Tròn 33 năm “cắm bản” ở xã miền núi Trà Tập (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), cô giáo Nguyễn Thị Hoạt vẫn quyết định tình nguyện tiếp tục đến trường sau khi được nghỉ hưu theo chế độ. “Vì yêu mà ở lại, ngày nghỉ hưu lần thứ 2 tôi nhường cho các em học trò nơi đây quyết định, chừng nào đôi chân tôi mỏi, không còn sức để leo núi đến trường”, cô Hoạt cười thật hiền, chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoạt và học trò
Thanh xuân gắn bó với vùng cao
“Đường từ thị trấn Bắc Trà My lên xã Trà Tập ngày đó phải đi từ 3 giờ sáng, đường sá chông chênh, đến nơi trời đã tối mịt. Cũng có hôm đến xã Trà Mai phải xin bà con ngủ lại qua đêm, sáng hôm sau mới gọi được đò ngang sang sông Tranh để đến trường”, cô Hoạt bắt đầu câu chuyện về những tháng năm lên với học trò vùng cao hơn 30 năm về trước.
Năm 1990, cô giáo sinh trẻ Nguyễn Thị Hoạt, quê ở thị trấn Bắc Trà My nhận quyết định về với học trò Trường PTDTBT TH Trà Tập. Trong ký ức của cô, đường từ quê đến nơi công tác chỉ vài chục cây số nhưng đó là một quãng đường vô cùng nhọc nhằn. “Nhiều bữa xe đò hỏng giữa đường, cả khách lẫn tài xế hì hụi đẩy. Những ngày nước sông Tranh dâng cao, chảy xiết do mưa nguồn, việc qua về rất nguy hiểm. Hầu hết phải xin ở lại nhà dân, đợi nước êm mới đến được trường. Có lần đò ngang sông đến giữa dòng thì chết máy, đò trôi một khúc dài trong khi tôi đang lên cơn sốt rét rừng. Đận đó cứ nghĩ mình không biết bơi thế là hết, khi chạm chân được vào bờ mới biết chỉ có sự may mắn mới giúp mình thoát nạn. Một lần khác tôi đang dạy học thì lặng người khi hay tin một đồng nghiệp sang sông dạy ở điểm trường Tu Nương không may bị đuối nước. Hai vợ chồng cùng chính quyền xã, các đồng nghiệp dốc sức cả tuần để tìm kiếm”, giọng cô Hoạt trầm buồn kể.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoạt tiếp tục đứng lớp vì học trò vùng cao sau khi nghỉ hưu
Ngày đó, trường lớp còn thiếu thốn nhiều thứ. Phòng công vụ làm bằng tre nứa lá, ngăn đôi vách nứa làm chỗ ở cho giáo viên nam và nữ. Ở Trà Tập đa phần là đồng bào Ca Dong sinh sống. Ngoài giờ dạy chữ, cô Hoạt trở thành học sinh của bà con. Kẹp theo cuốn vở và cây bút, cô đến tận từng nhà học sinh thăm hỏi, nắm bắt tình hình đồng thời học tiếng của đồng bào để tiện cho việc giảng dạy của mình. “Học sinh đồng bào vừa đến trường chưa thạo cách diễn đạt bằng tiếng Việt, giáo viên phải lồng ghép tiếng đồng bào để giảng cho các em dễ hiểu. Học tiếng rồi còn học cả phong tục tập quán nữa để ứng xử với bà con và xử lý những tình huống học trò nghỉ học lâu ngày do các hủ tục lạc hậu”, cô Hoạt nói.
Thầy Lê Huy Phương – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Trà Tập bày tỏ: “Lương dành cho giáo viên hợp đồng khá thấp nhưng cô Hoạt vẫn rất nhiệt tình. Nhiều năm làm công tác quản lý ở đây, tôi hiểu, cô Hoạt có một tình thương học trò và yêu mảnh đất này rất đặc biệt. Tôi nghĩ, chỉ có tình yêu mới giúp cô gắn bó lâu dài”. |
Không lâu sau khi đến “cắm bản” ở Trà Tập, cô Hoạt được bà con xem như người thân, họ hàng. Trong làng có ai cần viết đơn, thư… đều tìm đến cô nhờ viết hộ. Cô cũng không ngại chia sẻ thêm với bà con về các thông tin, việc phát triển kinh tế. Cô Hoạt bảo, ban đầu cũng chỉ nghĩ sẽ đến Trà Tập một thời gian theo nghĩa vụ, nhưng ba năm sau đó ý nghĩ ấy không còn xuất hiện nữa, thay vào đó mỗi lần nghĩ đến cảnh rời đi là lòng lại nôn nao. “Phần thì mình đã gắn bó quen với cuộc sống mới ở đây, phần khác cứ nghĩ bà con và học sinh còn cần mình mà mình đi thì không đành. Thế là ở lại, quyết định lập gia đình. May mắn, người bạn đời của tôi cũng rất ủng hộ, cả hai vợ chồng coi Trà Tập như quê hương thứ 2, quê hương nơi các con mình cất tiếng khóc chào đời, cuống nhau chôn lại chốn này”.
Sẽ nghỉ hưu lần 2 khi đôi chân không còn sức
Hai năm trước, cô Hoạt nghỉ hưu theo chế độ sau hơn 30 năm dìu dắt bao thế hệ học trò ở Trà Tập. Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc. Nhận được lời đề nghị của Ban Giám hiệu nhà trường trong bối cảnh trường thiếu giáo viên, không hợp đồng được giáo viên, cô ở lại tiếp tục việc dạy học. Để bắt nhịp với Chương trình giáo dục phổ thông mới, cô nhờ sự hỗ trợ của Ban Giám hiệu, các đồng nghiệp trẻ trong tiếp cận với công nghệ 4.0. “Tuy có khó khăn đôi chút vì tuổi tác nhưng tôi tranh thủ thêm thời gian nghỉ ở nhà để tìm tòi, đọc tài liệu hướng dẫn, cùng với đó tham khảo các buổi tập huấn để bồi dưỡng thêm kiến thức”, cô Hoạt cho biết.
Với bề dày kinh nghiệm dạy học, cô đảm nhận dạy lớp 3. Tận tâm và nhiệt tình với công việc, cô luôn gần gũi học trò, tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh từng học sinh để kịp thời sẻ chia. Thầy Lê Huy Phương – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Trà Tập bày tỏ: “Lương dành cho giáo viên hợp đồng khá thấp nhưng cô Hoạt vẫn rất nhiệt tình. Nhiều năm làm công tác quản lý ở đây, tôi hiểu, cô Hoạt có một tình thương học trò và yêu mảnh đất này rất đặc biệt. Tôi nghĩ, chỉ có tình yêu mới giúp cô gắn bó lâu dài”.
Tuần trước, lần đầu tiên mạng internet được kéo về tận Trường PTDTBT TH Trà Tập, rồi chiếc giếng khoan nước sinh hoạt cho học trò sau cả tuần lễ với nhiều mũi khoan sâu gần trăm mét thăm dò cuối cùng đã dẫn được nguồn nước mát phun trào lên mặt đất, thầy trò nhà trường vui như mở hội. Cô Hoạt có mặt từ rất sớm, dặn dò học sinh cẩn trọng trong việc tắm sông, suối để một mùa hè được an toàn. “Tròn 33 năm ở lại Trà Tập, hôm nay có lẽ là ngày vui trọn vẹn nhất của tôi. Từ nay, các em học trò có thêm điều kiện để học tập, tiếp cận với các nguồn tư liệu thông qua mạng internet và có thêm cả nước sinh hoạt thay vì mùa khô phải vất vả đi ra sông, suối rất xa để tìm nước. Các đồng nghiệp của tôi cũng sẽ bớt vất vả hơn trong các bài giảng”, cô Hoạt chia sẻ.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)