Đây là nhận định của HP, một trong hai công ty sản xuất máy tính cá nhân (PC) lớn nhất thế giới.
Một khách hàng đang xem xét máy tính Samsung tại cửa hàng Seoul, Hàn Quốc.
5 năm trước, khi Alex Cho còn điều hành bộ phận PC thương mại tại HP, vài người bạn tỏ ra ái ngại vì anh đã chọn sai việc. “Tôi nhận email từ một người nói rằng, “Này, PC chết rồi. Cậu đang làm gì trong bộ phận PC thế””, Cho nhớ lại. Ông đã được thăng chức Chủ tịch Personal Systems của HP, bao gồm PC, laptop, phụ kiện, dịch vụ và phần mềm máy tính.
Bạn bè của ông có lúc nói đúng. Theo hãng nghiên cứu IDC, thị trường PC sụt giảm liên tục 7 năm từ 2012 đến 2018, năm mà Cho tiếp quản toàn bộ bộ phận PC của HP. Dù phục hồi nhẹ năm 2019, doanh số 266 triệu máy vẫn thấp hơn đỉnh 364 triệu năm 2011.
Cho và bạn của ông không thể ngờ 2020 lại chính là năm doanh số máy tính HP đạt kỷ lục. Xu hướng làm việc tại nhà do Covid-19 giúp công ty bán ra hơn 18 triệu máy chỉ trong quý II và quý III, theo IDC.
HP và Lenovo là hai nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới. Trả lời Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ông Cho nhận định “Covid-19 sẽ biến PC trở nên thiết yếu. Bạn không thể làm việc nếu không có máy tính. Nếu không có máy tính, bạn cũng không học hành được”.
Các chuyên gia và nhà sản xuất đều nói rằng Covid-19 đã đảo ngược câu chuyện “PC chết rồi”. Xu hướng vươn ra khỏi văn phòng vì bác sỹ cũng dùng máy tính để khám bệnh qua mạng, trừ các ca cấp bách.
Thay đổi trong thói quen tiêu dùng cũng giúp thị trường PC hướng tới mô hình kinh doanh thiết bị như một dịch vụ (DaaS), nơi khách hàng có thể thuê máy tính để sử dụng thay vì mua đứt. Trong thế giới mà nhiều người cần có bàn làm việc riêng ở nhà, các nhà sản xuất PC đang trở thành nhà cung cấp giải pháp CNTT nhờ tận dụng trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây.
Dù thế nào đi nữa, mảng PC cũng đã mang hơi thở mới. Doanh số thị trường toàn cầu quý III tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 81,3 triệu máy, bao gồm desktop, notebook và máy trạm (workstation). Theo IDC, kết quả này là do nhu cầu kỷ lục từ khách hàng cá nhân và tổ chức. Nếu thị trường không bị ảnh hưởng vì khan hiếm linh kiện, doanh số còn có thể cao hơn nữa.
Hãng nghiên cứu Gartner cũng đồng tình. Giám đốc nghiên cứu Mikako Kitagawa nhận xét quý III là quý nhu cầu PC mạnh nhất mà Gartner ghi nhận trong vòng 5 năm qua.
Ngày hội mua sắm độc thân 11/11 vừa kết thúc cũng thúc đẩy doanh số PC. Lenovo báo cáo doanh thu 951 triệu USD trong sự kiện, tăng 77% so với năm 2019. Phần lớn đơn hàng là các sản phẩm liên quan tới máy tính.
Một số nhà phân tích thậm chí còn chuyển từ tính số PC trên mỗi hộ gia đình sang số PC trên đầu người. Chuyên gia viễn thông, truyền thông và công nghệ Wilson Chow cho rằng, thị trường PC vẫn còn tiềm năng khổng lồ để phát triển hậu Covid-19. “Trước đây, mỗi nhà đều có một máy tính nhưng nay, do cha mẹ cũng làm việc tại nhà nên cần máy tính riêng. Trẻ cũng phải học trực tuyến nên cũng cần máy tính. Chúng ta đang nói tới xu hướng một máy cho mỗi người”, ông Chow nói.
Theo ông Alex Cho, nhu cầu PC tăng mạnh sẽ thay đổi cách mọi người nhìn nhận PC và cách chúng bán ra. Ông tin mô hình DaaS sẽ sớm trở thành con đường chủ yếu vì làm việc tại văn phòng kết hợp tại nhà là “trạng thái bình thường mới”. Những công ty như Microsoft, Fujitsu, Twitter đều thông báo cho nhân viên một vài bộ phận làm việc tại nhà vô thời hạn, còn Google cũng đang xúc tiến mô hình làm việc kết hợp, nơi nhân viên không cần đến văn phòng hàng ngày.
Bảo đảm an ninh mạng cho thiết bị CNTT tại gia cần được xử lý trước khi mô hình kinh doanh mới có thể cất cánh. Ông Cho cho biết, HP đang tập trung vào mảng này. HP hiện sử dụng công nghệ AI để can thiệp từ xa nếu phát hiện vấn đề như lỗi ổ cứng.
Mô hình DaaS đã manh nha vài năm gần đây và nhờ Covid-19 mà phát triển nhanh hơn. Năm 2015, số lượng nhà sản xuất máy tính cung cấp DaaS là không nhưng năm 2019 đã tăng lên 65%, theo báo cáo hồi tháng 6 từ hãng tư vấn Accenture.
Thị trường PC hồi sinh được dự đoán còn cạnh tranh hơn nữa, một khi các nhà cung cấp đám mây như Google và Microsoft mở rộng sự hiện diện khi mô hình DaaS có chỗ đứng. Theo IDC, lượng xuất xưởng Chromebook tăng 90% trong quý III. Trong khi hầu hết Chromebook do các hãng truyền thống như HP, Lenovo, Google sản xuất, Google cũng có dòng máy tính riêng mang thương hiệu PixelBook, còn Microsoft có dòng notebook Surface.
“Đối với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, họ có thể nghĩ đến việc có nên tự bắt tay vào thị trường PC hay tương tự hoặc hợp tác với các nhà sản xuất truyền thống để cùng nhau cung cấp một số loại dịch vụ”, chuyên gia Chow chia sẻ.
Du Lam (theo vietnamnet)
Bình luận (0)