Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giật mình với những mục tiêu của học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Một năm học mới lại bắt đầu. Cũng như đa phần các trường học khác trên cả nước, trường THCS nơi tôi công tác đã triển khai hoạt động đón học sinh đến nhập học. Trong buổi sáng gặp gỡ đầu tiên làm quen lớp và sinh hoạt phổ biến nội quy, tôi phát cho mỗi học sinh trong lớp mình chủ nhiệm một tờ giấy A4 để các em chia sẻ những mục tiêu, điều ước, nguyện vọng, mong muốn của chính bản thân trong năm học 2019-2020 này. Những chia sẻ này sẽ được lưu lại, để cuối học kỳ, cuối năm học, các em cùng so sánh xem mình đã tâm huyết ra sao, nỗ lực phấn đấu như thế nào. Đồng thời thông qua hoạt động nhỏ này, như một kênh tiếp cận chính thức, tôi cũng mong rằng có thể phần nào “lắng nghe” được những suy nghĩ trong lòng của học sinh một cách khéo léo và khách quan nhất. Nhưng khi đọc hết gần 40 tờ giấy A4 với chi chít những gạch đầu dòng liệt kê, tôi không khỏi giật mình vì những mục tiêu mà các em đề ra. Hầu hết những mong muốn của các em đều liên quan đến vấn đề học tập. Đó là phải đạt vào “top” 10, “top” 5 của lớp, của khối, của trường; phải hoàn thành chương trình tiếng Anh bao nhiêu chấm; phải quyết tâm giữ vững danh hiệu A, duy trì thành tích B; tiếp tục đạt được số phẩy tối đa ở môn này, môn kia… Hàng loạt những tiêu chí xếp hạng cao đã được các em nêu ra một cách thẳng thắn, chẳng ngại ngần. Thậm chí, có học sinh ghi luôn ra giấy: mong rằng sẽ một lần đứng nhất trường trong tháng “để cha mẹ khỏi xem thường khả năng của con, chị hai không mỉa mai em học không tốt”. Điều đáng nói là theo tìm hiểu của tôi, kết quả học tập của các em vào năm trước đều rất cao. Tôi tự hỏi phải chịu bao nhiêu sự kỳ vọng đè nặng, phải lắng nghe bao nhiêu lời nói áp lực từ gia đình mà đã khiến các em… tự nguyện đặt ra những mục tiêu như thế, trong một hoạt động chia sẻ chỉ đơn thuần mang tính chất giao lưu chia sẻ đầu năm?

Sau khi thu lại giấy A4 và đọc sơ qua, tôi có hỏi học sinh đây có phải là những nguyện vọng thật sự mà các em mong muốn tự đáy lòng hay không? Có em rụt rè gật đầu, có em suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu. Rõ ràng, có em ý thức được những mục tiêu ngoài nguyện vọng của bản thân nhưng dường như vẫn không thể hoặc không dám thoát khỏi thói quen áp đặt đã từng quen thuộc. Cũng có những mong muốn, lời tự hứa khác ngoài câu chuyện học tập của học sinh. Chẳng hạn như sẽ cao thêm bao nhiêu cm; bớt mê ngủ, mê game; chăm chỉ học nấu nướng, làm bánh; được tự đi học… Hay có cả những hy vọng rất đỗi chân thành như: được ngồi chung bàn với bạn A. trong suốt năm học; bớt nói năng lung tung làm buồn lòng người xung quanh; trở thành tổ trưởng đáng tin cậy của các thành viên tổ… May mà có những điều ước giản dị, gần gũi ấy nên người thầy như tôi còn cảm thấy sự trong trẻo hồn nhiên của các em học sinh vẫn hiện diện.

Đơn Thun

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)