Mùa hè đã đến. Học sinh vui sướng vì được thoải mái sau những tháng ngày miệt mài học tập. Thế nhưng, với các bậc phụ huynh thì việc học sinh ở nhà trong một thời gian dài là một sự lo lắng, bất an.
Học sinh tập luyện môn bóng rổ trong thời gian nghỉ hè (ảnh minh họa). Ảnh: Đ.Yến
Hè năm nào cũng có những tai nạn xảy ra với trẻ như đuối nước, điện giật, té từ trên cao…, hay trẻ sa đà vào điện thoại thông minh với những trang mạng xã hội với nhiều điều xấu, độc hại hoặc mê trò chơi điện tử đến quên ăn, quên ngủ làm sức khỏe sa sút. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần lên kế hoạch hè cho con ngay từ khi các em nghỉ hè.
Với những phụ huynh có điều kiện thì nên cho con về quê thăm người thân hay đi du lịch bởi: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Về quê, các em không chỉ thăm ông bà, họ hàng mà còn được kết nối tình thân của gia đình, dòng họ để các em yêu thương hơn, quan tâm hơn đến người thân. Không những thế, các em còn được biết đến môi trường sống mới, nền nếp mới của nhà người thân, của làng xóm. Các em làm quen để tập dần với sự hòa nhập cộng đồng, với vùng miền khác nơi mình sinh sống hàng ngày. Phụ huynh cũng cần khuyến khích con tham gia các hoạt động của người thân, của làng xóm quê hương để các em có dịp khám phá, trải nghiệm và tự rút ra cho chính mình những bài học về cuộc sống mà không có sách vở, thầy cô nào dạy như gặt lúa, bắt cá, trồng rau… Nếu được đi du lịch, phụ huynh cần hướng con tìm hiểu những điều mà các em được nhìn thấy, nghe thấy. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế, dắt con đi tham quan, du lịch ở nhiều nơi nhưng khi hỏi nơi ấy thuộc tỉnh nào? có đặc sản gì? sản phẩm ấy được làm ra sao?…, các em đều trả lời không biết bởi cả chuyến đi ba mẹ và con chỉ chụp hình, ăn uống, cười đùa mà không có một chút tìm hiểu, trải nghiệm. Đi đến vùng biển, phụ huynh hãy hỏi con về cách làm muối biển, về thủy triều, về cách giữ gìn môi trường biển…; đi đến nơi núi rừng, ba mẹ hãy hỏi con về lợi ích của rừng, tác hại khi rừng bị tàn phá, tìm hiểu về các loài cây quý, hoa lạ… Đến nơi nào đó, phụ huynh hãy nói với con về các đặc sản của nơi ấy, nếu được cho các em đến nơi sản xuất để xem cách người dân nơi đó làm các sản vật ấy như xem làm kẹo dừa Bến Tre, dệt thổ cẩm, làm gốm Chăm… Phụ huynh hãy làm sao cho lần về quê, kỳ đi du lịch trở thành thời gian học tập từ thực tế của con.
Hiện nay, các học kỳ quân đội, trại hè thiếu nhi được mở ra rất nhiều. Phụ huynh cho con tham gia cần lưu ý hướng dẫn các em tuân thủ đúng các quy định của ban tổ chức để đảm bảo an toàn cho bản thân, tránh những tai nạn đáng tiếc. Việc hướng dẫn các em cách sinh hoạt, vui chơi hòa đồng với tập thể bởi “chín người, mười ý” cũng là điều cần thiết để tránh việc các em mâu thuẫn, gây gổ, đánh nhau với bạn mới quen. Nhiều học sinh không hòa đồng được với các bạn mới trong trại đã sớm chán nản, đòi về khi trại hè chưa kết thúc. Với gia đình không có điều kiện thuận lợi thì phụ huynh cũng cần sắp xếp thời gian để dẫn con đi vui chơi, thư giãn như đến công viên, nhà văn hóa thiếu nhi… gần nhà hoặc đi xem phim, xem kịch. Việc cùng phụ huynh đi đến những nơi này sẽ cho các em thấy ba mẹ dù có công việc, dù gia đình khó khăn nhưng cũng quan tâm đến mình và quan trọng là các em giải tỏa được tâm lý chỉ suốt ngày ở nhà, không được đi đâu như các bạn trong hè.
Mùa hè kéo dài nên ngoài việc cho con vui chơi, phụ huynh cũng cần cho con học các kỹ năng cần thiết. Bơi lội là một kỹ năng hết sức cần thiết và cũng là một môn thể thao phổ biến. Nếu con đã biết bơi, phụ huynh nên cho đi bơi hàng ngày hoặc hàng tuần. Còn nếu con chưa biết bơi, phụ huynh cần dạy con bơi hay đăng ký học bơi. Ngoài ra, việc học các môn bóng đá, bóng rổ, võ thuật hay đàn, hát, múa… cũng góp phần cho các em phát triển năng lực bản thân. Nhiều phụ huynh cho rằng học các môn này phải trong thời gian dài, chỉ học trong hè thì không ích lợi gì. Thực tế, khi học các em có năng khiếu sẽ được bộc lộ, phát huy và luôn xin phụ huynh cho tiếp tục học. Còn các em không có năng khiếu cũng sẽ hiểu biết và tự tin hơn khi giao tiếp có nói đến vấn đề liên quan các môn này. Đồng thời, việc học các môn này cũng giúp các em giảm thời gian “ôm” điện thoại trong ngày.
Nhiều phụ huynh luôn có sự lo lắng con sẽ “quên bài” khi nghỉ hè kéo dài và muốn con học giỏi trong năm học mới, nên từ đầu hè đã cho con đi học thêm trước chương trình. |
Một kỹ năng sống rất cần thiết mà phụ huynh cần phải dạy cho con là nấu ăn, làm việc nhà. Gia đình hiện nay thường chỉ có 1-2 con nên mọi việc người lớn trong nhà đều làm. Câu nói quen thuộc mà ba mẹ thường nói là: “Nó học cả ngày, về nhà để nó nghỉ ngơi”. Thực tế, làm việc nhà là những bài học bổ ích mà mọi người cần phải học. Hè, học sinh không phải miệt mài học như phụ huynh nói. Vậy việc dạy con làm việc nhà là điều hết sức thuận lợi. Giờ đây, đa số gia đình nấu cơm bằng nồi cơm điện. Vậy, ba mẹ dạy con vo gạo, cắm điện nấu cơm là điều không quá khó. Qua đó phụ huynh hướng dẫn con an toàn khi sử dụng thiết bị điện, tránh điện giật thật dễ dàng. Tôi nhớ hoài bài văn học sinh viết “… Mẹ rửa gạo rồi nấu cơm”. Luộc rau, chiên trứng, nấu mì gói… cũng không phải là việc làm quá khó. Tôi đã từng chứng kiến học sinh lớp 10 ăn mì gói sống vì không biết bật bếp gas nấu khi đói bụng; học sinh lớp 12 bỏ rau muống vô nồi nước rồi đậy nắp bỏ lên bếp luộc rau. Lau nhà, rửa chén, giặt đồ là những việc nhà mà các em hoàn toàn có thể làm được. Phụ huynh hãy thực hiện từng bước: Bắt con cùng làm để hướng dẫn; cho con làm một mình có phụ huynh đứng cạnh bên; con làm một mình không cần có người lớn cạnh bên… Việc dạy con nấu ăn, làm việc nhà không chỉ là cho các em biết cách làm mà phụ huynh còn có điều kiện thuận lợi trong việc dạy con an toàn trong lao động, phòng tránh điện giật, cháy nổ, đề phòng tai nạn… Ngoài ra, học sinh làm việc nhà sẽ thấy được công sức lao động của ba mẹ, từ đó yêu thương ba mẹ hơn và biết quan tâm giúp đỡ gia đình hơn.
Nhiều phụ huynh luôn có sự lo lắng con sẽ “quên bài” khi nghỉ hè kéo dài và muốn con học giỏi trong năm học mới, nên từ đầu hè đã cho con đi học thêm trước chương trình. Theo tôi, ngoại trừ học sinh yếu, phụ huynh cho con nghỉ ngơi thoải mái tháng hè đầu tiên. Sau đó, phụ huynh cho con học những môn cần thiết với thời lượng vừa phải trong ngày. Nếu ép học nhiều thì các em càng ngán ngẩm việc học, vì thấy nghỉ hè mà mình vẫn học. Với các học sinh khác, phụ huynh chỉ cần cho các em ôn tập lại những kiến thức cũ ở 15 ngày cuối hè để các em từ từ bắt nhịp vào năm học mới.
Ở tuổi học sinh, mùa hè gắn liền với nghỉ ngơi, vui chơi. Chính vì thế, để trẻ có được một mùa hè bổ ích và phụ huynh không phải băn khoăn, lo ngại, tùy theo điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, phụ huynh hãy lên kế hoạch cho mùa hè của con từ đầu hè. Đừng để mùa hè trôi qua trong nhàm chán của học sinh, trong bất an của ba mẹ!
Lê Phương Trí
Bình luận (0)