Hội nhậpThế giới 24h

Lời cảnh báo từ những cú sốc khí hậu

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều vùng đất trù phú của thế giới đang rơi vào tình thế hiểm nghèo bởi sự thay đổi khốc liệt của khí hậu

Một báo cáo công bố hôm 5-5 từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết khoảng từ 800.000 đến 3 triệu người Brazil có thể rơi vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2030 do những cú sốc khí hậu. Báo cáo đề cập dữ liệu nghiên cứu từ Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) cho thấy khí hậu Brazil có thể sớm đạt đến một giới hạn nguy hiểm mà nếu vượt qua nó, lưu vực sông Amazon sẽ không còn đủ lượng mưa để duy trì hệ sinh thái, bảo đảm nguồn cung cấp nước và lưu trữ carbon.

Trong trường hợp cực đoan nhất, với sự kết hợp của biến đổi khí hậu, phá rừng và mở rộng đồng cỏ, thiệt hại tích lũy lên GDP của Brazil là 184 tỉ USD vào năm 2050, tương đương 9,7% GDP hiện tại của nước này.

Đời sống của người Brazil sẽ liên tục bị gián đoạn bởi các sự kiện thời tiết cực đoan như lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng, gây tác động lớn lên kinh tế – xã hội, hậu quả nghiêm trọng nhất đè nặng lên các lĩnh vực nông nghiệp, cấp nước, thủy lợi và thủy điện. Điều này có thể nhận thấy ngay bây giờ, với lở bùn và lũ lụt lớn do mưa khốc liệt đã trở nên phổ biến ở Brazil trong những năm gần đây.

Lời cảnh báo từ những cú sốc khí hậu - Ảnh 1.

Những cây dâu tây khô ở Almonte hôm 25-4, một trong những khu nhà kính bao quanh Công viên quốc gia Donana – Tây Ban Nha, vốn đang cạnh tranh nguồn nước ngày càng cạn kiệt với khu bảo tồn thiên nhiên. Ảnh: Reuters

Vùng đất trù phú ở Brazil không phải ví dụ duy nhất về cách mà biến đổi khí hậu có thể tàn phá một vùng đất nhanh chóng và khốc liệt. Một báo cáo mới cho thấy vùng đất ngập nước Donana ở Tây Ban Nha, từng là vùng canh tác trù phú trong nhiều thập kỷ, đồng thời là "thiên đường của động vật hoang dã", đang rơi vào thế hiểm nghèo.

 Công viên quốc gia Donana nằm trên một khu dự trữ nước ngầm 2.700 km2 nhưng các đầm phá tuyệt đẹp của nó đang bị cạn kiệt do hạn hán kéo dài và thời tiết nóng hơn khiến tầng nước ngầm bị thu hẹp.

Tình hình càng tồi tệ khi nó đang được bao quanh bởi một biển nhà kính và hệ thống dẫn nước phức tạp, nhiều giếng khoan trái phép, dẫn đến sự cạnh tranh về nguồn nước chưa từng có giữa tự nhiên và những chủ nông trại cũng đang khốn khổ vì thiếu nước. Các nhà khoa học Tây Ban Nha đang kêu gọi các chính sách giảm sự phụ thuộc vào nước tại những khu vực này để ưu tiên bảo tồn thiên nhiên.

Một cú sốc khí hậu khác cũng đang giáng xuống Rwanda – quốc gia Đông Phi từng có khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ nhưng đã hứng chịu thời tiết thất thường gia tăng trong những năm qua.

Một trận mưa lớn kéo dài từ ngày 2-5 đã gây ra lũ lụt và sạt lở thảm khốc, tính đến ngày 4-5 đã có 130 người chết, hàng chục người bị thương và một số người mất tích. Số người thiệt mạng có thể còn tăng vì theo Thủ tướng Rwanda Edouard Ngirente, trong cuộc khảo sát thực địa hôm 4-5, một số thi thể vẫn còn bị vùi trong bùn.

Với bản đồ các quốc gia hứng chịu những cú sốc khí hậu ngày càng mở rộng, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng để làm chậm đi biến đổi khí hậu đang là mục tiêu chính. Trong báo cáo của mình, WB hối thúc Brazil đẩy nhanh việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, vốn đã chiếm gần một nửa nguồn cung năng lượng của nước này và vẫn còn nhiều tiềm năng nhưng sẽ cần kinh phí.

"Để tận dụng tối đa tiềm năng, Brazil sẽ cần các khoản đầu tư ròng tương đương 0,5% GDP mỗi năm, từ nay đến năm 2050" – ông Johannes Zutt, Giám đốc quốc gia của WB tại Brazil, cho biết. 

Theo Anh Thư/NLĐO

 

Bình luận (0)