Trước mặt tiền của mỗi trường luôn có câu khẩu hiệu to đùng: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Mỗi ngày mọi người đều nhìn thấy, để soi lại mình đã trở thành “tấm gương” đến đâu…
Ở đây, câu khẩu hiệu nhắc nhở mỗi thầy giáo, cô giáo phải phấn đấu trở thành tấm gương sáng cho học sinh về đạo đức, về tự học, về sáng tạo… Sức lan tỏa của những “tấm gương” này thật rộng lớn, có tác dụng giáo dục nhiều mặt cho các em học sinh, những mầm xanh của tương lai, đất nước. Lâu nay, trên báo chí, trong dư luận xã hội; chúng ta thường trách các em học sinh ngày nay không còn mặn mà với việc đọc sách! Có rất nhiều nguyên nhân đưa ra, trong đó có nguyên nhân về sự tiến bộ của khoa học… Các phương tiện nghe – nhìn đã phát triển vượt bậc nên “thu hút” các em nhiều hơn! Nhưng một nguyên nhân không kém phần quan trọng: đó là “những tấm gương” chưa thực sự làm gương về việc đọc sách cho học sinh!
Đa số giáo viên mà tôi gặp, dù lâu năm hoặc mới vào nghề, đều tự bằng lòng với tấm bằng của mình nên không còn động lực nghiên cứu, đọc sách để tự nâng cao trình độ. Đọc sách đối với giáo viên bây giờ là một điều xa xỉ! Biết bao nhiêu cuộc thi, biết bao nhiêu lần đổi mới phương pháp, cách thức dạy học nhưng đây mới chỉ làm phần ngọn. Cái gốc là trình độ tự học, ý thức “học nữa, học mãi” của giáo viên lại chưa đặt lên hàng đầu; trong đó việc đọc sách là một yếu tố thiết thực, vô cùng quan trọng. Chuyện đọc sách không thể làm kiểu phong trào mà là do sự đam mê mới có được! Rất tiếc là quá ít ỏi giáo viên tâm huyết với nghề, biết làm giàu kiến thức bằng việc đọc sách. Thật hiếm thấy một giáo viên trong trường cầm một cuốn sách đang đọc dở trên tay. Nếu có chỉ là cuốn sách giáo khoa hoặc cuốn bài tập bộ môn mình dạy.
Khi tôi nêu vấn đề đọc sách, một số giáo viên cho rằng họ đọc trên mạng, tham khảo tài liệu trên mạng. Điều đó cũng tốt vì tra cứu trên mạng nhanh hơn, nhiều hơn và… không tốn tiền mua! Nhưng theo tôi, đọc một cuốn sách; có nhà xuất bản, năm xuất bản rõ ràng, đúng chuẩn mực thì “chắc ăn” hơn tra cứu trên mạng! Đã có lần một người phụ trách bộ môn văn ra đề sai câu chữ khi trích dẫn một đoạn thơ. Tôi không làm lớn chuyện; chỉ gặp riêng và chân tình trao đổi thì em cho biết lấy tài liệu đó trên mạng internet!
Không có niềm đam mê đọc sách thì giờ kêu gọi giáo viên đọc sách rất khó! Chỉ tội nghiệp cho các em học sinh, vào lớp chỉ biết chừng đó kiến thức, gói gọn trong mấy trang sách giáo khoa! Và cũng thương cho các em, gặp những “tấm gương” không đọc sách thì lấy cái gì mà “noi theo, làm theo”? Vậy thì thầy cô ơi, hãy tự tạo niềm vui cho mình bằng cách đọc sách, đọc thực sự thì bài giảng sẽ sâu hơn, hấp dẫn hơn! Mở trang sách là mở những chân trời kiến thức của loài người; hãy biến thành của mình để làm giàu khối kiến thức của bản thân…
Lam Hồng
Bình luận (0)