Giới phân tích cho rằng Israel có thể mở một cuộc tấn công trên bộ lớn vào dải Gaza, bất chấp các nhà lãnh đạo trên thế giới kêu gọi kiềm chế
Theo AP, binh sĩ Israel và các tay súng Hamas đọ súng trên đường phố ở miền Nam Israel. Ngoài ra, quân đội Israel cho biết đã tấn công 426 mục tiêu ở dải Gaza, san bằng nhiều tòa nhà. Trong khi đó, Hamas phóng thêm nhiều rốc-két về phía Israel sau khi mở cuộc tấn công chưa từng có về quy mô và cách thức hôm 7-10.
Từ khi xung đột nổ ra, phần lớn nạn nhân của cả hai bên là thường dân. Truyền thông Israel cập nhật con số thương vong mới nhất ở nước này là ít nhất 600 người thiệt mạng và 2.000 người bị thương.
Con số này tại tại dải Gaza là 313 người, theo Bộ Y tế Palestine. Người dân sống gần biên giới giữa dải Gaza và Israel đã phải rời bỏ nhà cửa để tránh không kích từ phía bên kia.
Bất chấp các nhà lãnh đạo trên thế giới kêu gọi kiềm chế, giới phân tích cho rằng Israel có thể mở một cuộc tấn công trên bộ lớn vào dải Gaza.
Một số chuyên gia dự báo quy mô cuộc tấn công sắp tới có thể còn lớn hơn thời điểm năm 2014, khi Israel huy động 80.000 quân dự bị.
"Trong vòng 1 hoặc 2 ngày, Israel sẽ có một lực lượng đông đảo có thể áp đảo lực lượng Hamas ở dải Gaza" – ông Yonah Jeremy Bob, nhà phân tích quân sự của tờ Jerusalem Post (Israel), nhận định.
Theo trang Axios, cuộc xung đột Israel – Hamas hồi năm 2014 kéo dài 50 ngày, khiến khoảng 2.500 người Palestine và 74 người Israel thiệt mạng.
Khói bốc lên sau các cuộc không kích của Israel vào dải Gaza ngày 8-10. Ảnh: Reuters
Trước mắt, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo Hamas sẽ phải "trả cái giá chưa từng có" nhưng nói thêm cuộc chiến này "sẽ kéo dài và khó khăn". Quân đội Israel cho biết đã triển khai hàng chục ngàn binh sĩ đến khu vực quanh dải Gaza và lên kế hoạch sơ tán người Israel khỏi đó.
Đáp lại, ông Saleh al-Arouri, một quan chức Hamas, nói với đài Al Jazeera rằng họ đã chuẩn bị cho mọi tình huống, trong đó có chiến tranh toàn diện. Các lãnh đạo Hamas cho rằng cuộc tấn công bắt đầu ở dải Gaza sẽ lan sang Bờ Tây và Jerusalem bị chiếm đóng.
Dải Gaza có diện tích khoảng 365 km2 và là nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người. Israel đã phong tỏa dải Gaza kể từ khi Hamas kiểm soát lãnh thổ này năm 2007.
Một diễn biến khó lường khác đến từ động thái của phong trào Hezbollah tại Lebanon. Hezbollah ngày 8-10 đã phóng hàng chục rốc-két và đạn pháo về phía 3 vị trí của Israel tại Shebaa Farms – vùng đất đang do Israel kiểm soát nhưng Lebanon xem đây là một phần lãnh thổ mình.
Hezbollah cho biết vụ tấn công nhằm thể hiện "sự đoàn kết" với người Palestine. Quân đội Israel đã tấn công trả đũa bằng máy bay không người lái vũ trang.
Diễn biến trên làm gia tăng nỗi lo về một cuộc xung đột lớn hơn tại khu vực này. Hezbollah hiện được Iran hậu thuẫn và ước tính có hàng chục ngàn rốc-két. Israel và Hezbollah từng có một vài cuộc chiến trong quá khứ. Gần đây nhất là cuộc xung đột kéo dài 34 ngày năm 2006 khiến 1.200 người ở Lebanon và 160 người ở Israel thiệt mạng.
Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng ngày 8-10 cho biết Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, gây nhiều thương vong cho thường dân. "Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, sớm nối lại đàm phán giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bảo đảm an toàn và các lợi ích chính đáng của thường dân" – bà Phạm Thu Hằng nêu rõ. Trong khi đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã chủ động triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân: Đăng thông báo lên trang mạng xã hội chính thức của Đại sứ quán, khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho công dân, cung cấp thông tin liên lạc trong trường hợp cần thiết; cử cán bộ trực, giữ liên lạc thường xuyên với các đầu mối cộng đồng người Việt Nam tại Israel để liên tục cập nhật thông tin; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại và các đoàn ngoại giao ở địa bàn để cùng triển khai biện pháp bảo hộ công dân. Đến nay, tình hình công dân Việt Nam – bao gồm cộng đồng người Việt Nam tại Israel, cán bộ đi công tác và khách du lịch Việt Nam – vẫn an toàn. Đại sứ quán sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, xây dựng kế hoạch bảo hộ công dân phù hợp với diễn biến xung đột. Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam tạm thời không tới các khu vực xảy ra xung đột. Công dân Việt Nam ở địa bàn chủ động tiến hành các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết; tuân thủ nghiêm các quy định của chính quyền địa phương, không tụ tập đông người và hạn chế đi lại; liên hệ ngay với Đại sứ quán khi cần được trợ giúp. D.Ngọc |
Theo Hoàng Phương/NLĐO
Bình luận (0)