Chúng tôi đến Bản Giốc vào chớm thu chưa có lá phong đỏ, những con đường mòn quanh triền núi thiếu hoa nhưng với chúng tôi, được ngắm thác, được đứng bên cột mốc chủ quyền quốc gia, đặc biệt là chứng kiến người dân bản địa cùng nhau giữ gìn từng tấc đất biên giới là quá đủ cho một chuyến hành trình Đông Bắc.
Thác Bản Giốc
Đưa chúng tôi về phòng, em gái người Tày phục vụ buồng khách sạn Sài Gòn – Bản Giốc nói: “Anh may mắn được đến thác Bản Giốc thời điểm này, nước nhiều và đẹp lắm. Đến đây ngắm thác mà không có nước thì xem như chưa đến Bản Giốc. Đây cũng là dịp thác phô diễn hết vẻ đẹp vốn có của nó theo cách cảm nhận riêng của mỗi người”.
Đêm nghe tiếng nước đổ
Từ huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) mất một ngày di chuyển qua nhiều cung đường đèo dốc hiểm trở, bên vực bên núi cheo leo mệt đứ đừ nhưng tôi và anh bạn cùng phòng quyết cùng thức để được tận hưởng cái đẹp hoang sơ rừng rú – theo lời em gái phục vụ buồng.
Bà Ấu chia sẻ về công việc góp phần bảo vệ biên giới
Tính quãng đường chim bay, nơi chúng tôi nghỉ đến thác khá xa nhưng nửa đêm về sáng tiếng nước đổ ầm ào càng rõ hơn. Từ tầng cao nhất của khách sạn, không nghe tiếng động cơ xe máy, không có tiếng gà rừng gáy sáng, chỉ có tiếng nước chảy. Ly cà phê vừa cạn cũng là lúc trời mờ sáng, nhìn về dãy núi đá vôi phía trước mờ ảo cứ ngỡ là sương nhưng thật ra đấy là những tầng bụi mù hơi nước dày đặc bay lên từ thác Bản Giốc đổ xuống con sông Quây Sơn.
Điểm tâm xong, chúng tôi di chuyển bằng đường bộ hơn 1km rồi cũng đến chân thác, ở đó mới thấy được cái đẹp mộc mạc, hoang sơ, quyến rũ mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Đến nơi, dường như ai cũng muốn thời gian ngừng lại để trút bỏ mọi phiền muộn, thả hồn tận hưởng những màn sương nước mát lạnh đến ngất ngây.
Sông Quây Sơn
Ông Lê Chí Hùng (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) lần đầu tiên đặt chân đến Bản Giốc cho biết cảm giác của ông rất đỗi tự hào vì Việt Nam có một dòng thác đẹp, hùng vĩ đến vậy. Đến đây không chỉ để ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn để hiểu hơn những hy sinh, mất mát mà người dân, cán bộ, chiến sĩ vất vả hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới qua các thời kỳ. “Lần này, tôi đưa cả con cháu lên đây với mục đích cho chúng hiểu rõ hơn về những bài học lịch sử, qua đó giáo dục lòng yêu nước, yêu thiên nhiên”, ông Hùng chia sẻ.
Trong khi đó, chị Nguyễn Khánh Loan (sinh sống tại Texas, Mỹ) cho biết đã hai lần đến với thác Bản Giốc, song cảm xúc lần sau vẫn vẹn nguyên như lần đầu. Chị bảo, được đứng ôm cột mốc chủ quyền thứ 53 nằm trên đường biên giới Việt – Trung như được ôm cả đất Việt thiêng liêng. “Tôi sẽ chia sẻ hình ảnh về thác, về con người nơi đây với cộng đồng người Việt ở Mỹ. Dịp hè năm sau, chúng tôi sẽ trở lại nơi này”, chị Loan quả quyết.
Góp sức bảo vệ biên giới
Cảm xúc của du khách lần một, lần hai về với Bản Giốc là thế, còn đối với người dân địa phương thì luôn dữ dội – chị Nông Thị Xuyến (xã Đàm Thủy) thổ lộ. Những năm lên 6 lên 7, ngày nào bà cũng được cha đưa ra rẫy bắp nằm sát con sông Quây Sơn để trồng tỉa, bắt cá suối. Hơn 40 năm rồi, dù trải qua nhiều binh biến nhưng thác vẫn vậy với vẻ đẹp nguyên sơ hiếm có.
Sương nước bao phủ dãy núi đá vôi ở khu vực thác Bản Giốc
Con cá suối, trái bắp, rau rừng… nuôi chị Xuyến lớn, rành ngọn nguồn từng con suối, nhánh sông, hiểu rõ văn hóa, nếp sống của người dân tộc Tày, Nùng nên chị Xuyến được du khách nước ngoài, đặc biệt là giới phượt xem là “cuốn cẩm nang” du lịch, văn hóa của địa phương.
“Thu nhập không là bao, chủ yếu từ tấm lòng của du khách, chúng tôi không đòi hỏi nhưng được làm công việc này tôi hạnh phúc lắm, như đã góp một phần nhỏ bé vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa cũng như bảo vệ biên cương Tổ quốc”, chị Xuyến nói.
Bà Nông Thị Ấu (hơn 80 tuổi, ngụ cùng xã) sống bằng nghề cho thuê chiếu, bạt tại thác Bản Giốc cũng được xem là “bảo tàng sống” của địa phương. Bà cho biết, sau 1979, thuyền bè của hai bên đi lại không còn tự do như trước vì con sông Quây Sơn cũng bị chia cắt. Chỉ tay về phía những chiếc bè đưa khách tham quan cận thác, bà nói: Thuyền bè có mái màu đen là của Trung Quốc, còn màu xanh là của Việt Nam. Thuyền bè bên này không được cập bên kia và ngược lại.
Thác phụ Bản Giốc Thác Bản Giốc là một trong những dòng thác đẹp của Việt Nam nằm trên đường biên giới Việt – Trung thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đây còn là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và là thác nước lớn thứ 4 của thế giới nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia sau thác Iguazu giữa Brasil – Argentina (Nam Mỹ); thác Victoria nằm giữa Zambia – Zimbabwe (châu Phi) và thác Niagara giữa Canada và Mỹ (Bắc Mỹ). |
Là một trong số ít nhân chứng sống của sự kiện 1979, bà Ấu cho rằng đó là thời khắc ác liệt nhất, đau thương mất mát bao trùm nhưng bà con Tày, Nùng chúng tôi chưa bao giờ khuất phục. “Mỗi người có một việc làm cụ thể cùng nhau góp sức bảo vệ. Riêng tôi cho thuê chiếu, bạt không chỉ để mưu sinh mà còn là để giữ cây vối trên mảnh đất bao năm sinh sống, giữ từng tấc đất trồng lúa đang vào mùa thu hoạch”, bà Ấu nói.
Người ta ví von, thác Bản Giốc như cô gái kiêu kỳ, nét kiêu sa choáng ngợp say đắm nhưng với tôi, thác như một cột mốc chủ quyền thiêng liêng sừng sững, dù có thế nào thì nó vẫn luôn trong trái tim người Việt.
T.Anh
Bình luận (0)