Y tế - Văn hóaThư giãn

“Gối ôm biết nói” – Cùng phụ huynh tương tác với trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Tác gi Tô Diu Hin tng sách cho hc sinh tr li câu hi hay

Lợi ích của việc đọc sách dường như ai cũng biết nhưng để làm công tác khuyến đọc cho trẻ hiệu quả lại là việc không dễ dàng. Nhằm nâng cao công tác này, nhà báo Tô Diệu Hiền – đồng tác giả cuốn sách “Gối ôm biết nói” đã có buổi giao lưu với học sinh, phụ huynh Trường TH-THCS-THPT Việt Mỹ (Q.Tân Bình). Buổi giao lưu diễn ra rất sôi nổi, phụ huynh và học sinh không những được nghe những lời chia sẻ đầy thú vị về các mẩu chuyện trong cuốn sách mà còn được giao lưu, tương tác, và hướng dẫn cách đọc sách hiệu quả.

Với mong muốn góp mặt trong những giây phút bình dị, thiêng liêng nhất của gia đình. Cả nhà cùng đọc sách, sắm vai, vẽ tranh, tô màu, nhà báo Tô Diệu Hiền cùng một người bạn đã thực hiện cuốn sách với giọng văn đầy trong trẻo, dễ thương không chỉ dành cho bạn đọc nhí mà còn thức dậy “đứa bé” ở mỗi người lớn. Cuốn sách “Gối ôm biết nói” (NXB Phụ nữ) được tập hợp 70 mẩu chuyện trẻ thơ ngộ nghĩnh, dí dỏm, giàu tình yêu thương gia đình và giá trị nhân văn. Sách có tranh để tô màu và nhiều tương tác khác. Đặc biệt bên cạnh những bức tranh của họa sĩ chuyên nghiệp, trong sách còn có sự góp mặt của các bạn học sinh với những bức tranh sinh động, dễ thương. 

Từ cuốn sách này, tác giả còn muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp và xây dựng thói quen cả nhà cùng đọc sách, tương tác với nhau trong không khí gia đình ấm áp, vui vầy trong thời đại trẻ dễ bị cuốn hút bởi thiết bị điện tử, kết thân với màn hình phẳng hơn là gia đình, bạn bè.

Tại buổi giao lưu, chuyên gia tâm lý Mia Nguyễn (khách mời chương trình) cũng có đôi điều nhắn gửi đến phụ huynh, học sinh. Theo chị, thói quen đọc sách ảnh hưởng rất lớn đến quá trình trưởng thành của một đứa trẻ, nhất là ở đoạn từ 0 đến 6 tuổi, lúc này bé dần hình thành nhân cách và mưu cầu hạnh phúc. Từ 6 đến 18 tuổi là cột mốc hình thành các mối quan hệ cá nhân. Nếu trẻ được hướng dẫn đọc sách đúng cách ở thời điểm này sẽ góp phần làm trí tưởng tượng của các em trở nên phong phú, tự đặt câu hỏi với cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh, từ đó các em phát triển kỹ năng, nuôi dưỡng tâm hồn, biết sẻ chia và thấu hiểu. “Để hướng dẫn trẻ đọc sách hiệu quả, chọn sách cho con thuở ban đầu là khâu quan trọng. Chọn sách phải phù hợp với sở thích và lứa tuổi của trẻ. Cha mẹ nên đồng hành cùng con trong việc đọc sách. Vừa đọc vừa tương tác để tạo thói quen đọc cho trẻ” – chuyên gia tâm lý Mia Nguyễn hướng dẫn.

Theo tác giả Tô Diệu Hiền, trong mỗi người lớn đều có “đứa bé”. “Đứa bé” ấy đem khát khao yêu thương của đời mình đặt vào sự quan tâm, chăm sóc con cháu, tạo nên mối liên kết bền lâu giữa các thế hệ trong gia đình. “Không riêng gì mẹ với con, nếu quan tâm, gần gũi và đủ yêu thương, các thành viên trong gia đình đều có thể là chiếc gối ôm biết nói của nhau. Những chiếc gối ôm di động này kết lại đẩy lùi bạo lực và khoảng cách” – tác giả tin và mong như vậy.

Chia sẻ về quá trình dạy con, chị Vũ Thị Ngân (phụ huynh bé Đinh Vũ Long – học sinh lớp 4) cho biết: “Vai trò của người mẹ phải biết làm gương cho con, hướng dẫn con. Cùng con đọc từng trang sách, từng câu chuyện, sau đó gợi ý cho con rút ra ý nghĩa, thông điệp, giải thích từ mới. Muốn được vậy người mẹ cần kiên nhẫn, dành nhiều thời gian cho con, giúp con nhận ra được ý nghĩa của việc đọc. Khi con có thói quen đọc sách sẽ có tâm hồn và trí tuệ phát triển, biết yêu thương và chia sẻ”.

H Trinh

 

Bình luận (0)