“Khát vọng xanh” là tập thơ mới nhất của nữ tác giả – nhà giáo Triệu Kim Loan (hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, nguyên GV Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – GDTX Q.Tân Bình TP.HCM) sau 2 tập “Khoảng lặng” và “Suy tư chiều” in trước đó.
Nhà thơ – cô giáo Triệu Thị Kim Loan cùng với các học sinh của mình
Đúng như nhận xét của bạn đọc, trong “Khát vọng xanh” mạch thơ của chị vẫn giữ được sự dung dị, trong trẻo, lắng đọng đong đầy cảm xúc. Mạch thơ đó không vượt ra ngoài biên độ của dòng hoài niệm về gia đình, nhà trường đặc biệt là quê hương cội nguồn, nơi còn lưu giữ kỷ niệm mà tác giả lớn lên trên vùng đất tổ Phú Thọ. Đó là xúc cảm dâng trào trong bài “Tơ vương chiều” khi nghĩ về: “Ngõ xưa giờ mấy con đò/ Đêm vò võ nhớ chiều tơ vương chiều”.
Theo nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu – hội viên Hội VHNT TP.HCM, từ tập “Khoảng lặng” đến “Khát vọng xanh” là một bước đi khá nhuần nhuyễn trong hành trình đến với nghiệp thi ca của Triệu Kim Loan. Với vai trò người mẹ, người vợ, chị đã gửi hết thảy niềm riêng trong từng câu chữ đầy yêu thương, trách nhiệm vuông tròn bổn phận. Sâu sắc, thấu hiểu, chân thành là một giọng điệu chung cho mọi bài thơ: “Nghĩa tình chồng vợ mốt mai/ Bên nhau trăng hóa ngọc cài tuyết sương” (Viết cho anh). Nhiều câu thơ tự tình đã họa nên hình ảnh một cô giáo đảm việc nhà – giỏi việc trường rất đáng cho chồng con bên cạnh tự hào kiêu hãnh: “Sau trang giáo án của em/ Có anh – người đã từng đêm thức cùng/ Em – người đưa khách đò ngang/ Bao nhiêu khát vọng gọi đàn con thơ”. Bởi thế trang thơ của chị thường vương đầy bụi phấn thân quen của nghiệp dĩ. Hình ảnh nhà giáo Đàm Lê Đức trong bài “Đời gieo hạt” hiện lên thật đẹp, thật đáng kính: “Đem nhân tâm trải khắp mọi miền/ Đem trí tuệ thắp lên ngàn khát vọng/ Cánh đồng rộng nhọc nhằn con chữ/ Mùa gặt về hoa nở thắm trên môi”. Đó còn là vẻ đẹp đáng kính trọng không thể gì sánh được của đội ngũ nhà giáo bất kể tuổi tác sức khỏe ngày đêm gieo chữ trên cánh đồng tương lai.
Thơ chị có cả giọt mồ hôi long lanh nỗi vất vả của đàn em giữa mùa thi mà cô giáo đồng cảm bắt gặp được lúc “Xao xác chiều hè cuối hạ/ Thương cây bàng/ Xòe ô đứng đợi/ Thương phượng gầy/ Thắp lửa/ Những mùa thi” (Thương). Có vất vả, gian truân đi cùng nhịp bước nhưng bảng đen phấn trắng ngày mỗi ngày vẫn là niềm tự hào không dễ gì thay thế được: “Bảng đen – phấn trắng – thanh xuân/ Chuyến đò ngang đã bao lần vượt sông”. Phải có những khoảng lặng về tâm hồn đa cảm, khoảng lặng về sự chiêm nghiệm sâu sắc tác giả mới sinh nở ra được những ý thơ chân thành như thế: “Sân trường riêng một mình ta/ Chênh chao mùa đến/ vỡ òa tiếng ve…”. Lòng yêu nghề mến trẻ mãi chắp cánh cho khát vọng xanh bay lên trong hồn thơ cô giáo dạy văn.
Phan Quang
Bình luận (0)