Chuyển giao chương trình đào tạo nghề tiên tiến của nước ngoài để nâng cao chất lượng, đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động trong nước và ASEAN là việc cần làm ngay. Song, chuyển giao nội dung gì, có phù hợp với điều kiện của Việt Nam hay không cũng là điều đáng bàn.
Học sinh THPT xem biểu diễn nghề nấu ăn tại một chương trình tư vấn hướng nghiệp do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức |
Chuyển giao chương trình trọng điểm
Theo kế hoạch của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, đến năm 2019, 13 trường TC-CĐ nghề tại TP có đào tạo nghề trọng điểm quốc gia và ASEAN sẽ được chuyển giao chương trình đào tạo từ Học viện Kỹ thuật Singapore. Với chương trình này, giáo viên sẽ tiếp cận và sau đó đưa vào giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Đây được xem là bước khởi đầu để thay đổi, nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động, đặc biệt trong giai đoạn thừa nhận lao động lẫn nhau trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng Giáo dục dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết từ cuối năm 2017, đại diện sở này và các trường TC-CĐ nghề đã có chuyến khảo sát tại Học viện Kỹ thuật Singapore. Đây là nơi đào tạo nghề có uy tín, được thị trường lao động ASEAN đánh giá cao. Bước đầu tìm hiểu xem chương trình đào tạo của họ có phù hợp với Việt Nam không, các trường còn thiếu gì thì chuyển giao cái đó để tránh lãng phí. “Từ ý kiến tổng hợp của các trường, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã gửi thông tin sang Học viện Kỹ thuật Singapore và mời họ sang khảo sát về điều kiện cơ sở vật chất, con người. Mục tiêu của việc chuyển giao chương trình là để giáo viên đào tạo người học có thể tiếp cận với thị trường lao động ASEAN”, ông Sự nói.
Theo đó, có 9 nghề sẽ được phía Học viện Kỹ thuật Singapore tập huấn cho giáo viên, gồm: điều dưỡng, du lịch, hệ thống và mạng máy tính, an ninh mạng, cơ khí, kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật xây dựng dân dụng, logistics, cơ khí kỹ thuật số và chính xác. Sau đó, chương trình này sẽ được triển khai giảng dạy cho học sinh, sinh viên.
Tại buổi họp bàn về nội dung chuyển giao và thời gian đào tạo tổ chức mới đây, đại diện các trường TC-CĐ nghề cũng đã chỉ ra những yếu kém mà ngành nghề đào tạo cần bổ sung cũng như bỏ những nội dung mà Học viện Kỹ thuật Singapore gợi ý. Ông Nguyễn Chí Dũng (Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật Nghiệp vụ Nam Sài Gòn) cho rằng cần xem lại nghề điều dưỡng bởi mô hình điều dưỡng Việt Nam phục vụ điều trị bệnh, còn mô hình của phía bạn là điều dưỡng chăm sóc. Điều cần nhất của nghề là học và thực hành lâm sàng, đây là cơ sở để nâng cao tay nghề cho người học. Riêng các nghề khác, việc đào tạo của Việt Nam tương đối đáp ứng yêu cầu.
Tương tự, ở ngành du lịch, bà Ngô Thị Quỳnh Xuân (Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn) ý kiến: Cần cân nhắc các nội dung chuyển giao. Cụ thể, chương trình đưa ra thiên về lữ hành, trong khi đó thị trường lao động dịch chuyển trong ASEAN lại cần nhân lực nhà hàng – khách sạn (khách sạn, bếp, buồng, bar…). Trong khi đó, hướng dẫn viên không được dịch chuyển, vì vậy cần có hướng chuyển giao chương trình phù hợp với TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tránh lãng phí
Là đơn vị cung cấp số lượng lớn nhân lực khối kỹ thuật cho thị trường lao động, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) khẳng định việc chuyển giao chương trình đào tạo nghề là cần thiết, đặc biệt là các nghề đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hệ thống mạng máy tính, an ninh mạng, cơ khí kỹ thuật, cơ điện tử… Tuy nhiên, nội dung nào cần thiết mới chuyển giao bởi một số nghề (hoặc nội dung) đang đào tạo về mặt bằng chung là tốt, được thị trường lao động chấp nhận.
“Việc chuyển giao chương trình đào tạo nghề là cần thiết, đặc biệt là các nghề đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hệ thống mạng máy tính, an ninh mạng, cơ khí kỹ thuật, cơ điện tử… Tuy nhiên, nội dung nào cần thiết mới chuyển giao….”, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) khẳng định. |
Ông Phạm Đức Khiêm (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM) cũng gợi ý: “Trong điều kiện kinh tế hạn hẹp, việc chuyển giao phải tính ưu tiên 1-2-3. Theo đó, sẽ ưu tiên chuyển giao chương trình đào tạo các ngành nghề mà TP đang tập trung phát triển như kỹ thuật cơ điện tử, cơ khí kỹ thuật số và chính xác, hệ thống và mạng máy tính…”.
Tương tự, ông Phạm Hữu Lộc (Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng) cũng mong muốn được tiếp cận chương trình chuyển giao mặc dù chương trình đào tạo của trường ở các ngành cơ điện tử, công nghệ thông tin, hệ thống mạng máy tính… rất ổn. Đây là cơ hội để giáo viên có thêm kỹ năng nghề.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) lưu ý các trường cần phải biết mình đứng ở vị trí nào trong khu vực ASEAN. Từ so sánh với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… xem mình còn thiếu cái gì, cần bổ sung cái gì? Các trường không chạy theo mở các ngành tràn lan mà phải xác định, dự báo ngành nào xã hội đang cần để đầu tư. Thực tế năng lực của học sinh, sinh viên Việt Nam còn yếu, mua chương trình đào tạo là để nâng cao tay nghề cho giáo viên và đưa vào giảng dạy trong thời gian tới, dù muộn cũng phải làm.
“Chúng tôi sẽ bàn với các chuyên gia Singapore về nội dung đào tạo 4 nhóm ngành trọng yếu, 9 nhóm ngành dịch vụ… phù hợp với yêu cầu phát triển của TP. Trước mắt Sở LĐ-TB&XH TP.HCM sẽ chọn những giáo viên có trình độ tiếng Anh đạt 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết tốt để mở lớp, chuyên gia của Singapore sang tập huấn”, ông Lâm thông tin.
T.Anh
Bình luận (0)