Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tạo động lực không phải bằng tiền

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, đoạn clip ghi lại cảnh một cô giáo dạy ở một trường THCS tại TP.HCM “thưởng tiền” cho học sinh (HS) đạt điểm cao trong kỳ kiểm tra đã dấy lên những dư luận trái chiều. Nhiều ý kiến tán thành, cho rằng đây là một sáng kiến rất thú vị, kích thích sự ham học của HS. Tuy nhiên, một số ý kiến nói việc “thưởng tiền” cho HS của cô giáo là đang làm hư các em, vô hình biến việc học thành “trao đổi, bán mua” ngay trong nhà trường. Xa hơn, có thể ảnh hưởng đến việc hình thành nên nhân cách, sai lệch định hướng, mục đích học tập của HS.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thiện Toàn, việc cô giáo dùng tiền thưởng cho HS, mục đích là tốt nhưng hình thức thực hiện của cô thì chưa được đúng. Dưới góc độ giáo dục, hình thức này có thể sẽ khiến các em bị chi phối bởi đồng tiền. Vô hình trung định hướng các em theo sự phát triển, phấn đấu sai lệch rằng mình phải học tốt để sau này mình có nhiều tiền. Đồng thời, tập cho các em sự đòi hỏi, các em càng lớn lại đòi hỏi càng nhiều về sự trao đổi qua lại. Có thể ảnh hưởng đến tính cách, nhân cách của trẻ. Từ đó, vô hình trung cho ra ngoài đời một lứa HS bị chi phối bởi đồng tiền.

Bên cạnh đó, ông Toàn cho biết việc lấy tiền để khuyến khích HS trong học tập cũng đi ngược lại với phương châm của giáo dục trong nhà trường và ngay cả trong gia đình. Hình thức này không nên nhân rộng, muốn khuyến khích các em thì có thể đổi thành hình thức uyển chuyển hơn như bằng ly trà sữa, cuốn sách, cây viết… Nhìn xa hơn là việc khen thưởng cho HS trong nhà trường cũng cần phải nhìn nhận cho đúng đắn, không nên thương mại hóa hình thức khen thưởng.

Từ góc độ giáo dục, bà Tô Thụy Diễm Quyên (chuyên gia giáo dục toàn cầu) cho rằng dùng tiền để thưởng cho HS đạt điểm cao là hành vi phi sư phạm. Hành vi này lâu dần các em sẽ hình thành thói quen, muốn được tiền thì học giỏi, ngừng thưởng tiền thì ngừng cố gắng, ngừng phấn đấu. Người giáo viên ở đây đang cố gắng tạo động lực cho HS nhưng việc dùng tiền để thưởng cho các em lại như một cách “bán, mua” điểm số. “Để HS yêu thích vệc học và tạo động lực cho các em phấn đấu, người giáo viên cần phải chỉ ra được mục tiêu, tạo ra sự thách thức, đối kháng với các em và có sự đánh giá định tính thường xuyên trước những cố gắng của các em”, bà Quyên nhấn mạnh.

Y.Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)