Bước vào cánh cổng bệnh viện với mỗi người không may mắc bệnh đã là một cuộc chiến. Với những ai vào khoa phục hồi chức năng (PHCN) lại là một cuộc chiến dai dẳng mà ở đó mọi liệu trình chữa trị PHCN: đi, đứng, cử động, phục hồi trí nhớ… để trở lại làm một người bình thường là cả một quá trình gian nan, không thể tính ngày một, ngày hai…
Hơn 600 ngày ở Bệnh viện Chỉnh hình & PHCN Đà Nẵng, những bệnh nhân như Nguyễn Duy Lộc luôn nỗ lực để tìm lại sức khỏe sau tai nạn |
1.Tầm đầu giờ sáng, Khoa PHCN, Bệnh viện Chỉnh hình & PHCN Đà Nẵng sau lượt thăm khám kiểm tra tình hình của bác sĩ, các bệnh nhân lại bắt đầu một ngày mới bằng liệu trình phục hồi theo phác đồ của bác sĩ. Ai nấy đều tuân thủ như bắt đầu một ngày lao động bình thường trong cuộc sống. Bệnh nhân nhẹ tự tập, bệnh nhân nặng thì có điều dưỡng hoặc người nhà hỗ trợ tập. Những giọt mồ hôi lặng lẽ đổ xuống, những ánh mắt đầy hi vọng tập trung vào từng cử chỉ, động tác.
Trở về sau giờ tập, Nguyễn Duy Lộc, quê ở Điện Ngọc, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) vẫn tiếp tục tập thêm bằng cách cử động đều đặn đôi bàn chân, tay. Tròn 30 tuổi, nhắc đến nỗi đau đang gánh chịu, đôi mắt Lộc thoáng buồn. “Hôm đó em đi lắp máy lạnh cho khách hàng, đang trên đường về thì không may bị va chạm với một chiếc ô tô”. Câu chuyện của Lộc vỏn vẹn ngần ấy chi tiết, nhưng cú va chạm đó đã khiến cậu bị chấn thương tủy sống, liệt hoàn toàn, ảnh hưởng đến não. Sau 6 tháng nằm trong phòng bệnh điều trị, Lộc được các bác sĩ cho chuyển sang Bệnh viện Chỉnh hình & PHCN. Gần 2 năm nay, mỗi ngày thức dậy với Lộc đều là một cuộc hành trình với nỗ lực tập luyện để hồi phục. Lộc nói: “Mỗi ngày em đều nỗ lực hết sức nhưng ngần ấy thời gian trôi qua, em chỉ có thể cử động tay, tự nâng lên đặt xuống, hai chân bắt đầu có cảm giác chứ chưa thể đứng được”. Lộc buồn bã nhìn những bước chân của người chị gái: “Chị ấy vì em mà bỏ công việc ở Khu công nghiệp Điện Nam Điện Ngọc để theo em hơn 2 năm nay. Vì cha mẹ già, em lại là con út. Chưa kể công, mỗi tháng ở đây tiêu tốn khoảng 15 triệu nữa để thuốc men và ăn uống cho hai chị em. Hôm nào có cơm từ thiện thì đỡ”.
2.Ở một phòng bệnh khác, Phạm Ngọc Tài, 25 tuổi, bị tai nạn giao thông, bị liệt tứ chi. Ông Phạm Thế Duy ở vào tuổi ngoài 60, đi theo chăm con. Ông Duy nói: “Quê tui ở tận xã Phổ An, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Tui theo con cũng đã tròn 20 tháng nay. Ở Bệnh viện Đà Nẵng 2 tháng, chuyển qua Bệnh viện Chỉnh hình & PHCN 18 tháng. Nhờ kỹ thuật viên luyện tập tích cực, tay thằng Tài mới có cảm giác. Người ta nói phải tập tích cực 2 tháng nữa mới có thể nâng tay lên”. Bây giờ, cũng như 600 ngày đã trôi qua, mỗi bữa ông Duy đều đặn đi mua cơm, bón cho con từng muỗng. Ông nói, cứu được con là mừng, giờ bón cơm cho con không phải từng bữa mà có khi còn lâu hơn cả thời Tài còn tuổi chập chững lên ba. Tai nạn để lại di chứng khiến Tài bị thêm chứng mất ngủ. Đôi mắt lúc nào cũng nhìn chằm chằm về khoảng không phía trước. Tài chỉ có cảm giác và bật khóc khi được ba hoặc kỹ thuật viên xoa bóp đôi chân.
Tình trạng bệnh khá hơn nhiều người khác, Võ Như Quốc (25 tuổi, quê Điện Bàn, Quảng Nam) cũng bị tai nạn giao thông, bị giập và phù não, liệt nửa người nhưng qua thời gian tập luyện đã có thể đi lại được và cử động được tay trái. Quốc tập cầm muỗng và cầm bút bằng tay trái để viết và ăn để tiếp tục cuộc chiến một mình trong bệnh viện. Nhưng tận sâu thẳm tâm can, Quốc vẫn nơm nớp nỗi lo làm sao có tiền để có thể lắp một nửa hộp sọ mở ra sau đợt tai nạn, con số thực hiện ca phẫu thuật đó cũng lên tới cả trăm triệu đồng. Nghĩ tới đó, Quốc thở dài: “Bây giờ còn hi vọng thì cứ chờ đợi chứ cái rủi không ai mong tìm đến mình”.
3.Bệnh nhân đến với Bệnh viện Chỉnh hình & PHCN Đà Nẵng mỗi người một cảnh nhưng có chung nỗi đau sau một tai nạn nào đấy khiến cho cuộc chiến trở lại với sinh hoạt thường nhật trước đó trở nên vô cùng khó khăn. Kéo theo đó là nợ nần chồng chất. Họ đến với bệnh viện không chỉ ngày một, ngày hai mà cứ kéo dài từ năm này sang tháng khác. San sẻ nỗi đau với nhau là chuyện đương nhiên.
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Tuệ, Trưởng khoa PHCN, Bệnh viện Chỉnh hình & PHCN Đà Nẵng cho biết, khoa có 10 bác sĩ, 25 kỹ thuật viên, 143 giường bệnh nhưng con số bệnh nhân đến điều trị phục hồi luôn vượt lên 180-200 bệnh nhân nội trú. Những bệnh như tai biến, chấn thương sọ não cần ít là 1 năm; bại não cần đến 3-4 năm mới có thể nói đến chuyện phục hồi. Hiện nay các kỹ thuật như tác động bằng sóng xung kích, ôxy cao áp… hỗ trợ bệnh nhân rất lớn trong điều trị. Tuy nhiên cơ chế bảo hiểm buộc bệnh viện phải cho bệnh nhân ra viện hằng tháng, rồi người nhà phải về quê xin giấy chuyển tuyến, nhập viện khiến gia đình bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Trong khi tập PHCN là khâu rất quan trọng sau phẫu thuật, giúp người bệnh ngăn ngừa teo cứng khớp và cần một thời gian dài để khôi phục sức khỏe.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)