Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thời trang Việt ra quốc tế: Khác biệt và thách thức

Tạp Chí Giáo Dục

Số lượng nhà thiết kế (NTK) Việt có show diễn tại các tuần lễ thời trang lớn trên thế giới ngày càng tăng. Lựa chọn mang văn hóa, những nét đặc trưng của Việt Nam ra quốc tế là điều khiến các NTK trăn trở, bởi có thế mạnh, đặc điểm nhận dạng rất riêng nhưng cũng mang đến những thử thách lớn trong quá trình sáng tạo, hội nhập.

BST đậm nét Á Đông của NTK Trần Hùng tại Tuần lễ thời trang London. Ảnh: NVCC

BST đậm nét Á Đông của NTK Trần Hùng tại Tuần lễ thời trang London. Ảnh: NVCC

Nhìn vào là biết thời trang đến từ Việt Nam

Trong show diễn tại Tuần lễ Thời trang London cuối tháng 8, NTK Hồ Trần Dạ Thảo giới thiệu 25 thiết kế trong bộ sưu tập (BST) Di sản xuyên không gian, sử dụng họa tiết trên gấm bào thế kỷ 16-19, được vẽ, in lên vải sợi sen, tơ tằm, chiffon, đũi. Về phom dáng, chị thực hiện áo dài, áo yếm, bà ba cách điệu, đầm, váy và 3 mẫu trang phục cho nam.

Dáng hình Việt Nam tiếp tục được NTK Phan Đăng Hoàng mang đến trong BST tại Tuần lễ thời trang Milan năm 2023. Anh lấy cảm hứng từ những tác phẩm của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, người đã có đóng góp lớn cho mỹ thuật Việt Nam. BST gồm 30 thiết kế, làm từ lụa, linen, denim, da…; áp dụng kỹ thuật thủ công thêu, đính kết. Năm 2021, cũng tại Milan, Phan Đăng Hoàng đã ghi dấu ấn với BST khai thác nghề đan tre nứa truyền thống. Sau đó, anh tiếp tục mang hình ảnh của những trò chơi dân gian vào thiết kế, gây ấn tượng mạnh.

Còn nhớ, tại Tuần lễ thời trang New York 2022, trên những chiếc quần, áo khoác dáng dài, chân váy… bằng vải jeans, công chúng quốc tế đã được thưởng lãm hình ảnh đậm chất Á Đông như hoa sen, chim công, rồng, phượng… Đó chính là tinh thần truyền thống mà bộ đôi NTK Thế Huy và Hải Long mang theo trong chuyến xuất ngoại của mình. Cách đây vài năm, BST Lúa, Em hoa của Nguyễn Công Trí được giới thiệu tại Tuần lễ thời trang Tokyo đã tái hiện sinh động hình ảnh áo dài, áo bà ba, cây lúa, nghệ thuật đan truyền thống…

NTK Phan Đăng Hoàng cho biết, từ khi thành lập thương hiệu, anh xác định tập trung khai thác các yếu tố về văn hóa truyền thống Việt Nam. Đây cũng là cách để tạo nên DNA (thẻ nhận dạng) của thương hiệu. “Những nguồn cảm hứng từ văn hóa truyền thống không chỉ giúp sáng tạo mà còn xây dựng nên con người, nhắc nhở chúng tôi về nguồn cội đất nước, dân tộc”, anh nói.

Trong khi đó, NTK Dạ Thảo thì khẳng định, càng đi nhiều nơi, đặc biệt là các kinh đô thời trang trên thế giới thì chị càng ý thức về việc giới thiệu văn hóa, bản sắc Việt, xây dựng một thương hiệu “Made in VietNam” hoàn toàn. Theo chị, phải làm sao để khi nhìn vào ý tưởng, tinh thần…, người ta nhận biết ngay đó là thời trang đến từ Việt Nam.

Dễ tạo khác biệt nhưng…

Nhìn ở mặt tích cực, văn hóa truyền thống luôn có đặc điểm nhận dạng riêng, khó hòa lẫn. Vì thế, chúng cũng dễ tạo ra những dấu ấn rất riêng biệt. Tuy nhiên, thời trang thế giới luôn có quy luật vận hành. Mỗi mùa sẽ có một hay một vài xu hướng lên ngôi. Trong khi đó, các giá trị văn hóa truyền thống lại nằm ngoài quy luật này. Vì thế, việc đưa chúng vào thời trang hiện đại, để thích nghi và tồn tại được với dòng chảy chung là điều không dễ.

NTK Phan Đăng Hoàng thừa nhận, những BST vốn được thực hiện mang tính trình diễn nên thỏa sức sáng tạo, nhưng khi mở bán chính thức sẽ rất khó để duy trì những yếu tố mang tính văn hóa theo thời gian dài. Theo anh, điểm khó nhất là cách tân làm sao để vừa giữ được gốc nhưng lại phải thể hiện được sự mới mẻ, tránh những sai sót, tranh cãi.

Để có được sự hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại, đòi hỏi các NTK mất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu. Như Thế Huy, Hải Long mất nửa năm để thực hiện BST, Dạ Thảo mất vài năm nghiên cứu để đưa các họa tiết gấm bào, di sản của Huế vào trang phục hiện đại… Cũng chính vì thế, bên cạnh sử dụng văn hóa truyền thống, các NTK chấp nhận sự cạnh tranh lớn với các BST hiện đại. Điển hình như NTK Công Trí, ngay sau khi gây ấn tượng với BST Lúa, Em hoa mang đậm đà bản sắc Việt tại Tokyo thì đến Tuần lễ thời trang New York, anh lại chọn các thiết kế mang tính hiện đại, phá cách, gợi cảm. NTK Trần Hùng cũng mang đến Tuần lễ thời trang London các sản phẩm theo kiểu dáng hiện đại nhưng có cách xử lý phom dáng, chất liệu độc đáo, mang bản sắc riêng. Những thiết kế này tuy không mang dấu ấn văn hóa truyền thống Việt Nam nhưng vẫn tạo dấu ấn lớn.

Dù lựa chọn con đường khai thác giá trị văn hóa truyền thống hay đi theo hướng hiện đại thì các NTK trong nước cũng đang nỗ lực ghi dấu ấn thời trang Việt Nam lên bản đồ thời trang thế giới. Dĩ nhiên, mỗi con đường đều có những thử thách. Văn hóa truyền thống tạo ra sự khác biệt, nhưng cũng khó trong khâu biến tấu, còn xu hướng hiện đại buộc các NTK phải chịu áp lực cạnh tranh đủ lớn để được đón nhận.

Không chỉ góp phần tôn vinh văn hóa truyền thống với các chất liệu dân gian, các NTK Việt còn hòa nhịp với xu thế thời trang xanh, bền vững. Như NTK Dạ Thảo tự hào khi mang chất liệu làm từ tơ sen để giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Hay BST của Thế Huy, Hải Long lại tạo ấn tượng nhờ sử dụng vải lanh, cũng như dùng chất liệu tái chế để tạo ra những thiết kế mới.

Theo Trung Sơn/SGGPO

 

 

Bình luận (0)