Đây là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết (NQ) của QH khóa XV. Hội nghị do Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH vừa tổ chức…
Ông Ngô Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – báo cáo tại hội nghị
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho biết, từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến nay, QH, UBTVQH đã ban hành 1.010 văn bản (gồm 23 luật và 101 NQ của QH, 4 pháp lệnh và 882 NQ của UBTVQH), kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, điều chỉnh toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước; góp phần quan trọng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tăng cường bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phục vụ có hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, ông Định cho biết, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023), QH sẽ xem xét, thông qua 9 luật, cho ý kiến đối với 8 dự án luật; trong năm 2024, QH sẽ xem xét, thông qua 18 luật, 1 NQ, cho ý kiến về 2 dự án luật. Bên cạnh đó, khối lượng công việc lập pháp có thể tăng thêm do tiếp tục bổ sung một số dự án mới vào chương trình để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chủ trì và phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ, các dự án luật và pháp lệnh NQ có chứa quy phạm pháp luật được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã bám sát Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của UBTVQH về chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa. Đồng thời rất linh hoạt và sáng tạo, phản ứng nhanh nhẹn trước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau dịch; đáp ứng từng bước xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định khả thi với mục tiêu là kiến tạo phát triển nhanh, bền vững đất nước và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó cũng đã thử nghiệm, ban hành nhiều NQ thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương và các lĩnh vực.
Chủ tịch QH nêu rõ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương trong công tác triển khai thi hành luật và các NQ của QH. Sau mỗi kỳ họp QH, Thủ tướng Chính phủ đều khẩn trương ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, NQ được QH thông qua tại kỳ họp làm cơ sở để các bộ, cơ quan triển khai thực hiện. Một số bộ, UBND cấp tỉnh cũng ban hành kế hoạch của cơ quan, địa phương để triển khai thực hiện, nhất là 10 tỉnh, thành có các NQ về cơ chế đặc thù.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đã báo cáo kết quả thực hiện NQ số 54/2017/QH14 của QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; công tác chuẩn bị triển khai NQ số 98/2023/QH15 của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo đó, với NQ 54, TP.HCM đã thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843,79ha; quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP, điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP. UBND TP.HCM cũng đã ủy quyền cho các sở – ngành, UBND cấp huyện thực hiện 59 nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP; Chủ tịch UBND TP đã ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện 26 nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND TP. Tuy nhiên, ông Châu cũng thừa nhận, nhiều nội dung triển khai NQ 54 còn chậm so với kế hoạch, như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn. Ngoài ra, một số cơ chế tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt; cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp TP có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư… Về công tác chuẩn bị triển khai NQ 98, ông Châu thông tin, ngay khi UBTVQH cho ý kiến về dự thảo NQ, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 2109/KH-UBND ngày 19-5-2023 để triển khai chuẩn bị với 11 đầu việc phải hoàn thành trong quý II/2023; 37 đầu việc hoàn thành trong 6 tháng cuối năm 2023; đồng thời ban hành Quyết định số 2541/QĐ-UBND ngày 21-6-2023 thành lập tổ công tác triển khai thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP với 26 thành viên do Chủ tịch UBND TP làm Tổ trưởng. Trên cơ sở kế hoạch chuẩn bị triển khai NQ, UBND TP đã cập nhật NQ 98, Chỉ thị số 27-CT/TU, NQ số 18/NQ-HĐND và ký Quyết định số 2856/QĐ-UBND ngày 11-7-2023 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện NQ 98; trong đó xác định 28 nội dung, đề án trình HĐND TP thông qua tại các kỳ họp trong năm 2023; 26 nội dung, đề án thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của UBND TP phải hoàn thành trong năm 2023. Về kết quả triển khai NQ 98, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành Trung ương và TP tham mưu Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 20/2023/QĐ/TTg ngày 10-8-2023 quy định về thí điểm phân cấp và trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật TP.HCM. |
Tuy nhiên, việc triển khai các luật và NQ còn không ít tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng đến nay các bộ liên quan vẫn chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Đặc biệt có 6 luật được thông qua tại kỳ họp thứ 5, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024 và ngày 1-7-2024 nhưng chưa có kế hoạch triển khai.
Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Một số văn bản chưa đảm bảo về chất lượng, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, vướng mắc, cản trở sự phát triển. Một số văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập chậm được xử lý. Việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong xây dựng ban hành văn bản chưa kịp thời và chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm.
“Việc triển khai các luật, NQ của QH khóa XV, nhất là luật, NQ vừa được QH thông qua tại kỳ họp thứ 5 đòi hỏi nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan, tổ chức nhằm đưa các quyết sách của QH vào cuộc sống, đóng góp thiết thực vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Nhóm PV
Bình luận (0)