Với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cũng là kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục 2006, cần xây dựng, sửa và bổ sung ngay quy chế, không được chủ quan. Còn năm 2025 là kỳ thi đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông mới, cần chuẩn bị cho học sinh tâm thế tốt để tránh gây lo lắng.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ kỳ thi năm 2024 diễn ra ngày 20-9.
Kỳ thi năm 2024 giữ ổn định, kỳ thi năm 2025 thích ứng chương trình mới
Báo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Chương (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023 về hình thức tổ chức, mô hình tuy nhiên cũng sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục những hạn chế bất cập của kỳ thi năm trước.
Còn với năm 2025, ông Chương cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thi theo môn gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Trong đó, một số môn bắt buộc và một số môn lựa chọn. Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi trắc nghiệm. Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh sẽ chính thức không còn thi theo bài thi tổ hợp như hiện nay.
Kỳ thi năm 2025 là kỳ thi đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông mới, do đó, nội dung thi sẽ bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Bộ GD-ĐT quy định khung thời gian tổ chức thi (lịch thi chung) phù hợp với kế hoạch thời gian năm học để bảo đảm thống nhất trong cả nước. Theo lộ trình, giai đoạn 2025-2030, kỳ thi sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Giai đoạn sau 2030, phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Muốn kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế phải giáo dục học sinh đúng chất lượng
Từ những kết quả tích cực cũng như một số hạn chế của kỳ thi năm 2023, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đưa ra những nội dung công việc thực hiện trong thời gian tới.
Trong đó, Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý chất lượng tiếp thu, nghiên cứu ý kiến đóng góp, tham luận từ hội nghị để tham mưu cho lãnh đạo bộ có những chỉ đạo cụ thể. Tiếp theo là xây dựng, sửa ngay, bổ sung quy chế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Vì đây là kỳ thi cuối cùng của chương trình 2006 nên tuyệt đối không được chủ quan. Nếu có vi phạm, tùy theo mức độ sẽ xử lý. Bởi theo Thứ trưởng, nếu xảy ra sự cố gì cũng ảnh hưởng đến chất lượng của kỳ thi, đến uy tín của từng tổ chức và cá nhân.
Đồng quan điểm với ý kiến từ đại diện các sở GD-ĐT về việc chuẩn bị cho quá trình học của học sinh, Thứ trưởng cho rằng khi nói kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, chất lượng là mới chỉ nói về phần ngọn; muốn an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế thì phải giáo dục học sinh từ tiểu học đến trung học đúng chất lượng, nghiêm túc, có sự tự tin với kiến thức để các em không phải… mở tài liệu. Đồng thời, điều này cũng liên quan đến khâu bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên. “Tới đây, nơi nào có thí sinh và cán bộ vi phạm nhiều thì phải đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cũng như công tác dạy học, giáo dục học sinh ở nơi đó” – Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo sở GD-ĐT các tỉnh cần tuyên truyền cho đội ngũ giáo viên, phụ huynh, học sinh chuẩn bị tâm thế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 để các em không quá lo lắng. “Bộ GD-ĐT và các đơn vị của bộ đang triển khai hết sức thận trọng, kỹ lưỡng với phương châm gọn nhẹ, không căng thẳng, không áp lực, không gây tốn kém cho xã hội, có lộ trình, có đổi mới tiếp thu ý kiến. Nếu thầy cô dạy tốt, dạy thực chất và học sinh học tốt thì phương thức, hình thức hay định dạng đề thi nào chúng ta cũng sẵn sàng” – Thứ trưởng tiếp tục nhấn mạnh.
Về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Thứ trưởng cho hay sẽ theo hướng vừa tập trung vừa phân cấp. Ở nội dung ra đề thi, Thứ trưởng cho biết, hằng năm bộ huy động lực lượng gồm 180 thầy cô cả phổ thông lẫn ĐH ở các vùng miền. Nếu mỗi tỉnh ra đề, cả 63 tỉnh thành khi nhân lên, lực lượng này rất lớn, tới 11.340 người, gây lãng phí. Điều quan trọng nữa là mặt bằng kiến thức sẽ không công bằng…
Mê Tâm
Bình luận (0)