Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mong giảm áp lực cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều phụ huynh đã bày tỏ băn khoăn xung quanh các sự việc, cách hành xử chưa đúng mực của một số giáo viên, làm xấu đi chân dung nhà giáo thời gian qua và mạnh dạn đặt vấn đề vấn “xây” dựng lại hình ảnh đẹp của người thầy.

Tư chất mỗi học sinh khác nhau, cha mẹ đừng kỳ vọng quá lại gây áp lực ngược lại cho con

Bên cạnh đó, các ý kiến khác cũng đề cập việc giảm tải áp lực học tập, thi cử cho học sinh tại buổi Đối thoại cùng chính quyền thành phố chủ đề “Giá trị nhân văn của giáo dục TP.HCM”, do Hội đồng nhân dân TP.HCM phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM thực hiện ngày 28-4.

Bà Lê Thị Thêu (Q.8, TP.HCM) cho hay năm nay có con chuẩn bị chuyển cấp, điều này đã gây nên áp lực cho cả con lẫn mẹ mặc dù chính bản thân bà không muốn con cái chịu sức ép quá lớn về bài vở, thi cử. Bao giờ hết áp lực thi cử, khi nào kỹ năng sống được chú trọng trong học đường là hai nội dung bà Thêu đặt câu hỏi nhấn mạnh.

Về phía nhà trường, ông Phạm Quang Hiếu (Hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh) cũng nhìn nhận, hiện nay, học sinh có nhiều áp lực trong học tập, rèn luyện, vì 2 lý do. Thứ nhất, các đơn vị tuyển dụng thường muốn tuyển được người giỏi nhất, nhiều kỹ năng  mềm, thạo ngoại ngữ nên ngay từ phổ thông học sinh đã chịu áp lực làm sao để trở thành người lao động giỏi. Thứ 2, sự đầu tư, kỳ vọng lớn từ phía gia đình cũng khiến học sinh chịu áp, chưa kể sức ép từ giáo viên. Ông Hiếu thừa nhận, cả giáo viên hiện nay cũng chịu nhiều áp lực từ nghề trước xã hội. Do đó, những cách hành xử của giáo viên trong xử lý những tình huống sư phạm, những câu nói chưa đúng mực khiến học sinh, xã hội chưa đánh giá đúng công sức của thầy cô.

“Kỳ vọng con cái vào học trường tốt là chính đáng. Mong muốn, nỗ lực của học sinh để vào trường tốt là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, những trường mà học sinh, phụ huynh mơ ước sẽ có rất nhiều áp lực. Đương nhiên thi cử là sẽ có áp lực, nhưng chúng tôi mong phụ huynh cùng hiểu với con, nhận biết năng lực con mình tới đâu để hy vọng vừa phải, giúp con phấn đấu, đạt được mong muốn của gia đình trong điều kiện không phải mang áp lực quá lớn”- Ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Thi Thị Tuyết Nhung (Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM) cho rằng, tư chất mỗi học sinh khác nhau để định hướng cho phát triển nghề nghiệp, cha mẹ đừng kỳ vọng quá lại gây áp lực tâm lý ngược lại cho con.

Bà Nhung đánh giá, đại bộ phận giáo viên hiện nay vẫn tận tâm, tận tụy với nghề. Ngành giáo dục thành phố cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giáo viên từ đào tạo, tư vấn, cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin… và mong muốn thành phố tập trung nhiều hơn nữa trong việc xây dựng môi trường giáo dục thân thiện trong các trường học. Bởi các gia đình kỳ vọng rất nhiều vào việc học của con em học sinh, ngay từ khi bước vào bậc mầm non đã mong muốn chọn những trường học đảm bảo đủ các tiêu chí tốt nhất…

Mê Tâm

 

Bình luận (0)