Công nghệ sinh học là lĩnh vực được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống hiện nay. Do đó, những người học ngành này không chỉ có cơ hội việc làm tốt mà còn có thể khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng…
PGS.TS Lê Hùng Anh (Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cùng sinh viên giới thiệu sản phẩm lên men từ vỏ cà phê
Giúp gia tăng giá trị kinh tế sản phẩm
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa phối hợp cùng Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học – Công nghệ tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) chuyên ngành công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023. Tại đây, PGS.TS Lê Hùng Anh (Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho biết, viện đã giới thiệu dự án khởi nghiệp với nhiều sản phẩm rượu vang, trong đó có sản phẩm đặc biệt là rượu vang lên men từ vỏ cà phê – sản phẩm đầu tiên có mặt trên thị trường với hương vị đặc biệt. Công nghệ sinh học ở đây chính là quá trình lên men tạo ra sản phẩm rượu vang bằng hương vị cà phê.
Lâu nay cây cà phê được trồng để lấy hạt, vỏ thường bị bỏ đi. Thay vì phải qua công đoạn chà cà phê lấy hạt, bỏ vỏ, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường thu gom cà phê về cho vào hệ thống làm sạch, sau đó tiến hành công đoạn lên men biến vỏ cà phê thành rượu, còn hạt giữ nguyên làm cà phê. “Ngoài cà phê, chúng tôi còn lên men từ quả thanh long, quả sung và những loại trái cây người nông dân không thể làm khô hoặc ăn tươi. Chúng tôi muốn nâng cao giá trị của sản phẩm trái cây Việt Nam. Thay vì bỏ đi thì cách này giúp sản phẩm của người nông dân tăng giá trị kinh tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo”, PGS.TS Lê Hùng Anh cho hay.
Trong khi đó, bà Bùi Thị Hồng Hà (Giám đốc Phát triển ứng dụng Công ty CP Vi sinh ứng dụng) cho biết, một trong những sản phẩm khởi nghiệp của công ty là dòng trà được làm từ nguyên liệu atisô đỏ. Trên thị trường, loại trà này xuất hiện khá nhiều nhưng trà atisô đỏ được làm hoàn toàn từ thiên nhiên, được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ, không sử dụng phân, thuốc, hóa chất. Atisô xuất hiện nhiều ở hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, tuy nhiên đầu ra lại không ổn định, giá thành thấp. Với những sản phẩm được làm từ atisô đỏ được xem là giải pháp giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây. “Từ khi được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ, trà atisô đỏ của chúng tôi được nhiều đối tác quốc tế tìm đến đặt hàng. Tuy nhiên, chúng tôi chưa đủ sản phẩm để xuất khẩu nên chỉ đáp ứng được cho người tiêu dùng trong nước”, bà Bùi Thị Hồng Hà nói.
Nhiều tiềm năng phát triển
Tại Việt Nam, công nghệ sinh học được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống như: nông nghiệp, chế biến thực phẩm, nuôi trồng thủy sản, y tế, bảo vệ môi trường… Đây cũng là một trong những lĩnh vực trọng điểm được Chính phủ đặc biệt chú trọng đầu tư. Theo Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục, đến năm 2025, nước ta sẽ cần ít nhất 35.000 lao động chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, do đó cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ sinh học chất lượng cao rất lớn.
Các bạn trẻ tìm hiểu sản phẩm khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ sinh học
Về khởi nghiệp, theo PGS.TS Lê Hùng Anh, Việt Nam là đất nước có môi trường thuận lợi cho sản phẩm sinh học, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm nên nhiều người đã khởi nghiệp ở lĩnh vực này và rất thành công. “Để khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ sinh học, đầu tiên người khởi nghiệp phải có kiến thức, sự quyết tâm và có ý tưởng mới, lạ. Để người khởi nghiệp có được những điều này, chúng tôi thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về khởi nghiệp để các bạn nắm được quy trình, cách thức thực hiện dự án khởi nghiệp để thành công”, PGS.TS Lê Hùng Anh chia sẻ.
Theo TS. Hoàng Mỹ Dung (Phó Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), gần đây có nhiều bạn trẻ đam mê ngành công nghệ sinh học và lựa chọn để theo đuổi. Nhiều bạn học ngành này ra trường hướng đến khởi nghiệp với những sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường như: nước uống, thực phẩm chức năng, phân bón, cung cấp giống, dược liệu… “Theo thống kê của chúng tôi, người học ngành công nghệ sinh học ra trường có tỷ lệ việc làm cao. Những bạn hướng đến khởi nghiệp cũng thành công và trở thành những doanh nghiệp trẻ cung cấp sản phẩm công nghệ sinh học cho Việt Nam và xuất khẩu ra thế giới”, TS. Hoàng Mỹ Dung cho biết. Trong khi đó, ông Huỳnh Trí Nhơn (Giám đốc Công ty TNHH Khoa học công nghệ Liên Hiệp Phát) cho rằng người trẻ khởi nghiệp sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn vì còn quá non trẻ, chưa đủ kinh nghiệm hay kiến thức. “Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cần thay đổi cách nhìn về khởi nghiệp trong môi trường ĐH và cả phổ thông. Trong đó, chúng ta phải định rõ mục tiêu của những hoạt động này sẽ đem lại cho học sinh, sinh viên những giá trị hay kinh nghiệm gì giúp ích cho sự nghiệp và cuộc sống tương lai”, ông Huỳnh Trí Nhơn góp ý.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, theo Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, một trong những mục tiêu phấn đấu của TP.HCM là đưa thành phố trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học; đưa lĩnh vực này dẫn đầu cả nước và vươn tầm thế giới, xây dựng ngành công nghệ sinh học thành một trong những ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng của thành phố.
Bài, ảnh: Hồ Khánh
Bình luận (0)