Hội nhậpThế giới 24h

Bloomberg: Bị trừng phạt nhưng Nga vẫn tăng doanh thu ấn tượng

Tạp Chí Giáo Dục

Các lệnh trừng phạt Nga không làm cho doanh thu của nước này giảm mà ngược lại ngày càng tăng.
Xuất khẩu dầu của Nga bằng đường biển tăng mạnh trong tháng qua.
Xuất khẩu dầu của Nga tăng mạnh
Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn là những khách hàng mua dầu hàng đầu của Nga, nhưng xuất khẩu sang Tây Âu cũng đang tăng lên – Bloomberg cho hay.
Xuất khẩu dầu của Nga bằng đường biển đã tăng mạnh trong tháng qua khi các nước cấp tập tích trữ trước khi lệnh cấm của EU có hiệu lực vào tháng 12.
Theo Bloomberg, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng cường mua dầu của Nga trong 4 tuần tính đến ngày 14.10. Lượng dầu sang ba nước này ban đầu đạt đỉnh vào tháng 6 ở mức 2,2 triệu thùng/ngày.
Trong tháng 10, khối lượng các chuyến hàng giảm khoảng 350.000 thùng xuống còn khoảng 1,85 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, lượng hàng giao đến Thổ Nhĩ Kỳ được cho là tăng lên mức cao nhất trong năm nay.
Tổng xuất khẩu dầu thô của Nga cũng tăng mạnh trong kỳ báo cáo của Bloomberg, vượt mức trung bình 3 triệu thùng/ngày. Đây là lượng dầu xuất khẩu cao nhất của Nga kể từ giữa tháng 8.
Sự gia tăng này diễn ra trong bối cảnh các nước Châu Âu cấp tập dự trữ trước khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu đường biển của Nga có hiệu lực vào ngày 5.12. Xuất khẩu dầu sang các nước Châu Âu ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 714.000 thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 14.10, tăng 14%.
Theo tính toán của Bloomberg dựa trên số liệu của Bộ Tài chính Nga, doanh thu từ bán dầu đường biển của nước này đã tăng 9 triệu USD lên 134 triệu USD trong tuần kết thúc vào ngày 14.10. Mức trung bình trong 4 tuần kết thúc vào ngày đó cũng tăng khoảng 2 triệu USD lên 145 triệu USD.
Đường ống dẫn dầu Druzhba của Nga gần Nelahozeves, Cộng hòa Czech, ngày 10.8.2022.
EU vừa thông qua các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga, bao gồm áp đặt giá trần với dầu thô. Mục tiêu của các biện pháp trừng phạt là làm tê liệt khả năng tài chính để Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina.
Tuy nhiên, vì vẫn có những quốc gia sẵn sàng mua các sản phẩm dầu mỏ của Nga, nên các biện pháp trừng phạt đang làm tăng doanh thu của Nga chứ không làm giảm doanh thu – theo tờ The Conversation.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt đang làm tăng giá dầu và giá khí đốt toàn cầu, gây lạm phát trên toàn thế giới, làm giảm khả năng tiếp cận của thế giới đối với các kim loại, khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi khỏi dầu mỏ và khí đốt.
Tác động rộng rãi từ các lệnh trừng phạt
Vào đầu tháng 3, các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Nga đã khiến giá dầu lên đến 185 USD/thùng và giá khí đốt ở Châu Âu gần đạt 500 USD/thùng. Vào cuối tháng 8, giá khí đốt đã giảm xuống còn 410 USD/thùng.
Anne-Sophie Corbeau, học giả tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia (Mỹ), nhận định, khi mùa đông đến gần, giá khí đốt hiện tại là 300 USD/thùng có thể không chỉ tạo ra khủng hoảng khí đốt mà còn là khủng hoảng năng lượng.
Điều này đã có những tác động lan rộng ra ngoài ngành dầu khí, ảnh hưởng đến các mặt hàng nông sản, khoáng sản và kim loại hiếm cần thiết cho công nghệ xanh, công nghiệp sản xuất và sản xuất phân bón.
Một mối lo ngại khác là một số quốc gia sẽ sửa đổi các chính sách an ninh năng lượng ngắn hạn và dài hạn, ưu tiên an ninh năng lượng hơn là chuyển đổi năng lượng.
Lựa chọn trừng phạt không hiệu quả
Không giống như các biện pháp trừng phạt trước đây đối với Iran và Venezuela, các quốc gia tẩy chay Nga chỉ đang chọn những hạn chế mà họ có thể chấp nhận được. Để các lệnh trừng phạt có hiệu lực, tất cả các nhà nhập khẩu dầu lớn phải từ chối dầu của Nga, nhưng đến nay điều này đã không xảy ra.
Christof Rühl, học giả nghiên cứu cấp cao tại Đại học Columbia, mô tả việc chọn biện pháp trừng phạt này là canh bạc liều lĩnh. Ông cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt năng lượng sẽ phản tác dụng, khiến giá dầu tăng cao, gây bất lợi về mặt kinh tế cho các quốc gia trừng phạt. Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã cảnh báo Châu Âu về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đầy đủ đối với xuất khẩu năng lượng của Nga, nhấn mạnh rằng có thể dẫn đến giá dầu tăng cao, có lợi cho Nga nhưng lại có hại cho nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù dầu thô của Nga đã được bán giảm giá trong năm nay, nhưng giá vẫn cao hơn so với trước đại dịch. Điều này có nghĩa là Nga vẫn đang kiếm nhiều hơn mức giá tối thiểu cần thiết để tài trợ cho ngân sách chính phủ và các nghĩa vụ tài chính quốc tế.
Bồn chứa dầu ở trung tâm Mero, nơi vận chuyển dầu thô qua đường ống dẫn dầu Druzhba, gần Nelahozeves, Cộng hòa Czech, ngày 10.8.2022.
Nga kiên cường trước các lệnh trừng phạt
Trong khi một số chuyên gia lập luận rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Nga, thay vì lĩnh vực khí đốt, sẽ hiệu quả hơn, nhưng thực tế không phải như vậy. Dữ liệu về GDP của Nga và doanh thu của chính phủ không cho thấy dầu mỏ là nguồn thu nhập lớn nhất của nước này.
Thị trường xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga rất đa dạng. Chỉ số tập trung của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng nền kinh tế Nga tương đối đa dạng vào năm 2020, với chỉ số tập trung là 0,26. Xét về mặt này, Saudi Arabia nằm trong top 20% các nền kinh tế kém đa dạng nhất với chỉ số tập trung 0,55.
Nga cũng đã chuyển hướng khỏi các thị trường phương Tây, sang thị trường Trung Quốc, kể từ khi bị áp đặt trừng phạt vào năm 2014 vì sáp nhập Crimea. Sự chuyển hướng khỏi phương Tây có nghĩa là việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Nga sẽ có những tác động hạn chế đến nền kinh tế Nga.
Các lệnh trừng phạt Nga đang bóp nghẹt nguồn năng lượng quốc tế quan trọng, các kim loại và khoáng sản quan trọng, gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng xanh, đồng thời làm tăng lạm phát. Với vai trò của Nga trong việc cung cấp năng lượng, nền kinh tế toàn cầu có thể sớm phải đối mặt với một trong những cú sốc cung cấp năng lượng lớn nhất từ ​​trước đến nay.
Cuối cùng, tác động của các lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với kinh tế Nga là hạn chế, trong khi hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu và khả năng của các quốc gia trong việc đạt được an ninh năng lượng và quá trình chuyển đổi là rất nghiêm trọng.
PV (theo laodong)

Bình luận (0)