Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nỗ lực xây dựng kho nội dung cho phim Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Việc có một kho nội dung đủ hấp dẫn, đặc sắc, mang nét văn hóa bản địa để làm chất liệu là ước mơ chung của các nhà làm phim Việt

Bên cạnh sân chơi phim ngắn, giới làm phim đang chung tay tổ chức nhiều hoạt động tranh tài đa dạng để "xây kho" nội dung vững chắc cho các nhà làm phim Việt Nam.

Chọn hạt, ươm mầm

Nhà sản xuất, đạo diễn Charlie Nguyễn cùng nhà làm phim người Úc Paul Brenner và những người bạn đã tổ chức cuộc thi sáng tác truyện tranh thường niên "Comink". Mùa 1 đã trao giải, trong khi mùa 2 đang diễn ra.

Đây là cuộc thi dành cho tất cả những ai đam mê kể chuyện bằng hình vẽ, bất kể trình độ, kinh nghiệm, độ tuổi, giới tính hay vùng miền. Yêu cầu duy nhất là truyện tranh phải bản gốc và chưa xuất bản.

Các thí sinh đoạt giải “Comink” mùa 1. (Ảnh do ban tổ chức cung cấp)

Các thí sinh đoạt giải “Comink” mùa 1. Ảnh do ban tổ chức cung cấp

Đạo diễn Charlie Nguyễn và các cộng sự mong muốn tìm được những câu chuyện độc đáo để chuyển thành phim điện ảnh hoặc loạt phim dài tập, như cách các hãng phim lớn tại Hollywood, Nhật Bản, Hàn Quốc đã và đang làm.

Mùa đầu tiên, cuộc thi nhận được 170 tác phẩm. 26 tác phẩm đã vào chung kết và cuối cùng, 7 tác phẩm xuất sắc nhất được trao giải. Lượng bình chọn online cũng đóng vai trò lớn cho điểm số cuối cùng của thí sinh. Các thí sinh đoạt giải được Học viện Truyện tranh và Hoạt hình Việt Nam tài trợ những khóa học bổ ích trị giá 20 triệu đồng; được Công ty Phan Thị tài trợ bảng vẽ điện tử XP-Pen.

Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, "Comink" là con đường ngắn để phát triển ngành truyện tranh Việt Nam. Mục tiêu dài hơn là tạo thêm cơ hội để phim Việt phát triển, cả điện ảnh lẫn loạt phim dài tập chiếu trên các nền tảng thu phí, truyền hình. Vì thế, không lý do gì mà nhà làm phim Việt lại không tìm kiếm chất liệu cho phim mình từ các tác phẩm truyện tranh.

Ngoài cuộc thi nêu trên với mục tiêu "xây kho" nội dung từ truyện tranh, chương trình "Practical Series Production" – do Chánh Phương Films và Practical Filmmaking phối hợp thực hiện, Quỹ Netflix Fund for Creative Equity tài trợ – cũng đã tìm ra dự án để sản xuất trong tương lai.

Lấy chủ đề "Our stories matter", "Practical Series Production" là sân chơi để những người trẻ đam mê điện ảnh có thể hiện thực hóa những ý tưởng, câu chuyện mà mình ấp ủ. Công bố vào tháng 9-2023, chương trình nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của cộng đồng đam mê điện ảnh với hàng trăm hồ sơ đăng ký tham gia. 30 dự án tiềm năng được chọn tham gia chuỗi workshop đào tạo sản xuất phim chuyên sâu với sự hướng dẫn của đạo diễn Charlie Nguyễn cùng các giảng viên khác.

Sau khi trình bày trước hội đồng thẩm định, cuối cùng, dự án "Cuộc gọi" của Phạm Nguyễn Thanh Long đã giành giải nhất. Dự án đoạt giải cao nhất được Quỹ Netflix Fund for Creative Equity tài trợ 100% kinh phí sản xuất, với sự hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ chuyên môn của đạo diễn Charlie Nguyễn.

Hành trình tâm huyết

Lâu nay, nguồn nhân lực chuyên nghiệp và kịch bản gốc chất lượng luôn là vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển của ngành phim. Để có được nguồn nhân lực trẻ, có kiến thức nghề, đam mê, nhiệt huyết và có nguồn kịch bản dồi dào, chất lượng cho cả phim điện ảnh lẫn truyền hình là chuyện không đơn giản.

Vì thế, nhiều chương trình, cuộc thi được tổ chức giúp phát hiện người tài để bồi dưỡng, tìm ra những ý tưởng độc đáo, xây dựng thành kịch bản hoàn thiện và đưa vào sản xuất. Việc này cần sự chung tay ủng hộ của cả ngành phim.

"Tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam có rất nhiều ý tưởng thú vị, độc đáo nhưng lại không dám bắt tay thực hiện vì thiếu tự tin lẫn kiến thức chuyên môn. Vì vậy, tôi tin các chương trình, cuộc thi và những sân chơi điện ảnh khác sẽ giúp họ sở hữu nền tảng căn bản vững chắc, có thêm động lực để thể hiện sức sáng tạo của mình" – nhà biên kịch Trần Khánh Hoàng kỳ vọng.

Theo những người trong cuộc, việc các nhà làm phim nỗ lực xây dựng kho nội dung cho phim Việt là một hành trình cho tương lai của ngành. Thử thách là đương nhiên nhưng "có đi mới thành đường, có làm mới đạt kết quả". Nếu không bắt đầu từ bây giờ thì đến khi nào mới có thể hái quả ngọt?

"Tôi hy vọng những sân chơi, các chương trình tranh tài từ sự tâm huyết này sẽ tạo được hiệu ứng để tạo ra một trào lưu sáng tác. Đó có thể là truyện tranh, truyện dài, phim ngắn hoặc chỉ là ý tưởng, đề cương kịch bản…, góp phần động viên những ai yêu thích nhưng còn ngại ngần, chưa dám vượt qua chính mình để thỏa sức sáng tạo" – nhà biên kịch Đông Hoa trải lòng. 

"Sự đa dạng về nguồn kịch bản gốc chất lượng hứa hẹn góp phần tạo nên nét riêng cho phim Việt, tăng sự nhận diện và thương hiệu không chỉ ở trong nước mà còn hướng đến quốc tế."

Theo Minh Khuê/NLĐO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)