Thông tư 41 của Bộ Y tế mặc dù ngăn cấm việc truyền dịch tại nhà hoặc tại các cơ sở không đủ điều kiện thực hiện, nhưng lâu nay người dân vẫn có thói quen hễ thấy trong người mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ… là nhờ người truyền dịch để tăng cường sức khỏe. Ưu điểm của lựa chọn này là tiện lợi, thoải mái, nhưng thực tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng, thậm chí tử vong do sốc phản vệ.
Truyền dịch tại nhà tiềm ẩn nhiều biến chứng khó lường |
Tiềm ẩn nhiều biến chứng
Vụ tử vong gần đây nhất do sốc phản vệ vì truyền dịch tại phòng khám tư nhân xảy ra với một nữ hiệu trưởng ở Đắk Lắk. Nạn nhân là bà H’Nghin Niê (48 tuổi), Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Cúc thuộc xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ. Được biết, vào ngày 28-4-2018, bà H’Nghin đến khám tại phòng khám chuyên khoa nội nhi của bác sĩ Nguyễn Văn An và Niê Ngọc Lan (thị xã Buôn Hồ) với triệu chứng đau vùng thượng vị và được kê toa 5 ngày thuốc. Vào khoảng 23 giờ 30 cùng ngày, bà H’Nghin quay lại phòng khám vì thấy trong người mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, tay chân lạnh, huyết áp 130/70mg. Bác sĩ đã khắc phục bằng cách truyền Dextro 5% và tiêm 5 ống Glucose 30%, đến 5 giờ 30 sáng hôm sau bệnh nhân tỉnh táo và thấy trong người khỏe lại. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10 phút sau khi rút ống truyền dịch, bà H’Nghin thấy khó thở, co giật, sùi bọt mép và tử vong khi đang được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa thị xã.
Trên địa bàn TP.HCM cũng từng xảy ra trường hợp tử vong do truyền dịch. Bệnh nhân tên Trần Thị Tố Uyên (20 tuổi, ngụ quận Tân Phú), sau khi đi đám cưới về thấy người mệt mỏi nên đã được gia đình đưa đến phòng khám đa khoa Thành Mỹ (131 Tân Hương, phường Tân Quý, quận Tân Phú) để kiểm tra sức khỏe. Sau khi thăm khám, bác sĩ xác nhận Uyên không có bệnh gì, chỉ cần truyền nước biển cho khỏe lại. Tuy nhiên, sau khi truyền nước Uyên bị co giật và tử vong khi đang trên đường chuyển đến bệnh viện quận.
Theo quy định của Bộ Y tế, truyền dịch chỉ được thực hiện ở các phòng khám có đủ tiêu chuẩn cho phép, đảm bảo điều kiện vô trùng, có đầy đủ trang thiết bị máy móc để xử lý cấp cứu bệnh nhân và có nhân viên y tế theo dõi sát sao. Những bệnh nhân có tiền sử tim mạch, thận yếu, viêm phổi, viêm não, sốt do nhiễm trùng thì không nên tự ý truyền dịch, đặc biệt không nên truyền tại nhà vì dễ gây biến chứng. |
Điều đáng lo là thực tế đã có những trường hợp tử vong sau khi truyền dịch, nhưng người dân vẫn “ưu tiên” dịch vụ truyền dịch tại nhà hoặc tại cơ sở y tế tư nhân. Tiêu biểu như trường hợp của bà Trần Thị My (ngụ đường Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10), do cảm nhận khỏe hơn sau một lần nằm viện được truyền dịch nhiều, nên mỗi khi cơ thể mệt mỏi, khó ngủ, biếng ăn, hoặc thậm chí các cháu bà chuẩn bị cho các kỳ thi, bà cũng đều nhờ dịch vụ đến truyền dịch tại nhà cho tiện. Do nắm bắt được nhu cầu của người dân, nên dịch vụ truyền dịch tại nhà trên địa bàn TP.HCM ngày càng nở rộ. Chỉ cần tìm từ khóa “dịch vụ truyền dịch tại nhà ở TP.HCM” trên Google thì chỉ trong 0,50 giây đã cho ra 25.400.000 kết quả với đủ các lời rao hấp dẫn: “Truyền dịch tại nhà nhẹ nhàng, tiện lợi, thoải mái”, “Truyền đạm, vitamin, thải độc tại nhà 24/24”, “Truyền dịch tại nhà, giá cả phải chăng, chăm sóc nhiệt tình do chính bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện lớn trong và ngoài nước thực hiện”…
Cơ sở dịch vụ không có chức năng truyền dịch
Nói về tình trạng truyền dịch tại nhà, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết ông rất xót xa khi “thỉnh thoảng lại nghe báo chí đăng người lớn hay trẻ em tử vong khi chích thuốc hay truyền dịch tại nhà”. Bác sĩ Khanh lưu ý, thực tế có rất nhiều loại thuốc được sử dụng qua đường uống nên không nhất thiết phải chích hoặc truyền dung dịch. Chưa kể nhiều phụ huynh còn có tâm lý muốn chích thuốc hoặc truyền dịch cho nhanh khỏe hay hạ sốt là không đúng. Vì dịch truyền thông thường chỉ là nước muối hay nước đường; hoặc nếu là thuốc thì thuốc nào cũng có thể sốc phản vệ, mà sốc phản vệ do dịch truyền lúc nào cũng nặng hơn sốc phản vệ do các nguyên nhân khác. Do đó truyền dịch tại nhà là rất nguy hiểm, nếu xảy ra các tai biến, đặc biệt là sốc phản vệ thì bệnh nhân bị suy đa tạng và có thể tử vong trong một vài phút.
Bác sĩ Lê Mạnh Hùng (Phó Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế, Sở Y tế TP.HCM) khuyến cáo truyền dịch tại nhà chỉ được áp dụng trong trường hợp cấp cứu, hoặc chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời. Ở nước ta có mô hình là “cơ sở dịch vụ chăm sóc tại nhà”, thì cơ sở này cũng chỉ được phép chăm sóc bệnh nhân theo đơn bác sĩ. Bộ Y tế cũng đã ghi rõ trong Thông tư 41 (mục 3 điều 33) là cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe không có chức năng truyền dịch. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) lưu ý, truyền dịch được chỉ định đối với những bệnh nhân nặng, không thể ăn uống.
Để bảo vệ sức khỏe trong mùa hè nắng nóng, nếu thấy cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi hoặc mất nước, bác sĩ Cấp khẳng định: “Giải pháp lý tưởng nhất là nên bù nước điện giải cần thiết qua đường uống bằng dung dịch oresol hoặc uống nước rau, nước canh (có pha thêm chút muối) cũng vẫn đảm bảo yêu cầu về nước và muối cho cơ thể, không nên tự ý truyền dịch tại nhà hoặc các cơ sở y tế không đủ điều kiện nhằm giảm tránh những tai biến khó lường”.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)