Vừa qua, tôi có đọc bài báo của một tác giả là người Việt Nam đang sinh sống ở Pháp. Tôi không biết cô ấy sống ở Pháp bao lâu, cô ấy bao nhiêu tuổi nhưng có lẽ không nhiều tuổi lắm vì có con đang học mẫu giáo, tiểu học. Bài viết của cô đề cập đến cách dạy con của người Việt Nam theo câu tục ngữ “kính trên, nhường dưới”.
Tôi rất đồng tình với tác giả là cần phải giáo dục trẻ thành “những cá nhân có tư duy độc lập và phát triển” và các bậc cha mẹ “nên giải thích lý do khi yêu cầu trẻ làm theo lời cha mẹ, chứ tránh dùng các biện pháp như đe dọa, ép buộc, sỉ nhục hay ra điều kiện về mặt tình cảm (như con không nghe lời thì mẹ sẽ không thương con)”.
Tuy nhiên, tôi không đồng ý khi tác giả bảo rằng: “Người Việt Nam chúng ta luôn coi rằng “kính trên nhường dưới” là một tiêu chuẩn của trẻ em ngoan. Một em bé ngoan là một em bé biết nghe lời người lớn – đơn giản là như thế”. Tôi thấy dường như tác giả đã hiểu sai về câu tục ngữ. “Kính trên” là kính trọng người lớn tuổi hơn mình. Nếu người lớn có nói sai, hiểu sai về mình; có hành động không đúng với mình thì mình cũng không được nói năng hỗn láo, vô lễ mà phải bình tĩnh, lễ phép trình bày, giải thích. “Nhường dưới” là phải yêu thương em nhỏ, em có làm gì sai, quá đáng với mình cũng không được đánh mắng mà phải giải thích cho em hiểu. “Kính trên nhường dưới” không có nghĩa là phải luôn nghe lời người lớn và luôn nhường nhịn em nhỏ trong bất kỳ trường hợp nào.
Năm con trai tôi học lớp 9, trong một tiết học, bạn ngồi phía sau cứ khều cháu quay xuống để nói chuyện. Cháu không quay lại thì bạn cứ khều hoài, bực mình, cháu quay lại nói: “Đừng kêu nữa mà!”. Cô giáo nhìn thấy và bảo rằng cháu và bạn nói chuyện trong giờ cô giảng bài. Con tôi lễ phép trình bày, giải thích nhưng cô giáo lại giận dữ nói: “Đã sai mà còn cãi nữa hả!” và phạt hai cháu tan học phải ở lại làm vệ sinh lớp trong 3 ngày. Con tôi đã không vâng lời cô, cháu ra về, không ở lại làm vệ sinh lớp với bạn. Nghe con kể, tôi bảo có cần ba gọi điện thoại nói chuyện với cô không, cháu trả lời ba đừng gọi. Hôm sau, cô giáo hỏi cháu tại sao không ở lại làm vệ sinh lớp như cô phạt. Cháu lễ phép giải thích cho cô hiểu và nói: “Em không có lỗi, tại sao em phải chịu phạt? Như vậy là quá bất công với em?”. Cô giáo im lặng và cho cháu về lớp.
Tôi kể câu chuyện trên để muốn nói rằng “kính trên” là luôn giữ thái độ, lời nói tôn trọng, lễ phép với người lớn chứ không phải luôn luôn nghe theo lời người lớn.
Xin hãy hiểu đúng về câu tục ngữ của ông cha “kính trên nhường dưới” mà người Việt Nam đã dạy con cháu bao đời nay!
Lê Phương Nhân Tâm
Bình luận (0)