Để GV phát huy sự chủ động, sáng tạo thì trong chỉ đạo dạy học, chỉ nên nêu các yêu cầu cốt lõi, cần có; không nên áp đặt mẫu giáo án một cách cứng nhắc.
Học sinh THCS tham gia một hoạt động sân khấu hóa trong môn ngữ văn (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Giáo án là sự hình dung kịch bản lên lớp của mỗi GV với một đối tượng HS cụ thể và một nội dung cụ thể trong một không gian và thời gian cụ thể… Vì thế, nó là sản phẩm cá nhân. Không có và không nên yêu cầu có một giáo án mẫu, chung cho tất cả mọi GV; chỉ cần thống nhất một số yêu cầu cốt lõi cần có, còn trình bày giáo án như thế nào tùy mỗi người. Giáo án dạy học theo yêu cầu phát triển năng lực (gọi tắt là giáo án năng lực) cần khác với giáo án dạy học chạy theo nội dung (gọi tắt là giáo án nội dung). Giáo án nội dung là giáo án nêu lên các nội dung mà GV cần truyền thụ cho HS; trả lời câu hỏi: bài học cần dạy cái gì? Giáo án năng lực là giáo án nêu lên các hoạt động mà GV tổ chức cho HS thực hiện để tìm ra nội dung cần học, qua đó mà biết cách học; trả lời câu hỏi: bài học cần dạy bằng cách nào, thông qua các hoạt động nào?
Giáo án nội dung là giáo án giảng văn, tập trung vào mục tiêu trang bị cho HS những kiến thức, hiểu biết của GV về một vấn đề. HS tiếp thu những kiến thức mà GV cung cấp một chiều và mang tính áp đặt (cũng có phát vấn và yêu cầu HS trao đổi… nhưng cuối cùng ý kiến của GV vẫn là quyết định), do đó hạn chế về cách học và tự học.
Giáo án năng lực tập trung vào mục tiêu hình thành và phát triển năng lực, HS thực hiện các hoạt động để tự tìm ra kiến thức, tự hoàn thiện những hiểu biết của chính mình, phù hợp với mình; qua đó biết cách học và biết tự học. Giáo án nội dung giúp HS biết nhiều nhưng vận dụng được ít, thực hiện rất lúng túng trong tình huống tương tự, nhất là với bối cảnh và ngữ liệu mới. Giáo án năng lực giúp HS biết có thể không nhiều nhưng sẽ nhớ lâu và biết vận dụng, thực hiện được trong tình huống tương tự với ngữ liệu mới.
Không có giáo án chung nhưng phải đáp ứng một số yêu cầu cứng (bắt buộc), chẳng hạn: Thứ nhất, mục tiêu hay yêu cầu cần đạt của bài học phải là phát triển năng lực. Với giờ ngữ văn là năng lực đọc, viết, nói và nghe. Trong mục tiêu không nên tách kiến thức ra khỏi năng lực, vì trong năng lực đã có kiến thức. Cả bài học lớn chỉ nên nêu một mục tiêu, còn các phần nhỏ trong bài học (Đọc các văn bản cụ thể, viết, nói và nghe, thực hành tiếng Việt) không cần vì sẽ trùng lặp với mục tiêu chung của cả bài. Thứ hai, tiến trình giờ học phải tổ chức thông qua các hoạt động và bằng các hoạt động học tập. HS phải tham gia tìm kiếm, phát hiện, nêu vấn đề, trao đổi… GV là người nêu nhiệm vụ, hướng dẫn cách thức hoạt động và gợi mở, nêu ý kiến của mình khi cần thiết. GV không làm thay HS; hạn chế diễn giảng, tránh áp đặt ý của riêng mình, tôn trọng ý kiến của HS…
Các hoạt động học tập phải bám sát và tập trung thực hiện mục tiêu đã đề ra, tránh tình trạng mục tiêu chỉ nêu cho có mà không thấy hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu đã nêu. Mỗi mục tiêu có thể tổ chức một hoặc nhiều hoạt động. Nhưng nhìn chung không nên tổ chức quá nhiều hoạt động trong một giờ học. Cần hướng trọng tâm vào một vài vấn đề sâu sắc và lý thú của văn bản. Việc xác định trọng tâm ấy phụ thuộc vào trình độ của GV dựa trên mục tiêu, yêu cầu của bài học và đối tượng HS. Một văn bản thường có rất nhiều vấn đề cần khai thác, nhưng với từng đối tượng người học, GV chỉ nên xác định một vài vấn đề thật thiết yếu và phù hợp; còn lại có thể gợi mở để HS tự tìm hiểu. Vấn đề trọng tâm của mỗi bài học cần bám sát yêu cầu đọc hiểu của chương trình và nên trao đổi trong tổ nhóm để thống nhất chung. Ví dụ, ít nhất giờ đọc hiểu phải chú ý đến các hoạt động trọng tâm như: hướng dẫn HS đọc văn bản, chú giải để thông nghĩa văn bản; tìm hiểu thông điệp nội dung, ý nghĩa thông qua các hình thức của văn bản; hướng dẫn HS liên hệ, kết nối, so sánh với bối cảnh văn hóa xã hội; đặc biệt với những trải nghiệm của bản thân để gắn kết vấn đề đặt ra trong tác phẩm với người học… Hoạt động thứ nhất và thứ hai là hướng tới yêu cầu hiểu khách thể (văn bản), hoạt động thứ ba hướng tới yêu cầu hiểu chủ thể (người đọc). Đọc hiểu không chỉ là hiểu văn bản mà còn để biết xúc động, hiểu chính mình; qua đó mà học làm người…
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)