Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ngẫm xa hơn từ một lá thư cuối năm học

Tạp Chí Giáo Dục

Bài thi định kỳ cuối năm học môn ngữ văn lớp 10 và lớp 11 của một trường THPT tư thục tại TP.HCM mới đây được thay đổi thành một lá thư gửi đến người mà các em yêu thương nhất. Những cánh thư đó, sau cùng sẽ được gửi đến tận tay những người mà các em muốn gửi.

Nhiều giáo viên bộ môn nhận định, đây chưa hẳn là cách ra đề mới lạ bởi đề thi hoàn toàn có thể ra dưới dạng văn viết thư. Thế nhưng, cái mới lạ ở đây là lồng ghép được giữa kiến thức với thực tế, giữa văn học với đời thường, giữa giáo dục tri thức và giáo dục kỹ năng sống, mà vẫn không hề khiên cưỡng, gắng gượng – thứ mà hầu hết các trường vẫn đang làm rất rập khuôn và phong trào. “Cái hay mà đề làm được là vừa cho học sinh áp dụng kiến thức nhưng lại nhẹ nhàng chạm đến trái tim của trẻ”, cô Lê Thị Hoài (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Phước Long, Q.9, TP.HCM) nhận định.

Tôi nhớ có một dịp, như thành mốt, các trường học đua nhau mời một chuyên gia nọ về trường để nói về cái chết, về sự mất mát, chia lìa. Và ngộ nhận rằng, học sinh cứ rơi nước mắt là đã “tỉnh ngộ”, trường đã thành công trong việc giáo dục kỹ năng sống.

Thật ra, không phải đến tận khi có giáo dục STEM, STEAM, học sinh mới có thể tích hợp, mới có thể trải nghiệm gắn kiến thức với thực tế. Và không phải cứ hô hào, mời chuyên gia này, nhà khoa học kia về dạy kỹ năng sống trong khoảng thời gian chớp nhoáng 15-20 phút là trẻ đã có được kỹ năng sống.

Theo ThS. Võ Minh Thành (giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), dạy học sinh kỹ năng sống trước hết là dạy các em những bài học về làm người ở ngay trong từng bài giảng hàng ngày của người giáo viên, dạy rằng “trò phải ra trò, thầy phải ra thầy”. Đơn giản như dạy các em biết cảm ơn, xin lỗi – những điều tưởng bình thường nhưng lại đang là “của hiếm” trong giới trẻ ngày nay. Dạy các em biết sẻ chia, giúp đỡ, san sẻ với bạn bè, với người nghèo khó xung quanh mình, biết yêu thương ông bà cha mẹ, kính trọng thầy cô giáo…

Từ một cách ra đề văn lạ như trên, thiết nghĩ các trường cần “cởi mở” hơn trong cách ra đề để kiến thức gắn với thực tế; thay đổi cách kiểm tra đánh giá học sinh, tư duy của người giáo viên, chú trọng đến những bài học về giáo dục kỹ năng sống ngay từ chính các bài giảng hàng ngày.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)