Học sinh khối 6 tại TP.HCM sẽ bước vào kỳ kiểm tra cuối học kỳ I trước ngày 28-2. Do đó, thời điểm này, giáo viên bộ môn vừa ôn tập củng cố kiến thức cho học sinh, vừa quan tâm tạo hứng thú cho các em khi trở lại trường.
Học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) trong giờ học trực tiếp khi trở lại trường
Nhà trường không nóng vội
Khi học sinh khối 6 trở lại trường, Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) chưa vội dạy kiến thức mới. Các hoạt động thời gian đầu tập trung vào trang bị kỹ năng phòng chống dịch, làm quen trường lớp cho học sinh. Thầy Nguyễn Anh Tuấn (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, tuần đầu tiên giáo viên củng cố, ôn tập lại kiến thức mà học sinh đã học qua trực tuyến, phân loại nắm bắt năng lực học sinh, qua đó điều chỉnh đề kiểm tra cuối học kỳ I sao cho phù hợp; nắm bắt sức học của các em để xây dựng giải pháp trong học kỳ II. Quan điểm của nhà trường là năng lực học sinh đến đâu sẽ kiểm tra đến đó, trả về đúng năng lực thực chất của học sinh qua bài kiểm tra học kỳ II, song cũng không gây áp lực cho các em. “Khó khăn nhất là chất lượng học sinh trong học trực tuyến không đồng đều. Một bộ phận học sinh hổng kiến thức, gây khó khăn cho giáo viên trong củng cố, ôn tập. Từ điều này có thể dẫn đến tình trạng phụ huynh thấy rằng các bài kiểm tra trực tuyến con đạt kết quả cao, sao đi học trực tiếp lại thấp hơn, từ đó cho rằng giáo viên gây áp lực”, thầy Tuấn bày tỏ.
Với nhận định này, thầy Tuấn cho biết chắc chắn sẽ có những học sinh cảm thấy sự “lệch pha” về kiến thức khi học trực tiếp và trực tuyến, từ đó nảy sinh cảm giác không muốn đến trường, muốn tiếp tục được học online. “Chính vì điều này giáo viên phải ôn tập, củng cố kiến thức sao cho nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho học sinh. Còn phụ huynh phải thấu hiểu, ghi nhận, động viên học sinh thường xuyên để các em ham thích đến trường học tập”, thầy Tuấn nhấn mạnh.
Với Trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh), hoạt động trải nghiệm giáo dục STEM lần đầu tiên được đưa vào trong năm học này ngay khi học sinh trở lại trường học trực tiếp. Hoạt động này được thực hiện trong chương trình dạy buổi 2, trước mắt theo hình thức sinh hoạt qua câu lạc bộ. Thời lượng trung bình mỗi lớp 1 tiết/tuần. Cô Kiều Nguyệt Hương Liên (Hiệu trưởng nhà trường) kỳ vọng, những trải nghiệm độc đáo của môn học này sẽ giúp học sinh khối 6 thích thú, hào hứng khi đến trường. Để các em thấy rằng việc học trực tiếp ở môi trường THCS không áp lực mà nhẹ nhàng, thậm chí là “chơi mà học”…
Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, học sinh khối 6 sẽ bước vào kỳ kiểm tra cuối học kỳ I trước ngày 28-2. Tức là các em có khoảng 2 tuần ôn tập trực tiếp khi trở lại trường.
Hỗ trợ học sinh làm quen với môi trường mới
Là khối lớp đầu cấp THCS, lại phải học trực tuyến trong thời gian dài, do đó việc quan tâm nắm bắt năng lực học tập, tâm lý học sinh, tạo hứng thú cho học sinh khối 6 khi trở lại trường là vấn đề được các nhà trường, giáo viên quan tâm đặc biệt. Điều này cũng sẽ tác động đến việc nâng cao chất lượng kỳ kiểm tra học kỳ I.
Thấu hiểu những khó khăn của học sinh khối 6 thời gian đầu khi trở lại trường, Trường THCS Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) đã xây dựng các góc chơi, chia nhỏ các hoạt động trong sân trường để vừa tạo môi trường rèn luyện, học tập trải nghiệm cho học sinh, vừa đảm bảo phòng chống dịch. “Nhà trường khuyến khích học sinh mang đàn vào trường để tạo không gian sinh động, vui tươi khi các em đến trường sau thời gian dài học trực tuyến. Việc nắm bắt năng lực học sinh đầu cấp được giáo viên từng bước thực hiện, không nóng vội. Các hoạt động giáo dục chuyển đổi từ trực tuyến sang trực tiếp được giáo viên sinh động hóa qua các trò chơi, tương tác nhóm, để vừa nắm được sức học của học sinh, vừa giúp các em làm quen, gắn kết với nhau”, cô Đinh Thị Thiên Ân (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.
PHÁ BỎ NHỮNG KHÓ KHĂN KHI CHUYỂN GIAO MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP Đánh giá năng lực tiếp thu của học sinh khối 6 năm nay rất khả quan dù phải học trực tuyến khá dài, song cô Nguyễn Thị Hằng (giáo viên chủ nhiệm lớp 6/7 Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh) cho biết các giờ học trực tiếp trên lớp vẫn được cô hướng đến sự nhẹ nhàng, vui tươi để học sinh thấy hào hứng, phá bỏ những khó khăn khi chuyển giao môi trường học tập. “Là học sinh đầu cấp lại học trực tuyến suốt học kỳ I, các em đã quen với việc học online, phụ thuộc vào điện thoại, máy tính, vì vậy khi chuyển sang học trực tiếp chắc chắn sẽ có khó khăn. Cái khó trước mắt là việc chuyển từ tương tác qua màn hình sang tương tác trực tiếp, từ hệ thống LMS sang bảng đen, phấn trắng đòi hỏi học sinh phải có sự chủ động, mạnh dạn hơn nên nhiều học sinh gặp lúng túng. Thậm chí nhiều em còn chưa biết cách ghi tập các môn học như thế nào”, cô Hằng nhìn nhận. Để các em có thể hòa nhập nhanh với môi trường học tập mới, cô Hằng cho hay, giáo viên phải luôn nhẹ nhàng, quan tâm khích lệ học sinh; còn phụ huynh cần hợp tác, quan tâm, động viên con mỗi ngày, để con thấy việc học trực tiếp rất nhẹ nhàng. |
Tương tự, Trường THCS Lữ Gia (Q.11) đã xây dựng nhiều sân chơi nhằm giải tỏa tâm lý học sinh sau thời gian dài học trực tuyến, giúp các em làm quen với môi trường học tập mới, tạo tâm thế hào hứng khi đến trường. Nhiều chuyên đề sôi động đã được giáo viên tổ chức trong lớp học, hướng học sinh hòa nhập nhanh với hình thức học trực tiếp, tăng tính tương tác giữa thầy và trò. Cô Nguyễn Thụy Ái (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, vì là học sinh đầu cấp lại phải học trực tuyến suốt một học kỳ, lần đầu tiên đến trường chắc chắn học sinh khối 6 sẽ có sự bỡ ngỡ, dè dặt trong giao tiếp, học tập. Thời gian đầu trở lại trường, giáo viên sẽ tập trung hỗ trợ các em hòa nhập, làm quen với môi trường và phương pháp học tập mới. “Các tiết tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh với người nước ngoài đã được nhà trường tổ chức ngay sau khi học sinh khối 6 đến trường, nhằm tạo sự hứng thú cho các em. Ngoài ra, mỗi tuần, mỗi lớp có 1 tiết kỹ năng sống, vừa tạo sân chơi, vừa hỗ trợ học sinh giải tỏa các tâm tư, vướng mắc sau thời gian dịch bệnh kéo dài. Ban giám hiệu cũng lên các chuyên đề báo cáo dưới sân trường để giới thiệu, hướng dẫn các em trong học tập, rèn luyện, lưu tâm đến chuyện phòng chống dịch”, cô Ái chia sẻ.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)