Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mạnh mẽ giao tiếp ảo, rụt rè giao tiếp thực

Tạp Chí Giáo Dục

Trang phục cá tính, những dòng trạng thái đầy sáng tạo về muôn màu cuộc sống thường nhật, lối nói duyên dáng, tự tin và hài hước trong các lời bình luận qua lại với bạn bè… là một vài điểm thiện cảm có được khi tôi quan sát tài khoản cá nhân của một sinh viên (SV) nọ. Nhưng thật bất ngờ, cũng chính SV ấy, khi hiện diện trong lớp học mà tôi trực tiếp giảng dạy lại là một người khá rụt rè; khả năng trình bày, lập luận vấn đề khi thuyết trình kém lưu loát; thường không tự tin khi phát biểu; trình bày văn bản (các bài tập kiểm tra mỗi buổi học hoặc bài tập về nhà) còn chi chít lỗi sai cả về văn phong lẫn hình thức. Thật đáng tiếc, đây không chỉ là trường hợp duy nhất mà tôi gặp.

Có thể nói, bằng những đặc tính riêng có, mạng xã hội đã cho phép người sử dụng có thể xây dựng một hình ảnh cá nhân hoàn toàn khác so với bản thân ngoài đời thực. Đó thường là những hình ảnh mà người dùng hướng đến nhưng vì những lý do khách quan lẫn chủ quan, đã không thể thực hiện trong thực tế. Trong không gian mạng xã hội, các hoạt động giao tiếp được mở rộng biên độ, có nhiều điểm khác biệt so với giao tiếp ngoài đời thực – nơi có phong phú và đa dạng các tình huống giao tiếp đòi hỏi những kỹ năng và trải nghiệm nhất định. Và đó chính là cơ sở nảy sinh những câu chuyện “dở khóc dở cười” khi giao tiếp ảo thì mạnh mẽ, nhưng giao tiếp ngoài đời thực lại ngại ngùng, rụt rè.

Kỹ năng giao tiếp của SV có nhiều điều còn hạn chế đang là câu chuyện đau đầu không chỉ của nhà trường mà còn của đơn vị tuyển dụng. Mỗi SV cần nhận thức tầm quan trọng của giao tiếp và chủ động phát triển kỹ năng giao tiếp trong đời thực, thay vì quá sa đà với cái ảo. Cụ thể, thay vì chúng ta lên mạng hàng ngày, thậm chí hàng giờ, nhưng chỉ là để đọc và xem các thông tin vô bổ thì cần lắm những trải nghiệm phù hợp hơn nhằm trang bị cho bản thân các kỹ năng mềm thiết yếu. Đó có thể là tham gia các hoạt động đội, nhóm vì cộng đồng. Đó có thể là tìm kiếm một công việc làm thêm bán thời gian gần với chuyên môn ngành học. Thông qua việc thay đổi nhiều loại hình không gian giao tiếp sẽ giúp SV hình thành và rèn luyện các năng lực để có thể biết cách hòa nhập với mọi người xung quanh, biết lựa chọn câu chữ và điều chỉnh giọng nói phù hợp, biết tận dụng hiệu quả các hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ, biết tạo được thiện cảm khi giao tiếp… Các kinh nghiệm giao tiếp này không chỉ giúp ích cho hoạt động học tập khi đang ngồi trên ghế nhà trường mà còn trở thành lợi thế cá nhân khi tốt nghiệp sau này, mở rộng cánh cửa việc làm nơi các nhà tuyển dụng. Vì thực tế cho thấy khả năng giao tiếp tốt chiếm 80% sự thành công trong học tập lẫn công việc.

Về phía người dạy, ngoài việc truyền đạt kiến thức chuyên môn của môn học, cũng cần quan tâm lồng ghép các hoạt động dạy và học tích cực hoặc các chương trình ngoại khóa nhằm hình thành, rèn luyện và nâng cao khả năng giao tiếp cho người học. Ở góc độ nhà trường, cần thành lập nhiều câu lạc bộ hoạt động gắn với các hoạt động ngành nghề của từng khoa, từng ngành; xây dựng các diễn đàn cộng đồng với nhiều hoạt động trải nghiệm và gắn kết thực tế thay vì chỉ đơn thuần là các diễn đàn mạng nhằm tăng cường hơn nữa kỹ năng giao tiếp của SV.

Trn Xuân Tiến
(Trưng ĐH Văn Hiến)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)