Thi thể những người leo núi bị để lại trên đỉnh Everest vì việc đưa xuống quá nguy hiểm và tốn kém.
Theo trang Business Insider ngày 13.5, việc nhìn thấy các thi thể dọc đường leo lên đỉnh Everest là điều không còn xa lạ, và những nạn nhân xấu số phải nằm lại tại đây do việc đưa xuống quá nguy hiểm và tốn kém.
"Tôi không thể tin được điều mình thấy ở đó. Cái chết, cảnh chết chóc, sự hỗn loạn, nhiều người xếp hàng, xác chết ven đường", theo nhà làm phim Everest Elia Saikaly.
Chỉ trong mùa xuân năm 2019, có đến 7 người thiệt mạng khi leo đỉnh Everest. Vào năm 2015, một trận tuyết lở tại đây khiến ít nhất 19 người thiệt mạng. Mới đây, 2 người thiệt mạng khi leo đỉnh Everest trong mùa xuân năm ngoái.
Ngay từ đầu mùa leo núi Everest năm 2023 đã có 4 người tử vong, trong khi dự kiến đây sẽ là năm có nhiều người leo đỉnh núi này nhất. Tháng trước, 3 người Nepal dẫn đường thiệt mạng khi cố gắng cài dây để những người khác leo lên. Vào ngày 2.5, một người Mỹ đã thiệt mạng trên đường lên núi.
Nepal đã cấp số giấy phép kỷ lục là 463 cho những người muốn leo đỉnh Everest. Cùng với những người dẫn đường, đây sẽ là khoảng 900 người muốn chinh phục đỉnh núi cao 8.849 m trong năm nay.
Việc đưa các thi thể xuống rất khó khăn. Chi phí có thể lên đến 70.000 USD và đôi khi còn kéo theo người khác thiệt mạng. Vào năm 1984, hai người Nepal thiệt mạng khi tìm cách đưa thi thể một người leo núi xuống. Do đó, các thi thể thường bị bỏ lại trên núi.
Dòng người leo lên đỉnh Everest vào năm 2021. AFP
Nhà leo núi Everest Alan Arnette cho biết việc đưa thi thể xuống rất tốn kém và rủi ro, cũng như cực kỳ nguy hiểm đối với những người dẫn đường.
"Những gì họ phải làm là tiếp cận thi thể, sau đó họ thường đặt nó vào xe trượt tuyết nhưng thường chỉ là một mảnh vải. Họ buộc dây thừng vào đó, sau đó họ thực hiện một cú trượt có kiểm soát của thi thể", theo ông Arnette.
Arnette nói rằng ông không muốn cơ thể của mình bị trượt như vậy nên đã ký vào mẫu đơn "xử lý thi thể" trước khi leo lên đỉnh Everest. Theo đó, thi thể của ông phải được yên nghỉ trên núi trong trường hợp thiệt mạng trong chuyến đi.
Một số người leo núi cho rằng tình trạng thiệt mạng gia tăng một phần do số lượng người leo núi quá đông, điều có thể ngăn chặn. Một số người phàn nàn về mối nguy hiểm khi tắc nghẽn tại "vùng tử địa" ở độ cao trên 8.000 m, nơi không khí loãng và nhiều người phải đeo mặt nạ ô xy.
Theo Khánh An/TNO
Bình luận (0)