Ngay sau khi UBND TP.HCM có công văn 3072 về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn từ ngày 16 đến 30-9, Công an TP đã ban hành ngay thông báo số 3660 để triển khai thực hiện nội dung công văn, trong đó quy định rõ các phương thức kiểm soát lưu thông trên đường và có một số thay đổi để giải quyết khó khăn về giấy đi đường.
Lực lượng shipper giao hàng
Vấn đề này được ông Lê Mạnh Hà – Phó phòng tham mưu Công an TP.HCM nêu ra tại buổi họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP chiều 16-9.
Ví dụ một số thay đổi, ông Lê Mạnh Hà cho biết, đối với shipper giao hàng (sử dụng ứng dụng công nghệ) được hoạt động giao hàng liên quận, huyện, TP.Thủ Đức và có nhận diện qua trang phục, đơn giao hàng, băng tay và phải thực hiện khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an. Ngoài ra, shipper phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 2 ngày.
“Hiện nay lực lượng này không thuộc diện Công an TP cấp giấy đi đường. Sở Công thương TP gửi danh sách shipper đăng ký hoạt động cho Công an TP, từ đó cập nhật vào phần mềm VNIED của Bộ Công an để kiểm soát”, ông Lê Mạnh Hà nói.
Tương tự, đối với nhân viên giao nhận của doanh nghiệp, hộ kinh doanh do công an quận, huyện cấp giấy chỉ được phép hoạt động trên địa bàn 1 quận, huyện, TP.Thủ Đức; có xét nghiệm âm tính với Covid-19 với 2 ngày/lần và khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Đối với các đối tượng không cần giấy đi đường, gồm nhân viên vận chuyển gas được phép lưu thông trong phường hoặc phường liền kề với yêu cầu chở theo bình gas loại 12kg trở lên, có giấy bán hàng thể hiện địa chỉ giao hàng, địa chỉ cửa hàng và khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Đợt này, luật sư tham gia tố tụng được lưu thông khi có thông báo yêu cầu, giấy triệu tập của các cơ quan tố tụng; hoặc văn bản yêu cầu của cơ quan tố tụng gửi văn phòng luật sư, kèm văn bản phân công luật sư của văn phòng luật sư. Khi lưu thông phải có các yếu tố nhận diện như thẻ luật sư trùng với giấy tờ trên và khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Tương tự, người lao động thuộc các doanh nghiệp nhà nước như điện lực, bưu điện, viễn thông… được lưu thông đổi ca làm việc thời gian từ 15 giờ đến 17 giờ thứ 7 và 6 giờ đến 7 giờ 30 thứ 2 hàng tuần. Khi lưu thông phải mặc đồng phục ngành, doanh nghiệp, đeo thẻ nhân viên, có lịch đổi ca của đơn vị, khai báo y tế qua phần mềm của Bộ Công an.
Đối với nhân viên bưu cục, giáo viên vận chuyển sách đến nhà dành cho các em học sinh, ông Lê Mạnh Hà cho biết cũng phải mặc đồng phục ngành, đeo thẻ ngành, có sách hoặc lịch, danh sách địa điểm giao sách, khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Các giảng viên, giáo viên lưu thông đến trường hoặc điểm dạy học trực tuyến được lưu thông phải phù hợp với lịch dạy học trực tuyến, mang thẻ ngành, có lịch giảng dạy được ban giám hiệu nhà trường ký duyệt và thực hiện khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh: “Giải quyết các trường hợp giáo viên đến trường để dạy trực tuyến là nhu cầu thực tế. Theo đó, Công an TP quy định giáo viên di chuyển đúng cung đường, có lịch giảng dạy phù hợp thì sẽ không cấp giấy đi đường. Các trường hợp tại nhà trường được cấp giấy đi đường thì hoạt động theo quy định “3 tại chỗ””.
Theo ông Lê Mạnh Hà, thời gian qua, dựa trên danh sách các đối tượng cần thiết, Công an TP đã cấp giấy đi đường với số lượng hạn chế cho các ngành, lực lượng để tổ chức hoạt động theo quy định. Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu thực tế của các đơn vị, Công an TP vẫn giải quyết, cấp bổ sung giấy đi đường trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc giãn cách, làm việc theo phương thức “3 tại chỗ”. “Chúng tôi sẽ cấp giấy bổ sung cho các ngành, lực lượng thực hiện nhiệm vụ công việc. Nội dung này Công an TP vẫn giải quyết thường xuyên”, ông Lê Mạnh Hà nói.
N.Trinh
Bình luận (0)