Học sinh trải nghiệm văn hóa ở Bến Tre
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận và giao lưu với các nền văn hóa khác của thế giới để làm giàu và khẳng định bản sắc của mình. Song, hiện nay các loại hình nghệ thuật cổ truyền, những giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức, bởi lẽ nền kinh tế thị trường đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có cả đời sống tinh thần. Một dân tộc nào đó sẽ không còn là chính mình nếu đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Ý thức được điều đó, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) trong 4 năm gần đây luôn đặt tiêu chí giáo dục học sinh thông qua những chuyên đề văn hóa truyền thống của dân tộc, qua các buổi giao lưu biểu diễn đờn ca tài tử hay những chuyến đi ngoại khóa tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại TP.HCM dành cho học sinh khối 12.
Học sinh và giáo viên trong trải nghiệm tìm hiểu về nghệ thuật cải lương
Trong năm học 2019-2020, Trường THPT Nguyễn Du tiếp tục các hoạt động giáo dục văn hóa cho học sinh, phối hợp cùng ĐH Quốc tế Hồng Bàng tổ chức chuyên đề “Giáo dục văn hóa trong trường phổ thông” gồm hai phần, mỗi phần có dung lượng 70 tiết, thực hiện xuyên suốt 35 tuần của năm học. Trong đó, một phần là Giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh và một phần là Giáo dục văn hóa hiện đại. “Với quan điểm hội nhập nhưng không hòa tan, nhà trường dạy văn hóa truyền thống để các em bảo tồn và phát huy, đồng thời dạy văn hóa hiện đại cho các em thích nghi, hướng đến sự hài hòa, dung hòa giữa cái xưa và nay chứ không thể để cho lối sống lai căng hiện nay chiếm ưu thế”, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh. Chia sẻ thêm về ý tưởng đưa chuyên đề giáo dục văn hóa vào giảng dạy trong nhà trường, thầy Phú cho biết, trước thực tế hàng năm tại nhà trường có cả trăm học sinh đi du học nước ngoài, nếu như đi ra bên ngoài mà các em không biết về bản sắc văn hóa của người Việt thì đó là một sự thua thiệt rất lớn, vì thế ngoài việc dạy kiến thức, kỹ năng, chúng ta cần phải trang bị vốn văn hóa để học sinh có được nhận thức, tư duy, đồng thời cũng chính là đại sứ văn hóa cho Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, hiện nay đạo đức của giới trẻ đang có chiều hướng xuống cấp với những tác động từ nhiều phía, làm cho các em sống ảo, sống vội, những giá trị văn hóa truyền thống dần bị mai một. Vì thế nhà trường mong muốn việc giảng dạy nhằm mục đích cung cấp cho học sinh kiến thức về các giá trị cũng như quy tắc văn hóa truyền thống lẫn hiện đại, phân tích và đánh giá được giá trị, vai trò của văn hóa trong đời sống hiện nay, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh thực tập xử lý các tình huống liên quan đến chuẩn mực văn hóa. Một học sinh lớp 10A7 cho biết: “Mỗi tuần chúng em được học một chuyên đề với thầy cô là những người có học thức uyên thâm, rất am hiểu về các lĩnh vực của văn hóa truyền thống, đem đến cho chúng em thêm nhiều kiến thức bổ ích và thú vị. Trong số các báo cáo viên như PGS.TS Lê Khắc Cường, PGS.TS Nguyễn Văn Kha, TS. Ðỗ Xuân Biên, TS. Võ Sông Hương… em rất thích cách nói chuyện, chia sẻ của cô Võ Sông Hương. Cô có một giọng đẹp, truyền cảm, và hơn hết cô có một tấm lòng vì nghệ thuật của dân tộc, là mẫu người phụ nữ giữ gìn phẩm chất đạo đức, vun vén hạnh phúc gia đình. Em mong muốn thầy cô dạy văn hóa không chỉ trình bày tiến trình lịch sử hình thành và phát triển một cách hàn lâm, mà làm sao để chúng em cảm thấy tiết học văn hóa thật gần gũi, hào hứng trong từng tiết học như đón nhận món quà từ thầy cô đem đến”.
Học sinh tham gia chuyên đề “Dạy văn hóa trong trường phổ thông” tại trường
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ về văn hóa truyền thống uống nước nhớ nguồn qua chuyên đề “Mẹ yêu”
Trong chuỗi hoạt động giáo dục văn hóa, vừa qua thầy cô và gần 1.000 học sinh Trường THPT Nguyễn Du đã được thưởng thức vở diễn “Cải lương – Trăm năm nguồn cội” tại Nhà hát Bến Thành, với sự góp mặt của các nghệ sĩ gạo cội như NSND Bạch Tuyết, NSND Việt Anh, NSƯT Quế Trân, NSƯT Ngọc Đợi, nghệ sĩ Điền Trung, Trinh Trinh, Minh Đức, Thành Tây… Qua những trích đoạn cải lương kinh điển, những tác phẩm có ý nghĩa cột mốc mang tính đại diện tiêu biểu cho tinh hoa của cải lương trong một thế kỷ vừa qua, cả thầy và trò được trầm mình trong những mốc son của nền nghệ thuật cải lương nói riêng và những giai đoạn của lịch sử đất nước nói chung. Đây thật sự là một hoạt động học tập văn hóa rất ý nghĩa và thiết thực cho học sinh. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết nghệ thuật cải lương chắt lọc lời hát từ kho tàng ca dao, từ những vần thơ điệu ru đã ngấm vào máu thịt. Xem cải lương để yêu dân tộc mình hơn, để thấy hào khí của cha ông từ thuở 4.000 năm trước, đó cũng là cách giáo dục đạo đức hữu hiệu cho tuổi trẻ hôm nay. Như lời bài hát Tình ca của cố nhạc sĩ Phạm Duy: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi! Tiếng ru muôn đời…” được cất lên trong khung cảnh làng quê hiền hòa với những bộ áo dài, những đôi guốc chân quê mộc mạc… là những hình ảnh quá đỗi thân thuộc đã ăn sâu vào cảm thức của người Nam bộ, còn vẹn nguyên những cảm xúc lâng lâng khó tả và có chút gì đó lắng lòng. Giáo dục văn hóa không chỉ là trách nhiệm của nhà trường và cơ quan ban ngành các cấp, mà cần lắm sự chung tay của xã hội để tiếng ru ầu ơ vẫn còn nuôi dưỡng, vun đắp tuổi thơ, để những chủ nhân tương lai của đất nước bước ra từ cái nôi của gia đình sẽ giữ mãi hồn quê hương, là nhu cầu tìm về cội nguồn dân tộc. Yêu tiếng nói dân tộc, yêu nghệ thuật của cha ông cũng là cách để giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, từng nét văn hóa, phong tục tập quán của quê hương…
Thanh Phúc
Bình luận (0)