Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 1-8-2022, tại Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 (AMDER 2022).


Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Lễ Công bố

Đến dự có ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế và bộ, ngành TW; lãnh đạo thành ủy, tỉnh uỷ, UBND, đoàn đại biểu quốc hội, HĐND, các cơ quan quản lý thuộc các tỉnh, thành ĐBSCL; các cơ quan sứ quán, các tổ chức quốc tế cùng các chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài nước, và nhiều doanh nghiêp, tập đoàn.

Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng: "ĐBSCL được biết đến vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào, trụ cột kinh tế chính đến từ ngành nông nghiệp. Nhưng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn bởi biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm, thiếu hụt lao động do di cư, nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu… trong khi  các ngành công nghiệp chủ lực là công nghiệp chế biến phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu. Câu hỏi đặt ra là: "Để phát triển bền vững, ĐBSCL sẽ phát triển như thế nào nếu như tiếp tục dựa vào điều kiện tự nhiên như trước đây?".


Các đại biểu tham dự

Các nội dung của AMDER 2022 được xây dựng theo cấu trúc vói 3 phần chính, gồm: Tổng quan kinh tế trình bày hiện trạng kinh tế thế giới "hậu COVID-19", tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam 2020-2021, tác động kinh tế toàn cầu đối với kinh tế ĐBSCL.  Cập nhật kinh tế ĐBSCL: Tổng quan kinh tế ĐBSCL, dân số, việc làm, mức sống dân cư, môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp; Đầu tư, tín dụng, công nghiệp chế biến chế tạo, thị trường nội địa và xuất nhập khẩu. Tiêu điểm năm 2021: Chuyển đổi nông nghiệp, hiện trạng giao thông và logisitcs ĐBSCL, tác động quy hoạch tích hợp đối với ĐBSCL (chuyển đổi nông nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông và logistis, chuyển đổi năng lượng).

AMDER 2022 chỉ ra: ĐBSCL đang đứng trước thử thách của ba vòng xoáy:"Vòng xoáy ngân sách" phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; "Vòng xoáy lao động" xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ; "Vòng xoáy cơ cấu kinh tế" là căn nguyên của hai vòng xoáy trên.

Thông điệp chủ chốt của AMDER 2022 là: Phải có giải pháp thiết thực để phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế – xã hội – môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững. Chẳng hạn, đối với sản xuất nông nghiệp, là  mắt xích quan trọng đầu tiên cần thay đổi, AMDER 2022 đề xuất các mục tiêu chính của chuyển đổi: Phải tăng thu nhập một cách ổn định, bền vững cho nông dân; Kiên quyết giữ điện tích lúa; Hiện đại hóa nền nông nghiệp; Phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường; Phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình “thuận tự nhiên”.


Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường nêu giải pháp phát triển KT-XH của TP.Cần Thơ

Theo bà Caitlin Wiesen – Trưởng đại diện Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP): Phải tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân; Chính phủ cần tăng nguồn tài chính đầu tư cho vùng (bằng ngân sách trong nước và quốc tế), tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và logisitcs. Nông nghiệp chuyển hướng sang sản xuất những sản phẩm có giá trị cao: “Những khó khăn, thách thức không thể đơn phương giải quyết mà các tỉnh, thành trong vùng phải phối hợp cùng hành động để tháo gỡ các thách thức như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, tình trạng giảm chất lượng đất canh tác, tiến  tới thực hiện sản xuất nông nghiệp xanh… UNDP sẽ luôn đồng hành, cung cấp nguồn lực cho các cộng đồng bị tổn thương, trong đó có ĐBSCL” – bà Caitlin Wiesen khẳng định.

Với vai trò là thành phố động lực của vùng, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường khẳng định: Cần Thơ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng… Hệ thống Logitstics được xem là xương sống tạo nên năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ĐBSCL, thành phố đang triển khai hoàn thiện quy hoạch trung tâm logistic của vùng với quy mô 242 ha, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp và chế biến nông thủy sản nâng cao năng lực cạnh tranh, là động lực cho các ngành sản xuất tăng trưởng mạnh. Thành phố khẩn tương hoàn thiện đề án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng tới hiện đại hóa ngành nông nghiệp ĐBSCL. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số như cải cách hành chính, hiệu quả hành chính công, sự hài lòng của người dân… Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ; đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ… Liên kết giữa các địa phương có số lao động di cư lớn để thực hiện cung ứng việc làm, giảm bớt quá trình di cư lao động ngoài vùng ĐBSCL. Chính quyền địa phương khôi phục các làng nghề, các khu – cụm tiểu thủ công nghiệp, có chính sách đào tạo nghề phù hợp để lao động có việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp ở địa phương. Thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp xanh, du lịch miệt vườn nhằm tạo việc làm tại chỗ cho người lao động.

Đan Phượng

 

Bình luận (0)