Sở GTVT từng đề xuất thí điểm làn đường riêng cho xe buýt trên 2 tuyến đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu nhưng không thể thực hiện do vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cả phía chuyên gia và người dân.
Cần giải pháp đột phá để xe buýt tăng tốc. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Đó là đề xuất mới nhất trong đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn TP.HCM” do Sở GTVT “đặt hàng” Viện Chiến lược và phát triển GTVT nghiên cứu.
Chỉ ưu tiên giờ cao điểm
Theo đó, TP sẽ thí điểm tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt trên từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Lý Thái Tổ, dài 3,6 km và từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Dân Chủ trên đường Võ Thị Sáu, dài 2,2 km. Thời gian ưu tiên cho xe buýt trong 2 giờ cao điểm buổi sáng và 3 giờ cao điểm buổi chiều các ngày trong tuần. Mỗi làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ có chiều rộng 3,25 m, được phân cách với phần đường còn lại bằng rào chắn cứng kết hợp với dải phân cách mềm.
Ngoài xe buýt, xe công an, xe cứu thương, cứu hỏa, xe mini buýt, xe khách từ 12 chỗ trở lên cũng được lưu thông vào làn đường dành cho xe buýt. Viện Chiến lược và phát triển GTVT đang nghiên cứu 3 phương án tổ chức lưu thông: Bố trí làn ưu tiên sát vỉa hè, bố trí ở giữa hoặc bố trí 2 làn ưu tiên xe buýt trên đường Điện Biên Phủ mà không bố trí trên đường Võ Thị Sáu.
|
Trước đó, khoảng tháng 4.2017, Sở GTVT từng đề xuất thí điểm làn đường riêng cho xe buýt trên 2 tuyến đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu nhưng không thể thực hiện do vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cả phía chuyên gia và người dân. Làn xe buýt nhanh tuyến bến xe Yên Nghĩa – Kim Mã mà TP.Hà Nội đang khai thác kém hiệu quả cũng là bài học nhãn tiền, khiến nhiều người lo ngại về tính khả thi của dự án.
Tuy nhiên ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM, nhấn mạnh đây là đề án tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt, không phải xây dựng làn xe buýt nhanh (BRT) giống như dự án trên đường Võ Văn Kiệt hay BRT Hà Nội. Xe buýt, các xe vận tải khối lượng lớn chỉ được ưu tiên vào giờ cao điểm. Trong các giờ khác, các phương tiện lưu thông bình thường.
“Xe buýt muốn hoạt động hiệu quả phải đảm bảo nguyên tắc đầu tiên là đúng giờ. Hiện phương tiện cá nhân chiếm dụng quá nhiều diện tích đường, xe buýt không có chỗ chạy, đến trễ, chậm giờ nên mới bị “ghẻ lạnh”. Cần những giải pháp đột phá, quyết liệt để ưu tiên cho xe buýt, thu hút người dân giảm xe cá nhân, sử dụng giao thông công cộng”, ông Trung nói.
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận định tổ chức làn đường ưu tiên vận tải công cộng là rất tốt và được nhiều nước áp dụng. Phương án lưu động ưu tiên theo giờ cũng hợp lý. Tuy nhiên, cần cân nhắc phương án tổ chức làn đường riêng.
Theo ông Hòa, trong 3 phương án mà Viện Chiến lược và phát triển GTVT đang nghiên cứu, bố trí làn ưu tiên sát vỉa hè là khả thi nhất vì thuận chiều lên/xuống của khách tại các bến nhưng cũng vấp phải thách thức là các xe ô tô đậu/đỗ quá nhiều.
Buýt mini “gom” khách từ hẻm ra buýt chính
Cũng nằm trong đề án đang nghiên cứu, Trung tâm vận tải hành khách công cộng TP.HCM đề xuất xây dựng 30 tuyến buýt mini với 350 xe 12 chỗ có khả năng di chuyển đón khách tại các hẻm rộng từ 4 – 6 m. Xe buýt mini có chức năng trung chuyển, gom khách kết nối đến xe buýt chính, gắn chặt với hoạt động đưa rước học sinh và sau này là đầu mối chuyển khách tới các tuyến metro. Mục tiêu trong bán kính không quá 200 m, người dân có thể dễ dàng di chuyển đến các điểm giao thông công cộng.
Theo chuyên gia giao thông Lương Hoài Nam, một số nước và lãnh thổ có hệ thống giao thông công cộng phát triển như Singapore, Hồng Kông… sử dụng cả 3 loại gồm xe buýt thường, buýt nhanh (BRT) và buýt 2 tầng. TP.HCM cũng nên sử dụng đa dạng các chủng loại buýt, trong đó bắt buộc phải có xe buýt mini từ 16 – 30 chỗ.
“Đây là lực lượng quan trọng vì TP có nhiều hẻm, đường nhỏ, xe buýt lớn đi vào sẽ gây tắc đường và lưu lượng khách không đủ để chạy nhiều tuyến. Xe buýt mini linh hoạt, nhỏ gọn sẽ phát huy hiệu quả tốt”, ông Nam nói.
Trong khi đó, PGS-TS Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông – Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng cho rằng hệ thống buýt mini sẽ đồng bộ cùng phương án làn ưu tiên cho xe buýt, tăng cường vận tải hành khách công cộng. Theo ông, đường ưu tiên cho BRT của Hà Nội thất bại vì quá nhiều xe máy, dành 1 làn cho xe buýt thì nhiều tuyến đường chỉ còn 1 – 2 làn, xe máy phải chung làn với ô tô, bị ép, người dân lại bức xúc. “Đường ưu tiên cho xe buýt ở TP.HCM cũng vậy, người dân không đi thì linh động mấy cũng thua. Phải xác định người ta không đi buýt vì không tiếp cận được. Từ nhà trong hẻm ra tới bến xe cả 1 km, không ai chịu đi bộ. Vì thế phải đồng bộ, kết nối với các buýt mini, tạo thành cả hệ thống để thu hút người dân”, ông nói.
Hà Mai/TNO
Bình luận (0)