Bây giờ, ở mọi cuộc gặp gỡ, nếu đề tài rác được khơi ra thì khó mà dừng lại bởi ai cũng có chuyện để góp vào.
Chuyện mấy con rạch nước đen gần nhà anh nọ luôn lềnh bềnh bao nylon, thùng xốp, bốc mùi hôi thối không chịu nổi. Chuyện cả khu phố nhà chị kia hô hào phân loại rác mà vẫn chỉ trông chờ vào một người đàn ông khuyết tật mỗi tuần vài ba lần gom rác đem đi.
Chuyện có một thanh niên đi dọc Việt Nam chụp những 3.000 tấm ảnh kinh hoàng về rác. Chuyện một du khách nước ngoài vì quá sốc trước những đống rác cao ở bãi biển xinh đẹp Nha Trang nên đã nhào vô dọn rác nhưng dọn hai ngày không xong, phải gọi bạn bè trợ giúp…
Túi nylon vương vãi khắp nơi. Ảnh: Thành Hoa
Hiện nay, rác là nguyên nhân hàng đầu khiến các điểm du lịch mất khách. Các nhà điều hành tour cho biết nếu trước kia du khách nước ngoài thường than phiền về chất lượng dịch vụ, về nạn kẹt xe, thì nay, chính rác mới là mối phiền hà hàng đầu của họ.
Vì đâu rác thải ngày càng nhiều và quá bừa bãi? Do ý thức người dân kém, bạ đâu vứt đó. Do một lượng không nhỏ là rác nhựa, bao nylon. Do nhà kinh doanh muốn cho tiện, muốn giảm chi phí, nên cứ dùng đồ nhựa thay vì sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, tệ hơn nữa là né tránh các quy định xử lý chất thải…
Và cũng còn do quy định và thực thi chế tài vi phạm chưa đủ mạnh. Trong cuộc chiến chống rác hôm nay. Phải chăng nên ưu tiên những biện pháp răn đe như phạt tiền thật nặng, có thể lên đến hàng triệu đồng đối với cá nhân vi phạm; với doanh nghiệp vi phạm thì buộc ngưng hoạt động, rút giấy phép, phạt tù người đứng đầu; phạt nặng các cửa hàng, siêu thị sử dụng túi nylon…
Cách nay khoảng mười năm, tôi có thời gian hơn nửa năm sống ở Ấn Độ. Tại các thành phố, nhiều siêu thị, thậm chí là các cửa hàng tạp hóa nhỏ chỉ sử dụng túi giấy để đựng hàng. Kể từ năm 2003, một số bang ở nước này đã cấm sản xuất, bán và sử dụng túi nylon. Vào năm ngoái, tờ Vneconomy dẫn nguồn từ Washington Post cho biết Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm sử dụng túi nylon, đồ nhựa trong kinh doanh, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền đến 366 đô la Mỹ; tái phạm sẽ bị phạt tù.
Thực tế, Ấn Độ vẫn là nước có nhiều rác nhưng lượng nhựa sử dụng tính trên đầu người chỉ 11 ki lô gam/năm. Trong khi đó, số liệu từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết mức tiêu thụ sản phẩm nhựa của mỗi người Việt là 41 ki lô gam/năm, đã tăng thêm 37,2 ki lô gam so với năm 1990.
Hiện nay, dễ thấy thói quen tiêu dùng của nhiều người Việt như sau: sáng ăn xôi đựng trong hộp xốp, uống ly cà phê đựng trong ly nhựa; trưa dùng cơm hộp (hộp nhựa hoặc hộp xốp) được giao tận nơi; chiều uống ly trà sữa, trà đào cũng trong ly nhựa… Tất cả những thứ này đều được đựng trong túi nhựa mỏng…
Thiết nghĩ với thực trạng rác thải nhựa phủ kín khắp nơi, những lời kêu gọi hay cách thức phạt “giơ cao đánh khẽ” không còn phù hợp nữa mà cần phải thẳng tay “đánh thật”, “đánh mạnh” mới mong có thể thắng trong cuộc chiến với… rác!
Lam Khánh/TBKTSG
Bình luận (0)