Với tâm niệm “Việc quan trọng nhất trong cuộc đời là lựa chọn cho mình một ngành nghề phù hợp”, ThS. Phạm Doãn Nguyên quyết tâm theo đuổi và cống hiến trong lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp trong nhiều năm qua, nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng góp phần giúp các bạn trẻ chọn được ngành học, trường học phù hợp với năng lực, sở trường, đam mê, phát huy tài năng giá trị của bản thân.
ThS. Phạm Doãn Nguyên – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh UEF
Sinh năm 1976, ThS. Phạm Doãn Nguyên hiện là Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF). Ông được biết đến là một trong những chuyên gia đào tạo kỹ năng mềm có nhiều năm gắn bó với công tác tư vấn hướng nghiệp. Ông nhận được nhiều sự quan tâm của các trường THPT trong đào tạo kỹ năng mềm và tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Với các thành tích đã đạt được ông vinh dự nhận được nhiều Bằng khen của UBND TP.HCM, giấy khen của Hiệu trưởng UEF. Năm 2021 cũng là năm đánh dấu cột mốc 15 năm ông gắn bó với vai trò chuyên gia tư vấn hướng nghiệp.
1.Khi được trao đổi về vai trò của chuyên gia hướng nghiệp, ThS. Phạm Doãn Nguyên chia sẻ: Công việc tư vấn hướng nghiệp là công việc rất áp lực, vì liên quan đến định hướng tương lai của mỗi người, chuyên gia hướng nghiệp là những người góp phần “kiến tạo tương lai cho người khác”, đó là công việc không hề dễ bởi cần đến nhiều tố chất và bản lĩnh nghề nghiệp, khả năng truyền đạt. Một chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, ngoài yêu nghề, hết lòng vì nghề, thì điều quan trọng nhất là không vì lợi ích cá nhân hay lợi ích của một đơn vị nào, mà phải vì thế hệ trẻ, vì sự phát triển chung của xã hội, phải có tâm đức, có tầm nhìn, kiến thức am hiểu sâu và chắc chắn về các lĩnh vực mình tư vấn, phải có ý thức trách nhiệm cao, tính trung thực khách quan, có sự hiểu biết rộng và nhạy bén với xu hướng phát triển chung của đất nước, của khu vực và thế giới, nắm chắc về những quy định, quy chế, chủ trương chính sách phát luật của Đảng, Nhà nước và của ngành.
ThS. Phạm Doãn Nguyên tư vấn hướng nghiệp cho học sinh
Ông cho rằng việc chọn nghề nghiệp và ngành học rất quan trọng, nó góp phần quyết định sự thành bại của mỗi cá nhân. Ở các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản… hoạt động hướng nghiệp được thực hiện rất sớm từ khi các em học sinh còn học mầm non, tiểu học, đa phần phụ huynh và học sinh có sự đầu tư nhất định cho việc tìm hiểu và định hướng chọn nghề. Riêng ở nước ta, tình hình chung hiện nay công tác hướng nghiệp trong học sinh chủ yếu còn ở phần ngọn, chưa sâu rộng và đồng bộ, có không ít học sinh lớp 12 vẫn chưa một lần trải nghiệm, tiếp cận thông tin về ngành nghề, một bộ phận khác lại không chú trọng đến hướng nghiệp chọn nghề mà chỉ cốt là đậu ĐH. Chính vì vậy, các em rất dễ chọn sai và hệ lụy là phải chuyển ngành khi đang học, khó kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp và dễ bị đào thải trong thị trường lao động.
2. Nói về vấn đề các bạn trẻ tiếp cận như thế nào với các chuyên gia hướng nghiệp, ông khẳng định: Chuyên gia hướng nghiệp là người chỉ dẫn, truyền lửa cho các bạn trẻ khám phá, tìm hiểu các vấn đề, tư vấn hướng nghiệp là một chuyện, còn chuyện lựa chọn học và làm hay không là quyết định của người học, chuyên gia hướng nghiệp xét đến cùng là một kênh quan trọng để các bạn trẻ “được đánh thức” khi chọn nghề, cung cấp cho các bạn những thông tin cần thiết để nhận diện bản thân, biết các yếu tố cần thiết của ngành nghề, cơ hội việc làm, cấp bậc đào tạo như thế nào… Vì vậy, mỗi bạn trẻ cần nhìn nhận khách quan cả những “hào quang” và “khoảng lặng” của nghề, từ đó hài lòng, cố gắng, nỗ lực học tập, sống với ngành nghề sẽ chọn.
Theo ThS. Phạm Doãn Nguyên, kỹ năng để chọn được ngành học phù hợp mà các bạn trẻ cần lưu ý. Đó là phải định vị bản thân, nghĩa là biết được phẩm chất, năng lực cá nhân, tính cách, sự yêu thích, đam mê đối với các lĩnh vực ngành nghề, để định vị được bản thân các bạn cần sử dụng và thực hiện một số phương pháp như làm một số bài trắc nghiệm MBTI, trắc nghiệm HOLLAND, tham chiếu từ ba mẹ, anh chị, người thân, thầy cô, bạn bè, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp và tham chiếu từ những người đang trực tiếp làm trong lĩnh vực ngành nghề mà mình muốn chọn, quan sát, trải nghiệm thực tế, tận dụng phát huy những lợi thế nghề nghiệp từ gia đình.
Kế đến là định vị cho được nghề và công việc cụ thể trong bức tranh đa dạng các ngành nghề, mỗi ngành nghề cần những tố chất cần thiết, ví dụ: ngành quản trị kinh doanh cần tố chất năng động, nhạy bén, giao tiếp tốt, khả năng đàm phán thương lượng, khả năng trình bày, tư duy quyết đoán, khả năng ra quyết định, khả năng phân tích đánh giá, nhạy bén hoạt động kinh tế kinh doanh; Ngành kế toán cần yêu thích con số, khả năng tính toán, trí nhớ tốt, trung thực, cẩn thận, chính xác, khả năng phân tích; Ngành y đa khoa cần tố chất lòng bao dung, yêu thương con người, tính cẩn trọng, chính xác, khả năng kiểm soát cảm xúc không sợ máu, không ngại các chất dịch, chất thải, kiểm soát cảm xúc tốt, bình tĩnh, tự tin, xử lý vấn đề, không phân biệt đối xử…
Thêm nữa, định vị được nhu cầu thị trường lao động, trong quá trình phát triển của xã hội thì một số ngành cũ mất đi một số ngành mới sẽ ra đời, xu hướng phát triển của nghề nghiệp là đích đến của hầu hết các bạn trẻ khi chọn ngành nghề, vì vậy cần có sự phân tích, cách nhìn thấu đáo về tương lai của ngành nghề sẽ chọn sau 5 năm, 10 năm, 20 năm… như thế nào, mục tiêu là làm việc tại thị trường lao động trong nước, thị trường lao động trong khu vực hay thế giới, để từ đó có sự cân nhắc, tính toán chọn ngành học trường học phù hợp.
3. Với công việc chính hiện nay là phụ trách công tác tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh của UEF, đây là một trong những trường ĐH uy tín hàng đầu đào tạo về lĩnh vực kinh tế, tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh, dịch vụ du lịch, ngôn ngữ, luật, truyền thông…
Ngay từ khi thành lập, UEF đã xác định rõ mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao, đào tạo những công dân toàn cầu, sinh viên được đào tạo theo chuẩn mực các trường ĐH uy tín hàng đầu trên thế giới, hơn 50% thời lượng chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, nhà trường luôn gắn kết với doanh nghiệp, đảm bảo nơi thực tập và giới thiệu việc làm cho 100% sinh viên của trường, hàng năm nhà trường đều phối hợp với các đơn vị ngoài trường tổ chức hoạt động hướng nghiệp rất sớm, đó là môi trường rất tốt giúp bản thân tôi thực hiện vai trò hướng nghiệp của mình, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục sứ mạng tư vấn hướng nghiệp ngày càng chuyên nghiệp, tôi sẽ hoàn thiện cuốn sách cẩm nang về kỹ năng chọn ngành nghề, góp phần trang bị cho các bạn trẻ định hướng ngành nghề phục vụ các bạn trẻ trong chọn đúng ngành nghề để phát triển bản thân và kiến tạo tương lai của mình.
Trần văn
Bình luận (0)