Quan niệm "ăn nhiều cơm gây béo phì" đã khiến không ít người gặp các vấn đề về sức khỏe khi cố tình loại bỏ tinh bột khỏi khẩu phần hàng ngày.
Tinh bột là một trong những thành tố dinh dưỡng chính trong chế độ ăn của con người từ thời xa xưa. Nhưng hiện nay, thực phẩm cung cấp tinh bột bị đặt một dấu hỏi lớn khi nhiều người cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến lượng mỡ dư thừa tăng cao. Từ đây, các chế độ ăn như Low Carb, Keto ra đời.
Nỗi oan
Trên thực tế, lượng tinh bột trong khẩu phần ăn của người Việt tương đối cao. Nếu tính từ thời kỳ bao cấp, nguồn thức ăn chính trong bữa cơm người Việt đến từ gạo, mì, ngô, khoai, sắn. Chúng chiếm tới 80% năng lượng trong ngày.
Khi nền kinh tế phát triển hơn, đời sống được nâng cao, người dân bắt đầu tăng khẩu phần đạm và chất béo. Dẫu vậy, thói quen ăn nhiều thực phẩm từ tinh bột vẫn tồn tại.
Thạc sĩ, bác sĩ DZoãn Thị Tường Vi (Viện Dinh Dưỡng Lâm Sàng) cho biết: "Hiện nay, năng lượng đến từ tinh bột tối đa được Viện Dinh Dưỡng Quốc gia khuyến cáo là 55-65%, năng lượng từ chất béo không quá 25%, phần còn lại đến từ chất đạm".
Tinh bột mà điển hình là cơm chiếm một phần năng lượng chính trong khẩu phần ăn của người Việt không đồng nghĩa với việc nó là "thủ phạm" làm tăng cân.
Dựa vào tỷ lệ này, có thể nói rằng năng lượng chính của cơ thể đến từ tinh bột. Trong khi đó, các trường hợp thừa cân, béo phì xuất phát từ nguyên nhân năng lượng nạp vào quá nhiều – nơi mà yếu tố tinh bột chiếm phần lớn.
Hiểu một cách đơn giản, việc ăn quá nhiều cơm, khoai, bánh mì, khiến chúng ta dễ dàng bị dư thừa năng lượng và từ đó dẫn đến tăng cân, lượng mỡ thừa cũng vì thế mà tăng cao.
Do đó, hiện nay có nhiều người lựa chọn giải pháp cắt giảm tinh bột, tăng lượng đạm và chất béo, đặc biệt là thịt nhằm phục vụ mục tiêu giảm cân. Nhưng khi đánh giá khách quan, một gram tinh bột và một gram chất đạm có giá trị năng lượng tương đương nhau (4 kcal). Bởi vậy, việc ăn quá nhiều thịt cũng vô tình làm năng lượng nạp vào tăng cao khiến kết quả cân nặng không thay đổi.
Bên cạnh đó, khi ăn nhiều thịt, chúng ta còn nạp vào một lượng chất béo no từ động vật, cho dù ăn thịt nạc vẫn có hàm lượng chất béo nhất định tùy loại thịt. dẫn đến những nguy cơ về tim mạch. Bản thân chất béo cũng có mức năng lượng rất cao (một gram chất béo cho 9 kcal) gây mất cân bằng dinh dưỡng và làm tăng cân nhanh chóng.
Do đó, thạc sĩ Tường Vi khẳng định: "Nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân béo phì là năng lượng nạp vào từ ăn uống vượt quá năng lượng cơ thể tiêu hao thông qua các hoạt động thể lực. Tinh bột chỉ là yếu tố chiếm phần lớn trong khẩu phần ăn nên khi giảm cân, chúng ta mới nhắc tới việc cắt giảm chất này".
Thực tế, không phải ai ăn nhiều tinh bột cũng bị thừa cân, béo phì bởi họ vẫn giữ được sự cân bằng năng lượng và đầy đủ các chất trong khẩu phần ăn như đạm, chất béo cũng như tinh bột.
Nguy cơ từ "No-carb" và cách giảm cân khoa học
Theo bác sĩ DZoãn Thị Tường Vi, hiện nay có nhiều người nghe theo các thông tin không chính xác và áp dụng chế độ ăn "Low-carb" sai cách là cắt bỏ hoàn toàn tinh bột dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng đối với sức khoẻ.
Bác sĩ này khuyến cáo: "Trong khẩu phần ăn phải luôn có đủ chất đạm, tinh bột, chất béo, các loại vitamin và khoáng chất để đảm bảo sức khoẻ tốt nhất. Thiếu tinh bột có thể khiến các hoạt động của cơ thể bị ảnh hưởng và gây ra rối loạn chuyển hoá".
Hiểu lầm về chế độ Low-carb là mối nguy hiểm lớn đối với sức khoẻ.
Mọi người cũng không nên ăn quá nhiều thịt để bù lại lượng tinh bột thiếu hụt. Hành động này có thể dẫn đến rối loạn chuyển hoá về chất đạm. Bản thân chúng ta cũng không thể ăn được nhiều chất béo vì cảm giác ngấy, đồng thời còn khiến năng lượng nạp vào tăng nhanh.
Tinh bột có vai trò rất lớn đối với cơ thể khi là nguồn năng lượng chính của các hoạt động hàng ngày. Việc loại bỏ tinh bột còn ảnh hưởng trực tiếp đến não khi đây là yếu tố chính cung cấp oxy cho não bộ.
Thạc sĩ Tường Vi nhận định: "Những người cắt hoàn toàn tinh bột trong chế độ ăn thường có hiện tượng buồn ngủ, chóng mặt, khó chịu và luôn uể oải, khó tập trung do não không được cung cấp oxy".
Chế độ Low-carb bị áp dụng sai cách còn đặc biệt nguy hiểm tới tính mạng với những người có tiền sử rối loạn đường huyết, đái tháo đường,…
Bởi vậy, bác sĩ Tường Vi khuyến cáo những người có ý định giảm cân chỉ nên giảm từ từ lượng tinh bột thay vì cắt bỏ hoàn toàn. Trong chế độ ăn hàng ngày luôn phải cân bằng tỷ lệ giữa các chất. Khi giảm tinh bột, tỷ lệ các chất khác cũng sẽ tăng lên nhưng phải lưu ý việc ăn quá nhiều thịt cũng dẫn đến rối loạn chuyển hoá chất đạm, rối loạn chuyển hoá lipid có nguy cơ gây ra viêm tuỵ cấp, sỏi mật, xơ vữa động mạch,…
Thạc sĩ này khuyên mọi người nên tập cách giảm dần lượng tinh bột theo thời gian, tính toán để đưa mức năng lượng nạp vào về tỷ lệ cân đối, cụ thể. Trong quá trình này, nếu có cảm giác đói thì nên bổ sung thêm nhiều rau xanh và hoa quả ít ngọt.
Mẹo nhỏ để quá trình giảm cân hiệu quả hơn là ăn một bát canh rau trước bữa ăn. Việc làm này khiến rau chiếm một phần diện tích dạ dày, giúp cơ thể hoà loãng dịch vị, bớt cảm giác giác thèm ăn từ đó kiểm soát tốt lượng tinh bột nạp vào.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)