Hoạt động hướng nghiệp cho học sinh THPT đã và đang được các nhà trường quan tâm, đẩy mạnh. Với nhiều hình thức triển khai, hoạt động này bước đầu đã mang lại hiệu quả, không chỉ giúp học sinh cuối cấp định hướng được ngành nghề theo năng lực, sở thích mà còn giúp hướng nghiệp sớm cho học sinh đầu cấp.
Học sinh Trường THPT Phước Long (Q.9, TP.HCM) trao đổi với chuyên gia hướng nghiệp trong chương trình “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức trong năm học vừa qua
Ban giám hiệu đứng lớp hướng nghiệp
Tại Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM), nhiều năm qua công tác hướng nghiệp được giao nhiệm vụ chính cho… Ban Giám hiệu nhà trường; theo đó, các thầy cô trong Ban Giám hiệu sẽ phụ trách các lớp hướng nghiệp cho học sinh. Cụ thể, với 9 tiết hướng nghiệp/năm theo quy định của Bộ GD-ĐT, Ban Giám hiệu chia ra dạy 4 tiết/2 học kỳ/lớp, mỗi thầy cô phụ trách một khối lớp. Với 5 tiết còn lại, nhà trường tổ chức theo dạng chuyên đề, đưa học sinh đi tham quan thực tế tại các trường ĐH từ phiếu khảo sát học sinh. “Phiếu khảo sát là một hình thức giúp hoạt động hướng nghiệp được thực hiện có chiều sâu. Trong phiếu khảo sát sẽ có những câu hỏi để tìm hiểu về nhu cầu ngành nghề mà học sinh hướng tới, các trường ĐH, CĐ mà học sinh quan tâm. Từ kết quả khảo sát, nhà trường mời các trường ĐH, CĐ về trường để trực tiếp tư vấn cho học sinh, đồng thời sẽ lựa chọn ra khoảng 5 trường ĐH để đưa những học sinh có nhu cầu tìm hiểu đến trường tham quan, trải nghiệm thực tế”, cô Lương Bích Nga (Phó Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.
Theo cô Nga, trong công tác hướng nghiệp, cần phải chú ý đến từng đối tượng học sinh, không “đánh đồng” tất cả. Trong đó, tập trung định hướng về ngành nghề cho học sinh lớp 12; làm rõ nhu cầu ngành nghề của xã hội cho học sinh lớp 11; với học sinh lớp 10 là giúp các em xác định được năng lực của bản thân dựa trên sở thích cá nhân. “Đặc biệt, khi định hướng nghề nghiệp cho học sinh phải có tầm nhìn xa, giúp các em nhận ra ngành nghề đó trong giá trị từ 5-7 năm”, cô Nga cho biết.
Thành lập phòng tư vấn tâm lý – hướng nghiệp
Điểm mới trong công tác hướng nghiệp tại Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) là đẩy mạnh hoạt động tư vấn tâm lý lồng ghép với công tác hướng nghiệp. Phòng tư vấn tâm lý – hướng nghiệp của nhà trường ra đời với một giáo viên phụ trách tâm lý – hướng nghiệp và một cộng tác viên sẽ giải đáp những thắc mắc về ngành nghề, về sở thích của học sinh trong trường bất cứ khi nào. “Có nhiều vấn đề, thắc mắc của học sinh mà giáo viên chủ nhiệm đôi khi không giải quyết được. Giáo viên tư vấn tâm lý sẽ giúp tư vấn một cách sâu sát đến từng học sinh, gỡ rối các vấn đề khó nói của học sinh đến cùng mà không vướng rào cản ngại ngùng của các em”, thầy Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho hay.
Bên cạnh hoạt động tư vấn tâm lý – hướng nghiệp, 9 tiết dạy hướng nghiệp trong chương trình cũng được nhà trường thực hiện linh hoạt, có chất lượng; 4 tiết trong số đó có sự tham gia của chuyên viên hướng nghiệp. “Nhà trường cũng tổ chức cho học sinh lớp 12 tham quan các trường ĐH theo nhu cầu của các em. Ngoài ra, trong các hoạt động chuyên đề theo từng chủ điểm của tháng, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, giờ sinh hoạt dưới cờ cũng được nhà trường tích hợp lồng ghép công tác hướng nghiệp cho học sinh”, thầy Hùng bổ sung. Tuy nhiên, theo thầy Hùng, mơ ước của tất cả các nhà quản lý trong hoạt động hướng nghiệp là làm sao hướng nghiệp được cho cả phụ huynh. Bởi để công tác hướng nghiệp cho học sinh được hiệu quả thì trước tiên phụ huynh phải hiểu đúng về ngành nghề, nhu cầu nhân lực và quan trọng nhất là năng lực, sở thích của con em mình, tránh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”!
Mưa dầm… thấm lâu
Thầy Nguyễn Văn Hiệp (Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay công tác hướng nghiệp luôn được nhà trường quan tâm, chú trọng, tiếp cận không chỉ với học sinh mà cả phụ huynh trong hầu hết các hoạt động của trường. “Có cơ hội nói là nói, trên tinh thần mưa dầm thấm lâu. Nói trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, trong các dịp lễ hội, trong các buổi họp phụ huynh. Phải nói để phụ huynh hiểu, để trang bị cho phụ huynh những hiểu biết về các ngành nghề hiện nay, về nhu cầu nhân lực hiện nay. Hướng nghiệp để phụ huynh và học sinh tiếp cận với phương pháp học đúng đắn, và quan trọng nhất là để thay đổi quan điểm của phụ huynh về bằng cấp”, thầy Hiệp chia sẻ.
Cùng với đó, 9 tiết học hướng nghiệp chính khóa được các giáo viên trong Tổ vật lý phụ trách đứng lớp, chia lớp theo ban khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để kiến thức hướng nghiệp được chuyên sâu. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm cũng được nhà trường đưa những kiến thức hướng nghiệp vào, tiếp cận học sinh một cách nhẹ nhàng, hiệu quả. “Năm nay, học sinh lớp 11 sẽ được trải nghiệm tìm hiểu về các nguồn năng lượng mới tại tỉnh Bình Thuận, còn học sinh lớp 12 được học tập trải nghiệm ở Viện Hạt nhân Đà Lạt, qua đó giúp các em phần nào nhận ra các cơ hội nghề nghiệp cũng như những ngành nghề trong kỷ nguyên 4.0 là như thế nào”, thầy Hiệp thông tin.
Tương tự, tại Trường THPT Phước Long (Q.9, TP.HCM), hoạt động hướng nghiệp được đẩy mạnh triển khai theo chủ điểm của từng tháng như kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày Thầy thuốc Việt Nam… nhằm trao cho học sinh cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về các ngành nghề, từ đó nhận ra mức độ phù hợp của bản thân với từng ngành nghề đó. “Thời lượng 9 tiết hướng nghiệp chính khóa/năm rất hạn chế. Do vậy, nhà trường phải lồng ghép linh hoạt trong nhiều hoạt động để thực hiện việc hướng nghiệp cho học sinh. Nhất là đề cao vai trò của giáo viên từng bộ môn, giáo viên chủ nhiệm trong công tác tư vấn hướng nghiệp đến từng đối tượng học sinh”, cô Mai Tuyết Vân (Phó Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.
Cô Vân cho rằng, để công tác hướng nghiệp cho học sinh được hiệu quả thì cần có sự chung tay của toàn thể nhà trường, từ Ban Giám hiệu, Đoàn trường, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và cả phụ huynh. “Nhà trường giúp học sinh tiếp cận với những kiến thức mới về ngành nghề hiện nay, về nhu cầu nhân lực, về năng lực bản thân, đam mê sở trường, còn phụ huynh lại giúp nhà trường đồng hành trong công tác hướng nghiệp, nhận ra điều gì cần thiết và tốt nhất cho các em học sinh”, cô Vân nói.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)