Vấn đề thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp luôn là chủ đề "nóng" trong các đối thoại với cơ quan chính quyền. Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vẫn là gánh nặng đối với doanh nghiệp. Điều tra năm 2020 cho thấy vẫn còn 64% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra.
Phiên họp Quốc hội chiều 13-6
Chiều 13-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Đáng chú ý, đại biểu (ĐB) Phạm Đức Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, thanh tra phải độc lập, còn hiện nay mới chỉ là độc lập tương đối nên chất lượng thanh tra hiện nay còn hạn chế. ĐB đồng ý có thanh tra tổng cục, cục, bộ, nhưng chỉ thành lập thanh tra tổng cục, cục ở những nơi cần thiết, không dàn đều.
ĐB Trần Đình Văn (tỉnh Lâm Đồng) đề nghị, cần thiết phải có quy định về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lắp do hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán, đặt trong sự thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước nhằm khắc phục, tiến tới không còn tình trạng chồng kéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán.
ĐB Phan Đức Hiếu (tỉnh Thái Bình).
ĐB Phan Đức Hiếu (tỉnh Thái Bình) cho rằng cần giảm gánh nặng thanh, kiểm tra cho doanh nghiệp, nhất là khi nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp, có hiện tượng cán bộ lợi dụng công tác thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp, một số doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra quá mức… Hệ quả, các doanh nghiệp thường phải dành nhiều thời gian, bỏ dở công việc kinh doanh chỉ để xoay sở với những yêu cầu của cán bộ thanh, kiểm tra.
Theo ĐB, vấn đề thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp luôn là chủ đề nóng trong các đối thoại với cơ quan chính quyền. Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vẫn là gánh nặng đối với doanh nghiệp. Điều tra năm 2020 cho thấy vẫn còn 64% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra. Trung bình 14% doanh nghiệp cho biết vẫn bị nhũng nhiễu, phiền hà khi bị thanh tra – có nơi 28%; trung bình 9% doanh nghiệp bị thanh tra trùng lặp, có nơi 28%; trung bình 10% bị thanh tra trên 3 lần/năm, có nơi 22%…
Mặc dù thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tình trạng này đã có cải thiện, nhưng ĐB cho rằng, tâm lý của doanh nghiệp vẫn là còn bất an với việc bị thanh tra.
ĐB đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ về tình hình thanh kiểm tra doanh nghiệp, từ đó làm cơ sở cho hoàn thiện quy định trong luật về thanh tra chuyên ngành/thanh tra doanh nghiệp. Thiết kế quy định riêng áp dụng đối với doanh nghiệp, phân biệt với cơ chế thanh tranh, kiểm tra đối với cơ quan, tổ chức khác.
ĐB Phan Đức Hiếu cho rằng, cần quy định rõ ràng để đảm bảo thanh tra không trùng lặp, số lần thanh tra quá nhiều. Tính chất liên tục của hoạt động kinh doanh – khó có thể hồi tố, nên hoạt động thanh tra doanh nghiệp có nguy cơ gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh bình thường và rủi ro cho doanh nghiệp (hoạt động kinh doanh bị đình trệ, xuất toán chi phí ảnh hưởng đến doanh nghiệp, cổ đông).
Đồng thời, phải có thời hiệu thanh tra (thanh tra đối với vấn đề trong thời hạn nhất định 6 tháng, 1 năm…) để giảm tối đa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, đa số các ĐB tán thành việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện nay để đảm bảo nguyên tắc “ở đâu có quản lý nhà nước ở đó có thanh tra”, ở đâu có quản lý nhà nước, ở đâu có phát sinh khiếu nại, tố cáo cần có cơ quan thanh tra để tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo trên; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở, nhất là đối với thanh tra cấp huyện.
Về tổ chức hoạt động của thanh tra huyện, Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu trình Chính phủ các quy định cụ thể nhằm kiện toàn tổ chức nâng cao năng lực của cơ quan thanh tra cấp huyện đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay.
Về hệ thống cơ quan thanh tra trong ngành, lĩnh vực, đa số ĐB tán thành việc thành lập thanh tra tổng cục thuộc bộ, nhất là tại một số tổng cục lớn như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Đo lường chất lượng, Tổng cục Đất đai, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Đường bộ…
“Không phải tổng cục thuộc bộ nào cũng được thành lập cơ quan thanh tra, cơ bản chỉ được thành lập cơ quan thanh tra tổng cục thuộc bộ, thanh tra sở thuộc sở mà pháp luật chuyên ngành quy định và theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Về quản lý, giám sát hoạt động đoàn thanh tra, qua thảo luận, ĐB đề nghị quy định cụ thể hơn về quy chế quản lý, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra cơ giới, giám sát phải mang tính độc lập đối với hoạt động của đoàn thanh tra; bổ sung các quy định về việc như tiếp xúc với đối tượng thanh tra việc ăn ở, đi lại, chế độ làm việc của đoàn thanh tra phải đảm bảo tính độc lập, khách quan trong suốt quá trình thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến ĐB để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát hoạt động đoàn thanh tra nhằm phòng ngừa nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan thanh tra và hoạt động của đoàn thanh tra theo đúng tinh thần chỉ đạo, của Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đó là “phải phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
PHAN THẢO (theo SGGP)
Bình luận (0)