Nhận thức về học nghề đã có nhiều thay đổi tích cực từ phụ huynh cũng như học sinh. Bằng chứng là những năm gần đây đầu vào một số nghề khắt khe hơn do số người đăng ký học nghề ngày càng tăng, đặc biệt là sau THCS.
Khắt khe hơn ở đầu vào để nâng cao chất lượng đầu ra
Bà Ngô Phương Lan – Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Cơ khí Phương Nam chia sẻ, nếu như những năm trước, cần 3 vị trí công nhân kỹ thuật vào làm việc thì phải cần ít nhất 30 người thực tập để sàng lọc. Hiện nay, số người học TC nhiều, trong số đó đầu vào có học lực khá giỏi cao nên cơ hội để lựa chọn ở đầu ra là không khó. Hơn nữa chất lượng đào tạo của các trường cũng được nâng lên, chương trình đào tạo bám sát doanh nghiệp nên phần lớn là làm được việc ngay mà không phải mất thời gian đào tạo lại, nếu có chỉ cần 1-2 tháng đào tạo kỹ năng đáp ứng với đặc thù công việc.
TS. Đặng Văn Sáng – Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa TP.HCM – cho rằng người học quan tâm đến TC nghề là nhờ cơ hội việc làm luôn rộng mở, bên cạnh đó học nghề sau THCS không phải đóng học phí. Cũng theo ông Sáng, không phải thực hiện đúng cam kết đảm bảo việc làm sau khi ra trường là thu hút học sinh, sinh viên đến với trường nghề mà các em còn đặc biệt quan tâm đến chương trình đào tạo.
Ông Lê Nguyễn Thông Minh – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn – khẳng định, không phải cứ học trung bình, hoặc yếu là vào trường nghề. Gần đây, đầu vào các nghề ở bậc TC, CĐ có khắt khe hơn, cụ thể là điểm các môn tương ứng với nghề phải từ khá trở lên.
Tương tự, đại diện Trường TC Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng cho biết, siết đầu vào là để nâng chất đầu ra. Ở đầu vào năng lực hạn chế thì người học khó mà theo được, đầu ra không được doanh nghiệp chấp nhận. Đây cũng là nguyên nhân khiến các em phải chọn lại nghề, mất thời gian, công sức và tiền bạc.
Nếu như không xảy ra dịch Covid-19, cuối tháng 4 này Phạm Vân Hằng (P.16, Q.8) tốt nghiệp TC nghề cắt may thời trang của Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương và sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia để có cơ hội học liên thông lên CĐ. Hằng cho biết, học nghề sau THCS là con đường mình đã chọn ngay từ đầu. Được biết, Hằng là học sinh giỏi nhiều năm liền, không quá khó để vào một trường THPT thuộc top đầu của TP. Thêm nữa, kinh tế gia đình không phải quá khó khăn.
“Học nghề gì cũng được, miễn là mình yêu thích, nếu không có đam mê thì khó mà theo đuổi đến cùng. Học là để có nghề, có công việc, còn bằng cấp CĐ hay ĐH có thể học liên thông trong thời gian đi làm cũng không muộn”, Hằng chia sẻ.
Ông Hà Xây – Phó Hiệu trưởng Trường TC nghề Quang Trung – cũng đồng tình việc chất lượng đầu vào ở một số trường TC nghề ngày càng được nâng lên chứ không như trước đây nhờ nguồn tuyển khá dồi dào. Với các em có học lực khá, giỏi học nghề cũng là một lợi thế và giáo viên cũng nhẹ nhàng hơn.
Ông Đặng Minh Sự – Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM – nhìn nhận, nhận thức về học nghề trong xã hội đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận xem nhẹ, có cái nhìn lệch lạc ảnh hưởng đến công tác phân luồng, hường nghiệp học sinh sau trung học.
“Cần phải thay đổi nhận thức về GDNN ngay trong nhà trường, cụ thể là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên hướng nghiệp. Có một thực tế lâu nay là ngay cả giáo viên “mặc định” rằng học yếu mới vào trường nghề. Một số em không có thế mạnh ở nghề này nhưng lại có nhiều thế mạnh ở nghề khác. Vì vậy, công tác tư vấn, hướng nghiệp ngay từ đầu cho các em là cực kỳ quan trọng. “Mạnh dạn lựa chọn một nghề để khẳng định mình, không nhất thiết phải học trường này, trường kia.
Để đảm bảo cung cấp lao động có chất lượng cho thị trường, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH – đề nghị các trường phải khắt khe hơn ở đầu vào và “siết” ở đầu ra. Trong thời gian tới, cần xây dựng tiêu chí đầu ra ở một số nghề, trong đó có ngoại ngữ.
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)