Hơn 700.000 học sinh khối 7 đến khối 12 tại TP.HCM đã trở lại trường học là tín hiệu vui, cho thấy ngành giáo dục đang ngày càng thích ứng an toàn, linh hoạt trong dịch bệnh.
Học sinh Trường THPT Thanh Đa trong giờ học thể dục
Tâm thế bình tĩnh, sự cẩn trọng, ứng xử chủ động và phù hợp trước các tình huống liên quan đến dịch bệnh trở thành tiền đề để các hoạt động dạy và học trong trường học diễn ra bình thường nhất.
Linh hoạt giảng dạy
Đón thêm nhiều học sinh các khối khác trở lại trường, cô Hứa Thị Diễm Trâm (Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh) bày tỏ niềm vui mừng khi các hoạt động giáo dục đã dần trở lại trạng thái bình thường. Nhà trường tổ chức cho học sinh khối 8, 9 học buổi sáng và học sinh khối 7 học buổi chiều. Học sinh đến trường theo 4 ca và di chuyển ở 6 cầu thang, giờ ra chơi được tổ chức ngay tại lớp. Với những học sinh chưa tham gia học trực tiếp, nhà trường thiết kế các bài giảng trực tuyến trên phầm mềm, đồng thời truyền trực tiếp bài giảng trên lớp đến học sinh. “Trước khi học sinh các khối khác đến trường, giáo viên chủ nhiệm đã tổ chức sinh hoạt, làm công tác tư tưởng rất kỹ với phụ huynh để chuẩn bị tinh thần cho con đến trường sao cho an toàn nhất. Khi đến trường, giáo viên chủ nhiệm, nhà trường chú trọng trang bị cho các em ý thức phòng dịch, thực hiện tốt quy tắc 5K và các quy định phòng dịch của trường. Thời khóa biểu các khối được nhà trường sắp xếp khoa học, giúp học sinh thoải mái nhất khi học tập”, cô Trâm chia sẻ.
Tương tự, thời khóa biểu của học sinh 3 khối 10, 11 và 12 của Trường THPT Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) được thiết kế xen kẽ các giờ tập thể dục để học sinh vận động dưới sân trường. Để đảm bảo giãn cách và mật độ trong trường, toàn bộ học sinh khối 12 và nửa khối 10 sẽ học buổi sáng, học sinh khối 11 và nửa khối 10 còn lại sẽ học buổi chiều. “Nhà trường không chia lớp mà vẫn giữ nguyên sĩ số 45 học sinh/lớp. Tuy nhiên, thay vào đó các biện pháp phòng dịch trong trường cũng như trong mỗi lớp học sẽ được siết chặt, đảm bảo học sinh tuân thủ tốt các quy định 5K, trong đó đặc biệt là khoảng cách”, thầy Lê Hữu Hân (Hiệu trưởng nhà trường) thông tin. Theo thầy Hân, khi học sinh trở lại trường đông thì cùng với sự giám sát và các biện pháp phòng dịch từ phía nhà trường, điều quan trọng và có yếu tố quyết định trong khâu phòng dịch, đảm bảo việc dạy và học được diễn ra liên tục trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp là sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường. Phụ huynh thường xuyên và kịp thời thông tin tình trạng sức khỏe của con sẽ hạn chế lây lan dịch trong trường, đồng thời giúp nhà trường chủ động trước mọi tình huống.
Trong khi đó, dù đưa học sinh toàn trường đi học lại song Trường THPT Trường Chinh (Q.12) vẫn duy trì kết hợp giữa dạy trực tiếp và trực tuyến. Học sinh khối 12 sẽ học vào buổi sáng với thời khóa biểu 5 buổi/tuần, khối 10 và 11 học 3 buổi chiều. Thời gian còn lại, học sinh tiếp tục học online, vừa đảm bảo phòng dịch, vừa duy trì được thời lượng chương trình.
Ứng xử phù hợp với F0 trong nhà trường
Khi có thêm nhiều học sinh trở lại trường đồng nghĩa với việc mật độ học sinh trong trường tăng lên. Điều này đặt ra áp lực cao hơn cho các trường trong việc thực hiện tốt các quy định phòng dịch, nhất là làm sao để khoanh vùng nhỏ nhất, linh hoạt nhất khi có F0 xuất hiện trong trường. Từ kinh nghiệm ứng phó với các tình huống liên quan đến dịch Covid-19 trong 2 tuần thực hiện thí điểm dạy học trực tiếp với học sinh khối 9, thầy Nguyễn Xuân Đắc (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình) cho hay, các thành viên trong nhà trường đã “quen tay” với các khâu xử lý khi có F0. Đặc biệt là tâm lý của học sinh, giáo viên và phụ huynh rất bĩnh tĩnh, không hề hoang mang, lo sợ. “Mọi thành viên trong nhà trường đều xác định, việc mở cửa trường học chắc chắn sẽ có F0 song học sinh, phụ huynh và giáo viên đều đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, do đó việc ứng xử với F0 trong trường học hết sức phù hợp. Đây sẽ là tiền đề để việc tổ chức dạy và học trực tiếp cho học sinh các khối khác được thuận lợi, hiệu quả”, thầy Đắc chia sẻ.
Trước khi vào lớp học, học sinh Trường THPT Nguyễn Du phải đo thân nhiệt và rửa tay
Tương tự, cô Hứa Thị Diễm Trâm cho hay, trước khi học sinh đi học trực tiếp, điều mà đa số các trường băn khoăn đó là việc xử lý các tình huống nhiễm trong nhà trường, tâm lý của phụ huynh, học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, thực tế dạy và học trực tiếp, những tình huống này lại được xử lý rất nhẹ nhàng. Khi có ca nghi nhiễm, nhà trường tuân thủ theo đúng quy định và các hướng dẫn của ngành y tế, phân vai cụ thể rõ ràng cho từng thành viên trong trường. Giáo viên cũng thường xuyên làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh để các em thay vì kỳ thị, lo sợ, hoang mang thì sẽ động viên bạn sớm bình phục và tăng cường hơn nữa ý thức bảo vệ bản thân. “Từ chính những điều này đã giúp việc dạy và học trong bối cảnh dịch còn phức tạp không cứng nhắc mà ngược lại, học sinh và giáo viên cảm thấy thoải mái nhất”, cô Trâm nói.
“Lớp học xanh” là mô hình lớp học trong trạng thái bình thường mới được Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) triển khai ngay từ những ngày đầu khi học sinh khối 12 trở lại trường. Vào 20 giờ mỗi ngày, phụ huynh sẽ cung cấp cho giáo viên chủ nhiệm tình hình sức khỏe của các thành viên gia đình. Cuối buổi chiều chủ nhật trong tuần, phụ huynh cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh. “Việc này giúp nhà trường nắm bắt được các trường hợp F0, F1, đảm bảo học sinh đến trường đều khỏe mạnh, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan”, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) giải thích. Thầy Phú đánh giá, cùng với các biện pháp phòng dịch của nhà trường, mô hình “lớp học xanh” đã phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc phòng dịch, đảm bảo duy trì việc dạy và học trực tiếp tại trường được diễn ra bình thường nhất. “Không chỉ nâng cao ý thức phòng dịch cho từng gia đình, học sinh, duy trì việc học trong trạng thái bình thường mới, việc xây dựng và áp dụng mô hình “lớp học xanh” còn giúp mỗi thành viên trong nhà trường có góc nhìn đúng đắn và ứng xử phù hợp với F0, F1 trong trường cũng như cộng đồng”, thầy Phú chia sẻ.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)