Từ Hải là nhân vật được Nguyễn Du ưu ái, nhà thơ coi Từ Hải như “cứu cánh” của giấc mơ lập lại lẽ công bằng trong không gian ngập tràn bất công, ngập ngụa trầm luân. Nơi cái đẹp, cái thiên lương bị chà đạp “trăm năm trong cõi người ta”. Cái chết bất ngờ của Từ Hải cũng có thể coi là một trong những nguyên nhân Nguyễn Du xót xa muốn ra đi khỏi “cõi người”.
Trong Truyện Kiều, Từ Hải là đấng anh hùng được cụ Nguyễn dành cho những lời tốt đẹp nhất, là một hình mẫu thiên tài đặt bên trang quốc sắc và còn là giấc mơ về một trật tự thế giới, nơi mà cái đẹp được tôn vinh: “Trai anh hùng, gái thuyền quyên/ Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”. Từ Hải được giới thiệu trang trọng, như một vết khắc bằng ngôn từ: “Đội trời đạp đất ở đời/ Họ Từ, tên Hải vốn người Việt Đông”. Đặc biệt dung mạo rất phi thường: “Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm tấc rộng thân mười thước cao/ Đường đường một đấng anh hào/ Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài”. Tài năng cũng được khen nhất bậc: “Giang hồ quen thói vẫy vùng/ Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”. Nhân cách cao quý: “Bó thân về với triều đình/ Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu/ Áo xiêm ràng buộc lấy nhau/ Vào luồn ra cúi công hầu mà chi”. Phong thái phi phàm: “Phong trần mài một lưỡi gươm/ Những loài giá áo, túi cơm sá gì/ Nghênh ngang một cõi biên thùy”.
Trong lúc đó Hồ Tôn Hiến thì sao? Là quan Tổng đốc trọng thần, được đào tạo bài bản, lăn lộn trên chính trường, lọc lõi, mưu cơ: “Có quan tổng đốc trọng thần/ Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài/ Đẩy xe, vâng chỉ đặc sai/ Tiện nghi, bát tiễu việc ngoài đổng nhung”. Là chính khách, được vua tin dùng như thế, trọng vọng như thế, chắc chắn Hồ Tổng đốc không phải là hạng “giá áo, túi cơm”. Và tầm vóc của Hồ Tôn Hiến thể hiện rất rõ trong một từ dùng để đánh giá Từ Hải, coi Từ Hải không thể là đối thủ ngang tài ngang sức: “Biết Từ là đấng anh hùng/ Biết nàng cũng dự quân trung luận bàn”. “Biết” là đủ, không đánh giá thấp – cao; “Biết người biết ta” đó là lẽ thường của kẻ dụng binh. “Biết” này không chỉ dành riêng cho sức vóc Từ Hải, mà còn cho tham vọng, ý chí, chiến lược của Từ Hải trong đó có khát vọng thường tình nữ nhi của Kiều: “Biết nàng cũng dự quân trung luận bàn”, cái thứ giặc sau lưng, điểm yếu huyệt, chết người. “Biết” để đặt ra chiến lược ứng phó hợp lý, là cơ sở để đề ra những chiến thuật đắc dụng bảo đảm chiến thắng: “Đóng quân làm chước chiêu an”. Kẻ cáo già chính trường chọn hình thức tác chiến không hao tổn tinh lực “đối thoại, không đối đầu” triệt tiêu sức mạnh của kẻ võ biền; mũi tên bọc nhung vừa bắn ra đã trói ngay Từ Hải. Sức vóc bao nhiêu thì vẫn là kẻ “anh hùng thảo khấu”. Trước sứ mệnh với quân sĩ, trước vận mệnh cá nhân vẫn chỉ là kẻ hồ đồ. Kiều là ai mà để “Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi”. Vì Kiều, Từ Hải chọn sai vị trí và quên trách nhiệm cá nhân. Từ Hải là một thủ lĩnh, nắm trong tay hàng vạn con người cùng chung ý chí, lý tưởng; sứ mệnh của Từ là biến cải thế gian, nhưng tham vọng lại quá tầm thường: “Triều đình riêng một góc trời/ Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà”. Lý tưởng thì lại “cò con”: “Chi bằng riêng một biên thùy/ Sức này đã dễ làm gì được nhau”.
Nói cách khác như bây giờ, Từ Hải giỏi nhưng lại thiếu tư duy, vô trách nhiệm và thiếu bản lĩnh của một người có ý chí kinh bang tế thế, không hiểu đối phương… Hồ Tôn Hiến đánh giá chính xác Từ Hải, không đặt Từ như một đối thủ quá cao nên mới hành động rất đỗi tầm thường: “Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuyết hàng/ Lại riêng một lễ với nàng”. Quả là không có gì khó khăn để làm lung lạc tấm lòng của Kiều, khơi dậy tư tưởng cầu an hưởng lạc: “Bằng nay chịu tiếng vương thần/ Thênh thang đường cái thanh vân hẹp gì/ Công tư vẹn cả đôi bề/ Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương/ Cũng ngôi mệnh phụ đường đường đường/ Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha”. Chỉ chừng ấy thôi đủ đào cái hố chôn hết sự nghiệp Từ Hải. Là người làm quan, hơn ai hết, cụ Nguyễn hiểu được tai hại của bả vinh thân phì gia. Chao ôi! Cõi người ta đâu là nghiệp chướng? “Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào/ Sao bằng lộc trọng quyền cao/ Công danh ai dứt lối nào cho qua/ Nghe lời nàng nói mặn mà/ Thế công Từ mới chuyển qua thế hàng”. Vì thế kết cục tất yếu phải có: Từ Hải chết đứng “Trơ như đá vững như đồng/ Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng rời”. Từ không chết mới là chuyện lạ! Từ chết đứng âu cũng là tất yếu? Và Từ không chết đứng thì mới lạ. Có thể thấy nhân vật Từ Hải là nỗi thất vọng lớn nhất của cụ Nguyễn!
Hoàng Hồ
(Phòng GD-ĐT Hương Khê, Hà Tĩnh)
Bình luận (0)