối loạn hoạt động buồng trứng, tăng nguy cơ sẩy thai. 2. Điều kiện sống, sinh hoạt làm tăng các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, u xơ tử cung… 3. Làm việc căng thẳng ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng gây rối loạn chức năng buồng trứng và khó có thai. 4. Người mẹ mang thai bị các tác động của môi trường, độc chất có thể ảnh hưởng đến hoạt động buồng trứng và khả năng sinh sản của bé gái sinh ra sau này. 5. Phụ nữ dành nhiều thời gian cho việc học tập, các hoạt động xã hội nên trì hoãn thời điểm có thai. Càng lớn tuổi khả năng có thai càng giảm và khả năng sẩy thai càng tăng. 6. Công việc căng thẳng về cường độ và thời gian của cả hai vợ chồng dẫn đến giảm tần suất quan hệ vợ chồng, giảm khả năng thụ thai. |
Bình luận (0)