Đọc sách và tương tác cùng trẻ ngay từ nhỏ là cách hữu hiệu để lắng nghe cảm xúc của trẻ. Qua việc đọc sách, trẻ còn có thể rèn luyện kỹ năng, giải quyết những tình huống khó khăn trong cuộc sống.
Trò chơi tương tác nhằm lôi kéo trẻ đến với sách
Đó chính là chia sẻ của các chuyên gia trong chương trình “Kể chuyện bé nghe và trò chuyện với ba mẹ: Thấu hiểu và kết nối với trẻ qua sách” do Zenbooks tổ chức trong khuôn khổ Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 1 năm 2022.
Cần tương tác cùng con trẻ
Do cuộc sống bộn bề lo toan nên đôi khi cha mẹ lại quên tương tác với con trẻ. Mỗi ngày, sau khi thức dậy, có gia đình cùng ngồi ăn sáng, xong ai lại làm việc nấy. Cũng có những gia đình không ăn sáng cùng nhau. Cha mẹ lo đi làm, con cái chuẩn bị đi học, việc nhà có người giúp việc lo. Chiều về, con cái học bài rồi đi ngủ. Cha mẹ cũng lo cho những mối quan hệ làm ăn nên đôi khi về tới nhà thì con đã ngủ, không có thời gian tương tác trò chuyện. Trong khi đó, những đứa trẻ trong quá trình trưởng thành sẽ có lúc hạnh phúc nhưng cũng có thời điểm buồn và rất cần sự sẻ chia, thấu hiểu vì điều đó giúp các em loại bỏ nút thắt trong tâm hồn mà vượt qua khó khăn để trưởng thành. Và cha mẹ là những người rất quan trọng trong việc giúp trẻ có những kỹ năng đó.
Trong quá trình nuôi dạy con, việc thấu hiểu cảm xúc của nhau luôn là vấn đề khó khăn nhất đối với cha mẹ và con. Thế giới nội tâm của con trẻ giống như một cuốn sách, chỉ cần cha mẹ đọc cả tấm lòng thì sẽ hiểu hết về con. Do vậy, hiểu con là công cụ hữu hiệu nhất để cha mẹ nắm bắt được những khó khăn, từ đó cùng con vượt qua trở ngại trong mỗi giai đoạn phát triển.
Được biết đến với nhiều vai trò khác nhau như giảng viên, học giả, tác giả sách tranh thiếu nhi và đặc biệt là mẹ của một bé gái 2 tuổi, dịch giả Phương Huyên cho biết, đọc sách là một trong những cách giúp cha mẹ tương tác và thấu hiểu cùng con. Theo dịch giả Phương Huyên, cha mẹ tương tác cùng con ngay từ nhỏ là cách hữu hiệu để lắng nghe cảm xúc của con mình. Đồng thời, sự kết nối của cha mẹ với con qua sách là hình thức “học mà chơi, chơi mà học”, trẻ dần rèn kỹ năng ngôn ngữ, trưởng thành hơn với khả năng làm chủ bản thân, biết cách cân bằng cảm xúc và giải quyết những tình huống khó khăn trong cuộc sống.
Dịch giả Phương Huyên (phải) và tác giả sách thiếu nhi Nguyên Trang trao đổi với phụ huynh tại chương trình
Để trẻ có thể tiếp cận với những cuốn sách hay, bổ ích, dịch giả Phương Huyên cho rằng, cha mẹ cần phải có trách nhiệm chọn sách và tạo nên tủ sách trong gia đình. Sách phải có nguồn gốc rõ ràng, nội dung phù hợp với trẻ. Muốn biết được điều đó, cha mẹ phải là những người tiên phong đọc sách trước con. Khi thấy cuốn sách phù hợp mới cho con đọc. “Trong gia đình, tôi phân loại sách theo kích cỡ và để sách trong tầm để con có thể với tay tới. Tôi cũng không có tiêu chí gì cho việc đọc sách: hôm nay con chỉ muốn đọc vài trang sách, hay hôm nay con muốn xem sách như trò chơi xếp hình…, chẳng sao hết, tôi sẽ chơi cùng con”, dịch giả Phương Huyên chia sẻ.
Dịch giả Phương Huyên cho biết thêm: Con tôi mới 2 tuổi nhưng khi bé 18 tháng, tôi đã để con tự do lựa chọn sách cho mình. Tất nhiên, bé còn nhỏ chưa biết nội dung sách nhưng có thể cảm nhận thông qua các giác quan và lựa chọn ra cuốn sách mình thích nhất.
Đọc sách không phải là gánh nặng
Theo dịch giả Phương Huyên, đọc sách cho con là một thói quen tốt. Tuy nhiên, không giống như ăn uống lúc nào cũng đúng giờ giấc, chúng ta đọc sách khi thấy phù hợp với mình, với con.
Trong khi đó, tác giả sách thiếu nhi Nguyên Trang cho biết, việc cha mẹ chọn sách cho con, đọc sách cùng con không chỉ là trách nhiệm mà còn là một trong những hoạt động trải nghiệm tràn đầy niềm vui và sự hứng khởi. Chỉ khi bản thân cha mẹ tìm thấy và tận hưởng thói quen đọc sách thì lúc ấy mới có thể truyền đi cảm hứng đọc sách cho con mà không phải tốn nhiều tâm sức. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ cũng cần được tôn trọng sở thích, được quyền lựa chọn quyển sách mà mình muốn được đọc, được vọc… Khi phụ huynh chọn sách phải xuất phát từ nhu cầu của con. Một trong những yếu tố tối kỵ với sách thiếu nhi đó là việc sai chính tả. “Tiêu chí của tôi là quyển sách không được sai chính tả, hình ảnh minh họa phải đúng. Có một lần tôi đi mua sách viết về hành trình của cánh cam nhưng ảnh minh họa sách lại là con bọ rùa”, chị Nguyên Trang cho biết.
Cha mẹ cần tương tác với trẻ qua sách
Nhiều người vẫn nói rằng cuộc sống hiện đại, làm cha mẹ thời nay khổ quá. Tuy nhiên, dịch giả Phương Huyên lại không nghĩ vậy, quan trọng là cách lựa chọn của mỗi phụ huynh: chọn làm cha mẹ như thế nào? “Cuộc sống không chỉ có áp lực mà còn có những niềm vui bình dị khác. Và đọc sách cho con phải là niềm vui”, dịch giả Phương Huyên nhấn mạnh.
Dịch giả Phương Huyên chia sẻ thêm: Tôi đặt cho mình một nguyên tắc trong gia đình, đó là trước mặt con không được dùng điện thoại với mục đích giải trí. Có thể khi con ngủ rồi mới bật điện thoại xem. Trẻ con chưa từng là người lớn, nhưng ai đã là người lớn rồi đều từng là trẻ con. Dù người lớn hay trẻ con đều có những nỗi niềm, chia sẻ. Chúng ta vẫn thường nghe nói rằng: Cuộc sống bộn bề khiến chúng ta trở nên thực dụng hơn, chúng ta mong những điều kỳ diệu và sách dành cho trẻ em thường hướng tới những điều đó.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)