Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Viết tiếp bài “Không phải ra đề càng khó là tốt, càng lạ là hay”: Hướng dẫn và ra đề nên như thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

1. Nguyên nhân chính dẫn đến việc ra đề học sinh giỏi quá sức, quá khó và có nhiều sai sót là do những giáo viên ra đề và người duyệt đề không hiểu rõ việc mình làm. Xuất phát từ nhận thức sai: Học sinh giỏi cần phải khác thường, phải ra đề thật khó, thật khác lạ thì mới chọn được học sinh giỏi. Ngoài ra, một số giáo viên ra đề muốn chứng tỏ mình uyên bác nên phải ra những vấn đề khó; một số giáo viên lười suy nghĩ, nên cứ tìm trên mạng và các tài liệu tham khảo, sách ôn luyện học sinh giỏi, thấy kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 ra đề như thế cũng làm theo. Cuối cùng cần thấy công tác chỉ đạo, tập huấn, bồi dưỡng về dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh giỏi chưa tốt nên giáo viên ra đề không cần biết yêu cầu của chương trình như thế nào, chỉ ra theo ý mình, theo kinh nghiệm, sở thích của cá nhân…


Hc sinh THCS tìm hiu các tác phm văn hc trong thư vin (nh minh ha). Ảnh: Y.Hoa

2. Giải pháp khắc phục hạn chế này chính là đề ra biện pháp khắc phục các nguyên nhân nêu trên. Theo đó, mỗi địa phương tự xem xét lại cách ra đề hàng năm để phát huy hoặc điều chỉnh cho phù hợp. Cái gốc là người ra đề thi cần có năng lực, biết thương học sinh, biết nghĩ đến đồng nghiệp của mình… Trong các giải pháp thì công tác hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn là quan trọng nhất. Với việc dạy học và thi học sinh giỏi nói riêng; kiểm tra, đánh giá nói chung, theo tôi, cần có kế hoạch và chủ trương thống nhất. Cụ thể, ngay từ đầu năm học, các phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT cần có văn bản hướng dẫn học và rèn luyện theo các yêu cầu chung cho tất cả các nhà trường. Ví dụ: Đây là hướng dẫn của Phòng GD-ĐT huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) về cấu trúc đề thi học sinh giỏi cấp huyện, năm học 2022-2023 môn ngữ văn lớp7:

I. Yêu cầu chung: 1/ Nội dung kiến thức: Nội dung đề thi nằm trong chương trình THCS (lớp 6, 7), chủ yếu là lớp 7. Đề thi đảm bảo độ phân hóa, coi trọng đánh giá năng lực người học, tăng cường câu hỏi mở, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. 2/ Yêu cầu về các cấp độ nhận thức: Nhận biết khoảng 20%; thông hiểu khoảng 30%; vận dụng khoảng 30%; vận dụng cao khoảng 20%.

II. Hình thức thi: Thi viết tự luận; thời gian làm bài 120 phút.

III. Cấu trúc đề thi. Đề thi gồm 2 phần: Phần 1/ Đọc hiểu văn bản (4-5 điểm). Ngữ liệu đọc – hiểu được trích dẫn nguyên văn ở đề bài (ngữ liệu không thuộc các văn bản đã đọc – hiểu trong chương trình THCS). Từ nội dung đọc hiểu yêu cầu học sinh xác định được thể loại, phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, tác dụng… Phần 2/ Tập làm văn (15-16 điểm). Câu 1 (5-6 điểm): Từ nội dung phần đọc hiểu học sinh viết 1 đoạn văn trình bày suy nghĩ, nhận thức của mình về một vấn đề. Câu 2 (10 điểm): Học sinh tạo lập được một văn bản trong các thể loại mà học sinh đã được học (trong sách giáo khoa ngữ văn 7- Cánh diều). Với hướng dẫn trên đây, cả người dạy và người học đều có phương hướng. Đặc biệt, người đánh giá có cơ sở để ra đề thi học sinh giỏi đúng yêu cầu.

3. Tôi đã xem đề thi học sinh giỏi của huyện Ý Yên dành cho lớp 7. Đề thi ấy như sau:

I. Đọc hiểu văn bản (5 điểm). Đọc văn bản sau đây và thực hiện các nhiệm vụ bên dưới.

Mùi tuổi thơ: “Tuổi thơ của chúng tôi chỉ có những trái sim, trái ổi cùng tiếng sáo diều vi vu trong những ngày gió đẹp; những chiếc ống bơ than quay tít trong những buổi đông lạnh tê người; những cánh đồng hè sau mùa gặt còn trơ gốc rạ, mỗi đứa một cái giỏ buộc ngang hông và một chiếc rổ con, mặt mũi lem nhem bùn đất. Tuổi thơ ấy, là những đụn khói trên đồng và những củ khoai nhọ nhem, gầy guộc. Biết bao buổi trưa hè trốn mẹ ra đồng tát cá, thả diều; tối tối cùng nhau tụ tập chơi đùa cạnh đống rơm. Đêm hè nằm trên triền đê ngắm trăng, ngắm ông Thần Nông câu cá… Ngày ấy, nhắm mắt lại tôi cũng phân biệt được đâu là mùi lúa thì con gái, đâu là mùi lúa chín, đâu là mùi cánh đồng vừa mới gặt xong. Tôi có thể phân biệt được mùi rơm nếp, rơm tẻ… Người ta thường yêu mùi lúa chín, nhưng tôi lại yêu mùi rơm thơm, yêu cái mùi ngai ngái của chúng trên cánh đồng khi đã được cày lật. Yêu rơm rạ, đơn giản vì trong tôi thường nhật một nỗi lo. Mùi lúa chín thơm, đẹp và đầy hy vọng, nhưng cũng thật chông chênh. Nhỡ chẳng may… mưa bão, lụt lội ập tới. Mùi rơm thơm chính là mùi báo hiệu mùa vàng đã yên ổn, thóc lúa đã khô nỏ trong thùng của mỗi gia đình. Đó là mùi của sự ấm no. Còn biết bao mùi hương của tuổi thơ vẫn tỏa ngát trong tâm trí tôi. Mùi vị chát xít ở đầu lưỡi khi vặt trộm quả khế non chưa rụng cánh tai; mùi thơm nồng của trái thị khi mẹ đi chợ về… Khứu giác nhạy bén đến nỗi, đứng ở vườn là tôi có thể biết cây ổi nào có trái chín, không cần nhìn cũng biết được đâu là trái ổi đào, đâu là trái ổi mỡ… Rồi mùi tanh tanh của ao làng khi tháo cạn. Bọn trẻ chúng tôi được một bữa thoải mái vầy bùn mà không phải sợ bố mẹ cho ăn roi, thích thú reo hò khi vớ được con cua, con cá. Với tôi, mùi tuổi thơ cũng có mùa riêng của nó. Mùa xuân bắt đầu bằng hương thơm của nồi lá mùi già chiều ba mươi Tết. Rồi đến mùi pháo giao thừa. Mùi hồ trên những bộ quần áo mới tinh. Khi mùi hoa chanh, hoa bưởi tàn, cũng là lúc vội vã chia tay với mùa xuân để đón chờ mùa hạ. […] Những ai đã từng gắn bó với đồng quê, hẳn sẽ không bao giờ quên được những mùi vị ấy của tuổi thơ. Những mùi hương dân dã đã dưỡng nuôi chúng tôi lớn lên, mộc mạc, bình dị như mảnh đất quê hương. (Võ Hằng, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, số 17, ra ngày 10-9-2021). 1/ Nhan đề Mùi tuổi thơ có gì khác lạ? Em hiểu nghĩa của nhan đề ấy là gì? (1 điểm). 2/ Đặc điểm thể loại tùy bút được thể hiện trong văn bản Mùi tuổi thơ như thế nào? (2 điểm). 3/ Tính mạch lạc của văn bản Mùi tuổi thơ được thể hiện ở những điểm nào? (2 điểm)

II. Viết (15 điểm). Câu 1 (5 điểm): Từ nội dung văn bản Mùi tuổi thơ ở trên, hãy viết đoạn văn trả lời câu hỏi: Mùi tuổi thơ của em là những gì? Câu 2 (10 điểm): Viết lại những suy nghĩ và cảm xúc của em khi nhớ lại một sự việc hoặc một con người đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong thời thơ ấu.

Đề thi trên dài nhưng đúng yêu cầu của chương trình, đo được năng lực đọc hiểu và viết của học sinh tốt hơn. Vì học sinh lớp 7 đã được học thể loại tùy bút, về tính mạch lạc của văn bản; về viết đoạn văn ngắn và viết bài văn cảm nghĩ. Nội dung ngữ liệu của đề là mới và gần gũi với tuổi thơ học trò: Ai cũng có một thời tuổi thơ. Đề thi như thế không đánh đố học sinh, vì đã được chỉ dẫn phương hướng khi học; nhưng vẫn bất ngờ với các yêu cầu cụ thể trước một văn bản mới. Học sinh giỏi sẽ thể hiện ở việc triển khai ý và kỹ năng diễn đạt cả trong trả lời câu hỏi và viết đoạn, bài văn.

PGS.TS Đ Ngc Thng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)