Theo khuyến cáo của bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1), sốt xuất huyết (SXH) và sốt virus là hai bệnh thường gặp khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Tuy nhiên, mùa nóng hai bệnh này có điều kiện hoành hành nhiều hơn. Do đó phụ huynh cần chủ động các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cho cả trẻ em cũng như người lớn.
Ngủ mùng cả vào ban ngày là một trong những cách phòng ngừa SXH |
SXH đang vào mùa
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong tuần 15 (6-4 đến 12-4-2018), TP.HCM ghi nhận có khoảng 120 ca SXH nhập viện. Tuy nhiên, số liệu ca nhập viện trong thời điểm gần nhất là tuần 16 (13-4 đến 19-4) lại giảm còn 110 trường hợp. Như vậy, so với tuần 15, số ca nhập viện của tuần 16 giảm 10 ca, đồng thời giảm 25% so với trung bình 4 tuần trước. Tuy nhiên, tính từ ngày 1-1-2018 đến nay, TP.HCM đã có gần 3.000 ca nhập viện do SXH. SXH không chỉ phổ biến ở TP.HCM, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước có hơn 14.000 ca SXH, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Trong đó có 3 trường hợp tử vong tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Cà Mau.
PGS.TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) lưu ý, số ca mắc SXH trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng. Tuy tổng số ca mắc có thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thời tiết nắng nóng trên diện rộng xen kẽ những cơn mưa trong giai đoạn bước vào mùa hè, là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH sinh sôi phát triển, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Bác sĩ Lê Hồng Nga (Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM) cho biết, SXH là bệnh cấp tính do muỗi truyền, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng ngừa muỗi đốt.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1), sốt virus (hay còn gọi là sốt siêu vi) là bệnh thường gặp khi thời tiết quá nóng hay quá lạnh. Tuy nhiên, khi trời nóng quá dễ gây sốt virus hơn. Đối với trẻ em, sốt virus là chẩn đoán thường gặp khi trẻ đi khám bệnh, nhưng khó xác định ngay là virus gì. Trong trường hợp nhiễm virus thì chưa cần dùng kháng sinh. Vì virus thì không thể hết nhanh được, chỉ uống thuốc hạ sốt và theo dõi tái khám. |
Để công tác phòng bệnh đạt được hiệu quả tích cực, bác sĩ Nga khuyến cáo người dân cần chủ động tiêu diệt lăng quăng, không tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng bằng cách đậy kín các vật dụng chứa nước; thay nước bình hoa thường xuyên; thu gom các vật dụng phế thải có thể đọng nước như chai, lọ, vỏ xe trong nhà và xung quanh nhà; thả cá bảy màu để tiêu diệt lăng quăng trong các bồn nước, thùng nước, hồ chứa nước, hòn non bộ… Để tránh bị muỗi đốt, người dân cần ngủ màn cả vào ngày lẫn đêm; sử dụng kem chống muỗi hoặc hóa chất diệt muỗi; che lưới ngăn muỗi ở cửa sổ hoặc dùng màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Trong trường hợp nhân viên y tế địa phương đến phun hóa chất diệt muỗi, các hộ gia đình cần chuẩn bị đậy kín đồ ăn, thức uống, bể cá cảnh, di chuyển các lồng chim, thú nuôi đến nơi khác trước khi tiến hành phun thuốc. Trong khi phun thuốc, các hộ gia đình cần mở cửa lớn, không đứng sát cửa sổ, không đi theo máy phun hóa chất. Khi gia đình có người bị SXH, cần nhanh chóng đưa người bệnh đi khám bệnh và báo ngay cho phòng y tế địa phương. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cũng cần nằm mùng để không bị muỗi cắn, nhằm tránh phát tán bệnh cho những người khác.
SXH cũng gây sốt virus
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, sốt virus (hay còn gọi là sốt siêu vi) là bệnh thường gặp khi thời tiết quá nóng hay quá lạnh. Tuy nhiên, khi trời nóng quá dễ gây sốt virus hơn. Đối với trẻ em, sốt virus là chẩn đoán thường gặp khi trẻ đi khám bệnh, nhưng khó xác định ngay là virus gì. Trong trường hợp nhiễm virus thì chưa cần dùng kháng sinh. Vì virus thì không thể hết nhanh được, chỉ uống thuốc hạ sốt và theo dõi tái khám.
Bên cạnh sốt virus do ảnh hưởng thời tiết thông thường, thực tế còn xuất hiện tình trạng sốt virus do SXH. Do đó, phụ huynh cần nhận biết các dấu hiệu để phân biệt hai loại bệnh này. Trong trường hợp bị sốt virus, trẻ thường sốt cao đột ngột, không kèm theo dấu hiệu gì khác rõ ràng (không thấy ho, sổ mũi, không bị tiêu chảy). Bệnh này thông thường sẽ tự khỏi nên phụ huynh không phải lo lắng. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm vào mùa SXH, thường sau 48 giờ sẽ thử máu nên có khi bác sĩ chẩn đoán là “sốt virus theo dõi SXH”, vì SXH cũng là nguyên nhân của sốt virus. Nếu trong trường hợp trẻ bị sốt virus theo dõi SXH, sẽ có dấu hiệu ói nhiều, đau đầu nhiều, li bì không linh hoạt thì phụ huynh nên cho con đi khám ngay. Nhằm giúp trẻ bảo vệ sức khỏe trong thời điểm SXH đang vào mùa, bên cạnh các biện pháp chủ động như diệt muỗi, diệt lăng quăng, phòng chống muỗi chích, bác sĩ Khanh khuyên phụ huynh nên cho trẻ bú đủ sữa, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, chích ngừa đầy đủ, và cần được chăm sóc cẩn thận khi thời tiết thay đổi.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)