Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Băn khoăn về dạy và học môn năng khiếu

Tạp Chí Giáo Dục

Môn mỹ thuật và môn âm nhạc sẽ được đưa vào dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Đó là điều đáng mừng cho học sinh chúng ta sẽ được biết đến việc học mỹ thuật và âm nhạc một cách bài bản, khoa học… Nhưng chúng ta đều biết, hai lĩnh vực này thuộc về bộ môn năng khiếu chứ không phải bộ môn dạy đại trà! Mỹ thuật là “nghệ thuật biểu hiện cái đẹp của cảnh vật, của đời sống, của con người bằng những phương tiện đòi hỏi tài nghệ và sự khéo tay, như hội họa, điêu khắc” (Từ điển từ và ngữ Hán Việt – NXB Từ điển bách khoa. 2002, trang M.445). Còn âm nhạc là “nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt tình cảm” (Sách đã dẫn, trang A.21).

Cả hai đều thuộc về bộ môn năng khiếu đặc biệt bởi vì không phải ai cũng hát đúng nhạc, hát hay được cũng như không phải ai cũng vẽ được một hình sống động. Người không có “hoa tay” thì ngồi vẽ cả ngày cững không xong nhưng người có “hoa tay” thì chỉ cần  thời gian ngắn là vẽ xong! Có được như vậy là do gen di truyền từ ông bà, cha mẹ để lại; có thể nó “trội” ở thế hệ này nhưng nó “lặn” ở thế hệ khác.

Đồng ý là chúng ta dạy học sinh cảm nhận được cái đẹp của cuộc sống bằng kênh màu sắc (mỹ thuật nói chung, hội họa nói riêng), bằng kênh âm thanh (hát, nhạc) nhưng tôi e rằng chỉ tốn thời gian và việc thu lại kết quả cũng khó mà như ý muốn được.

Vì sao tôi có những băn khoăn đó?

Một là: Học sinh đã học quá tải, nay thêm môn mỹ thuật, âm nhạc thì liệu có quá sức tiếp nhận của học sinh hay không? Nếu dạy âm nhạc thì có bao nhiêu em thích học? Mỗi giờ kiểm tra (hát trước lớp) chắc chắn là mỗi giờ “tra tấn” các em không có năng khiếu hát! Cái đẹp của cuộc sống qua âm nhạc chưa thấy nhưng đã thấy sự chán nản, thấy áp lực đè nặng thêm đôi vai của các em…

Hai là: Nguồn giáo viên các bộ môn này ở đâu, trong khi các trường trung cấp nghệ thuật địa phương hàng năm tuyển không đủ chỉ tiêu! Vì là môn năng khiếu mà người có năng khiếu rất hiếm, rất ít… Nếu dạy bậc THPT thì phải tốt nghiệp đại học âm nhạc, đại học mỹ thuật! Thử hỏi hàng năm, các trường như đại học âm nhạc, đại học mỹ thuật có bao nhiêu cử nhân ra trường? Và họ có được trang bị phương pháp sư phạm để dạy học hay chưa?

Ba là: Trong tương lai thì chưa biết, nhưng trước mắt các trường đã chuẩn bị dụng cụ, trang thiết bị phục vụ dạy và học hai bộ môn này chưa? Hay là rơi vào tình trạng dạy chay, dạy lý thuyết?

Nên chăng, hai bộ môn mỹ thuật và âm nhạc này đưa vào danh sách bộ môn tự chọn! Em nào thích, có năng khiếu thì đăng ký học. Có như vậy may ra mới có kết quả tốt hơn là dạy đại trà vì năng khiếu đâu có đại trà!

Bây giờ ai bắt buộc tôi hát thì thiệt tình mà nói, tôi không hát được vì không có chất giọng, không có khiếu hát… Mỗi lần đi karaoke, khi đến lượt “phân công” thì cũng gào lên cho có, chứ không phải là hát đúng nghĩa!

Nếu có đầy đủ giáo viên chăng nữa, giáo viên đó cũng phải có năng khiếu bộ môn mới dạy tốt được. Còn đặt ra bộ môn rồi dạy cho có, rồi cho điểm, rồi cũng tổng kết thì càng làm khổ thêm cho học sinh, cho phụ huynh mà thôi!

Lê Đc Đng (Sóc Trăng)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)