Nếu chúng ta biết đề phòng và chuẩn bị chu đáo thì chắc chắn sẽ hạn chế được nhiều sự cố có thể xảy ra khi vui chơi vào các ngày lễ, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Sau những đợt lễ, trẻ vào khám bệnh ở BV Nhi đồng 1 tăng cao |
Sự cố do đi chơi
Dù thời gian đã trôi qua 3 năm nhưng vợ chồng anh Hà ngụ ở P.27, Q.Bình Thạnh vẫn nhớ ngày 29-4-2015 vào BV Nhân dân Gia Định chăm sóc đứa con trai 7 tuổi bị TNGT trên đường đi chơi dịp lễ. Mặc dù trước đó chị Hương đã dặn chồng rất kỹ nhưng chỉ có một sơ suất nhỏ khi anh cố gắng vượt đèn vàng rẽ trái để vào đường Phan Đăng Lưu thì bị chiếc xe máy chạy phía ngược chiều ráng vượt đèn đỏ với tốc độ cao đâm vào.
Giỗ tổ Hùng Vương năm trước, chị Tiên ngụ ở Q.4 cũng mất vui vì sau khi đưa con vào chơi trong Công viên Tao Đàn thì đứa con gái 3 tuổi bị cảm nắng. Chị Tiên nhớ lại: “Ở đây có khu vui chơi trên cát nên vợ chồng tôi đã cho cháu đi cầu tuột, xích đu, tay quay giữa trời trưa nóng thế là đến tối về cháu bị sốt cao phải nhập viện”.
Đó cũng là câu chuyện đáng buồn của gia đình anh Tùng, ngụ ở Q.7 khi đưa cả gia đình vào chơi trong Công viên Tao Đàn vào ngày 24-4 làm cho đứa con trai 4 tuổi bị té ngã từ trên cầu tuột xuống. Anh Tùng than vãn: “Trước đó, đứa con gái lớn 2 tuổi chơi đu quay cũng bị đứa bạn lấy cát ném vào mắt phải vào nhà vệ sinh rửa sạch cháu mới hết khóc”. Sau khi đi chơi cả gia đình ghé vào Khu ẩm thực trên đường Hoàng Diệu, Q.4 vào ăn tối thì chị Mai – vợ anh Tùng lại bị đau bụng do trúng thực. Anh Tùng than: “Chưa bao giờ nhà tôi lại xui xẻo từ chuyện này đến chuyện khác như vậy”.
Người lớn làm khổ trẻ nhỏ
Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều vụ TNGT liên tiếp xảy ra và điều đáng nói là con số thương vong tăng cao vào các dịp lễ tết như Tết Nguyên đán, Tết dương lịch, Quốc khánh 2-9, Giỗ tổ Hùng Vương và 30-4… Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (C67 – Bộ Công an) cho biết, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng số người tử vong vì TNGT lại tăng mạnh là do mật độ, lưu lượng phương tiện tăng đột biến vào mỗi dịp lễ tết. Cũng vì thế tỷ lệ TNGT cũng sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, vào mỗi dịp lễ tết các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT như sử dụng rượu bia, lỗi đi quá tốc độ, đi sai phần đường, làn đường; người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm… cũng tăng so với ngày thường. Ngoài ra, công tác kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT đã bị buông lỏng tại nhiều khu vực trong những ngày lễ tết và tâm lý người dân cũng có phần buông thả. Vì thế, trước hết là ý thức tham gia giao thông của người dân phải được nâng cao, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng hạn chế tới mức thấp nhất TNGT vào dịp đông người như lễ tết, hội hè.
Ai cũng biết đồ trang trí rất bắt mắt và hấp dẫn trẻ em, tuy nhiên đây là những vật rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Không ít đứa trẻ và người lớn đã bị bỏng do những trái bóng bay có nhiều khí dễ cháy nổ, các loại đồ chơi bằng nhựa có chất độc hại không chỉ trực tiếp mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Bên cạnh đó các dung dịch bên trong bóng đèn, methylene chloride – là chất gây độc nếu tiếp xúc nhiều, hít vào mũi hoặc ngậm vào miệng. Không ít trẻ có triệu chứng nhức đầu, buồn ói, buồn ngủ thậm chí là tử vong do tiếp xúc với các đồ chơi không rõ nguồn gốc. Vì thế khi đi chơi bố mẹ cũng đừng vì quá chiều con mà mua những thứ đồ chơi có chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người.
Nếu cho trẻ chơi thì phải canh chừng tránh để trẻ ngậm, nuốt các loại đồ chơi nhỏ dễ bị sặc hoặc gây nghẹt đường thở. Không ít đứa trẻ bị điện giật do chơi các dụng cụ sạc pin, sạc điện vì thế nên để xa tầm tay trẻ.
BS Trần Nguyễn Ái Thanh – Khoa Nội Tổng quát (BV Q.Thủ Đức) trao đổi, hạn chế cho trẻ đi giữa trưa hoặc lúc mưa to gió lớn để tránh cảm lạnh. Nếu đi đâu xa thì phải mặc kín, đội mũ, mang tất vớ, đeo yếm nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Nếu gặp nắng nóng thì phải cởi ra cho thoáng vì thân nhiệt trẻ nhỏ không ổn định. Đưa trẻ ra ngoài đi chơi làm cho giấc ngủ của bé bị xáo trộn vì thế mọi nơi, mọi lúc tranh thủ cho bé ngủ đủ giấc. Không ít đứa trẻ mệt mỏi không phải vì đói mà vì theo cha mẹ đi chơi mà mất giấc ngủ. Dù có trẻ con đi chơi hay không, người lớn cũng phải đề phòng khi thời tiết thay đổi, mang theo các loại dầu, thuốc sơ cứu khi có sự cố xảy ra nhất là đi xa các trung tâm y tế, đi lại cấp cứu khó khăn. “Hạn chế ăn nhiều quà vặt, giữ vệ sinh tránh lây bệnh từ người khác nên ăn chín uống sôi và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong những chuyến đi xa” – BS Thanh nhắc nhở.
Bài, ảnh: Hoàng Anh
Bình luận (0)