Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần ngăn chặn nạn bạo hành HS

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành học sinh do thầy cô gây ra khiến cả xã hội bất an, lo lắng. Cần phải làm gì để ngăn chặn nạn bạo hành học sinh trong nhà trường?

Theo tác giả, nhà giáo phải là người giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm sư phạm, sống tình cảm, độ lượng… Trong ảnh: Giáo viên ân cần cầm tay hướng dẫn học sinh lớp 1 tập viết chữ – hình ảnh đẹp của nhà giáo. Ảnh: Y.Hoa

Giáo dục bằng bạo lực

Dư luận xã hội đang dậy sóng trước sự việc cô giáo T. ở Trường THCS xã Duy Ninh (Quảng Bình) ra lệnh cho học sinh học cùng lớp 6 tát vào mặt em N. đến 231 cái vì lỗi nói tục. Trước đó, dư luận cũng từng xôn xao vì một số vụ việc tương tự khác, như vào tháng 9-2016, cô giáo H. dạy lớp 10 Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội) cho hai nam sinh tát nữ sinh M. cùng lớp đến 11 cái do lỗi nói bậy. Tiếp theo, tháng 12-2016, tại Trường Tiểu học Ninh Sở (Hà Nội), cô giáo chủ nhiệm T. cho 42 học sinh lớp 4 lên bảng tát bạn L. cùng lớp vì lỗi chửi bạn. Ngoài ra, trong học đường cũng từng diễn ra những vụ giáo viên bạo hành học sinh gây rúng động dư luận như vụ cô giáo H. ở Trường Tiểu học An Đồng (Hải Phòng) ép học sinh A. (lớp 3) uống nước giặt giẻ lau bảng vì lỗi nói chuyện riêng trong giờ học vào tháng 3-2018. Hoặc trước đó là vụ cô L. (giáo viên tiếng Anh lớp 7 Trường THCS Hoa Liên, Hà Tĩnh), vào tháng 4-2003 đã bắt 47 học sinh phải liếm ghế ngồi cho sạch vì các em phạm lỗi vẽ bậy lên ghế…

Có thể vài hôm nữa, chúng ta sẽ lại đọc thấy những sự việc khác, mà mức độ quái dị, tàn ác có khi đến mức ta chưa thể tưởng tượng ra. Tuy vẫn biết đó chỉ là vài con sâu làm rầu nồi canh, nhưng lòng tin vào giáo dục Việt Nam lại thêm một lần nữa bị sứt mẻ, tổn thương. Những việc trên không chỉ là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp nhà giáo mà còn là hành vi bạo hành trẻ em đáng lên án. Dù thủ phạm đã có nhiều lời xin lỗi, bị buộc rời khỏi bục giảng làm việc khác, thậm chí kể cả sa thải khỏi ngành, tất cả chỉ là giải quyết một sự vụ mang tính tình thế mà thôi. Cần phải có những giải pháp căn cơ hơn để chấm dứt nạn thầy cô bạo hành học sinh trong nhà trường xảy ra đây đó lâu nay, mà vụ học sinh bị tát 231 cái ngay cận Ngày Nhà giáo Việt Nam mới đây chỉ là giọt nước làm tràn ly.

Nguyên nhân do đâu?

Trước hết, những sự việc đáng tiếc trong ngành giáo dục nêu trên đã gióng hồi chuông về chất lượng đào tạo sư phạm. Các trường sư phạm nước ta trang bị cho sinh viên nhiều kiến thức lý luận, nhưng lại yếu kém về ứng xử tình huống, vận dụng thực tế. Sinh viên được học về tâm lý rất nhiều; đáng tiếc, nội dung giảng dạy vẫn thiên về lý thuyết, thiếu tính ứng dụng, giáo sinh chưa được học cách vận dụng để xử lý các trường hợp cụ thể.

Nguyên nhân sâu xa và cơ bản của tình trạng giáo viên bạo hành học sinh còn do sự nhận thức, lối ứng xử và kinh nghiệm sư phạm của nhiều thầy cô còn thiếu sót. Quan niệm cũ kỹ, lạc hậu “thương cho roi cho vọt” từ tập quán, truyền thống văn hóa thế hệ trước để lại cần phải thay đổi. Không ít giáo viên (và cả phụ huynh) vẫn còn mang nặng tâm lý cổ hủ về phương cách giáo dục “hay chữ không bằng dữ đòn” rơi rớt lại từ thời xa xưa; có thầy cô đôi khi còn ngộ nhận mình có quyền lực tuyệt đối kiểu tam cương “quân – sư – phụ”, lạm dụng quyền lực đó, bảo gì học sinh cũng nhất nhất phải nghe, muốn trừng phạt học sinh thế nào cũng được.

Một số thầy cô còn bị ảnh hưởng bởi áp lực trong cuộc sống, tiền lương thấp, học sinh quá nghịch, nóng lòng vì thành tích… để biện minh cho việc bản thân mình thiếu kiên nhẫn trong quá trình dạy học, dẫn đến hành xử thô bạo với các em. Nhận thức pháp luật kém cũng gián tiếp gây ra những vụ việc đau lòng. Cần biết, Luật Giáo dục hiện hành đã có quy định nhà giáo không được “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học”. Nên dù xuất phát từ bất kỳ nguyên do nào đi chăng nữa, hiện tượng giáo viên sử dụng bạo lực với học sinh có thể xem như một sự sa sút nhân cách nhà giáo, sự bất lực về khả năng sư phạm và vi phạm pháp luật. 

Một lý do nữa, tình trạng bạo hành học sinh vẫn tái diễn là do những giáo viên bạo hành thường không phải chịu hậu quả và trách nhiệm gì mấy. Họ có thể dùng lý lẽ để biện minh cho hành vi sai trái; còn về phía nhà trường, Ban Giám hiệu cũng không muốn bị ảnh hưởng đến thành tích nên vụ việc dễ bị cho qua hoặc có xử lý thì cũng chỉ qua quýt ở mức nhắc nhở rút kinh nghiệm, phê bình, khiển trách giáo viên có hành vi bạo hành, kiểu ném đá ao bèo. 

Từ những nguyên nhân trên, nhiều vụ bạo hành trẻ em gần đây, từ bậc mầm non đến phổ thông liên tiếp xảy ra, gây bức xúc trong dư luận, nếu không có giải pháp căn cơ, nạn bạo hành trẻ trong học đường sẽ không thể nào chấm dứt.

Một số giải pháp căn cơ

Đầu tiên, các trường sư phạm cần phải thay đổi triệt để khâu tuyển dụng và đào tạo giáo viên theo hướng không những xem trọng cung cấp kiến thức mà còn phải chú trọng rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, trong tương quan giữa “hồng và chuyên” cần ưu tiên quan tâm đến mặt “đức”. Bản thân các thầy cô, nếu không yêu trẻ thì xin đừng chọn nghề dạy học chỉ như một nghề kiếm cơm độ nhật. Phải có trách nhiệm tự mình trang bị kiến thức, kỹ năng. Ngoài tài năng, nhà giáo phải hội đủ những đức tính như sự mô phạm trong cuộc sống, lòng yêu nghề, tận tụy với sự nghiệp dạy học. Về phương diện đạo đức, thầy cô giáo phải là những người vừa có lòng yêu thương, vừa nghiêm khắc không chỉ với học sinh mà còn với chính cả bản thân mình. Nhà giáo phải là người giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm sư phạm, sống tình cảm, độ lượng, đối xử công bằng, không vụ lợi và lạm dụng quyền lực; vì đã xác định chọn nghiệp dạy học thì phải tuân theo đạo đức, văn hóa nghề nghiệp nhà giáo, cần rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức của mình mọi lúc, mọi nơi.

Các cấp cũng cần quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất và tinh thần của nhà giáo, vì so với mặt bằng chung thì thu nhập từ lương của giáo viên hiện nay cơ bản là thấp, chưa đủ trang trải cuộc sống nên có người còn bị nhiều áp lực về cơm áo đời thường, chưa toàn tâm toàn ý cho nghề dạy học. Ngoài ra, để phòng ngừa, ngăn chặn, răn đe các hành vi bạo hành học đường, hệ thống pháp luật cần có các chế tài cụ thể, nghiêm khắc đối với các hành vi bạo lực của nhà giáo đối với học sinh. Các quy định pháp luật bên cạnh chú trọng các biện pháp phòng ngừa, răn đe những hành vi bạo hành trẻ em cũng cần xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh trước pháp luật những người bạo hành học sinh.

Việt Nam là một trong những thành viên đầu tiên tham gia Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, nhưng tình trạng trẻ em bị bạo hành trong nhà trường vẫn còn xảy ra ở mức đáng lo ngại. Cần sớm giải quyết triệt để hiện tượng bạo hành học sinh trong nhà trường, vì đây chính là một trong những vấn đề bức xúc của ngành giáo dục, đang được cả nước quan tâm đặc biệt trước mức độ ngày càng gia tăng, gây nhức nhối, bất bình cho xã hội.

Võ Thường Danh

 

Bình luận (0)