Trong quá trình giảng dạy văn học trên giảng đường, tôi được nhiều sinh viên thắc mắc một câu hỏi quen thuộc: “Làm thế nào để viết hay, viết tốt?”. Mỗi lần như thế, tôi thường hỏi ngược lại các em rằng: “Vậy thế nào là viết tốt, viết hay?”. Thông qua những định nghĩa mà sinh viên trả lời, tôi nhận ra quan niệm về viết hay, viết tốt của các em thường có màu sắc cao siêu, các em dường như có xu hướng thần thánh hóa việc viết. Bởi tư tưởng xem sự viết là một kiểu hành động vượt quá mức của cuộc sống bình dị đời thường nên chúng ta dễ cảm thấy áp lực với việc viết, những cảm xúc mặc cảm với viết từ đó mà nảy sinh. Kỳ thực, việc viết giản dị hơn những gì chúng ta nghĩ.
Chúng ta thường đặt mục tiêu là viết tốt, viết hay mà quên rằng trước khi đạt được trình độ đó cần phải viết đúng. Viết đúng ở đây bao gồm cả viết đúng chính tả (theo chuẩn hiện hành) và viết đúng thông tin (thông tin chính xác). Để viết đúng, chúng ta cần nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc tìm ra những quy luật, quy tắc về từ vựng ngữ nghĩa; những quy chuẩn, quy định về chuẩn chính tả hiện hành; và cần xây dựng cho bản thân thói quen tra cứu khi viết (tra cứu chính tả, tra cứu thông tin). Việc sở hữu một quyển từ điển tiếng Việt là một trong những điều kiện cần thiết để chúng ta có thể viết đúng chính tả. Có từ điển tiếng Việt, chúng ta dễ dàng tra cứu những từ khó, những từ ít dùng. Chỉ trừ khi chúng ta cố tình sử dụng từ địa phương, vùng miền, hoặc chủ động dùng các chữ theo lối dùng khẩu ngữ, văn nói, còn thì đều phải tuân thủ quy định chính tả của tiếng Việt. Ngày nay, hình thức tra cứu trực tuyến rất phát triển và thu hút một lượng lớn những người sử dụng vì các tiện ích mà nó mang lại. Tuy vậy, độ chính xác của từ điển online còn là vấn đề cần trao đổi lại. Nếu chúng ta muốn dấn thân vào con đường viết thì việc đầu tư một quyển từ điển tiếng Việt, thiết nghĩ, là điều nên làm.
Nguyên tắc tra cứu thông tin cũng cần được chúng ta tuân thủ trong quá trình viết. Cảm thấy vấn đề nào, sự kiện nào còn ngờ ngợ, chưa chắc chắn là chúng ta phải lập tức kiểm chứng. Theo đó, kiểm chứng thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh khác nhau; kiểm chứng chéo để tránh bị nhầm lẫn thông tin. Ngay cả đối với những thông tin chúng ta cứ ngỡ nắm rõ nhưng đôi khi vẫn có thể sai do trí nhớ của bản thân không chính xác. Thế nên, thái độ chủ quan phải bị loại bỏ trong việc viết.
Muốn viết tốt, viết hay, trước hết phải viết đúng. Chúng ta cứ thử đảm bảo viết đúng những văn bản mà mình tạo ra, dần dần qua thời gian, sẽ cảm thấy tự tin với việc viết. Và đến một lúc nào đó, việc viết hay, viết tốt sẽ không còn là điều trăn trở trong lòng chúng ta nữa.
Trần Xuân Tiến
Bình luận (0)